Công tâm, khách quan để chọn đúng cán bộ

Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa kết thúc đã để lại thông điệp rõ ràng về quyết tâm xây dựng một tập thể Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo; bằng một quy trình nhân sự công tâm, khách quan. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là: 'Đừng để mẽ bên ngoài che đậy sơ sài bên trong'.

1. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Muốn lựa chọn đúng cán bộ phải hiểu biết cán bộ, hiểu biết cán bộ sẽ giúp việc lựa chọn đúng người, giao đúng việc. Người chỉ rõ: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. Trong sử dụng cán bộ, tuyệt đối tránh mắc phải những căn bệnh như: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết…”, “ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình...”.

Tư tưởng ấy của Người được Đảng ta vận dụng mạnh mẽ trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt là, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nêu gương và quan tâm chọn lựa cán bộ có tài, có đức, xem đây là tiêu chí hàng đầu để tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Biểu hiện rõ nhất là các Tổng Bí thư: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh; Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng… luôn phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài; không bố trí, thu xếp con mình làm Ủy viên Trung ương Đảng…

Tuy nhiên do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, những năm qua đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra. Biểu hiện cụ thể của việc này xuất hiện ở nhiều đơn vị, địa phương. Trong đó, tiêu biểu là các vụ việc “bổ nhiệm thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng” liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, Lê Phước Hoài Bảo, Trần Vũ Quỳnh Anh… đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng. Qua đây, dư luận cũng đòi hỏi cần có giải pháp ngăn chặn từ gốc tình trạng nói trên.

2. Phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm sau: (1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. (3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. (4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm. (5) Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp. (6) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. (7) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”…

Có thể nói, 7 định hướng nói trên là những đúc kết tinh túy, “kim chỉ nam” trong công tác cán bộ không chỉ của cấp Trung ương mà còn của cấp đơn vị, địa phương thời gian tới. Không chỉ vậy, những năm qua Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đã công phu xây dựng và ban hành nhiều chính sách liên quan đến công tác cán bộ. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ khóa XII, đã có các quy định quan trọng như: Quy định số 132-QĐ/TƯ ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị về “Kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”; Quy định số 105-QĐ/TƯ ngày 19-12-2019 của Ban Chấp hành Trung ương về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 179-QĐ/TƯ ngày 25-2-2019 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ”; Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”… Đặc biệt, việc quy định cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu là quan điểm mới, góp phần chấm dứt tình trạng cánh hẩu, lợi ích nhóm, nhằm thao túng quyền lực.

Có thể nói, những quy định này chính là các “bộ lọc” nhằm giúp công tác nhân sự chọn được người đủ đức, đủ tài cho các cơ quan, đơn vị. Điều quan trọng là những yêu cầu này cần phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, công tâm, khách quan. Chọn cán bộ là để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Cho nên, đánh giá cán bộ không gì chính xác, toàn diện bằng thông qua hiệu quả công việc cũng như uy tín trước tập thể, trước nhân dân.

Đỗ Quỳnh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/967663/cong-tam-khach-quan-de-chon-dung-can-bo