Công tác xã hội: Điểm tựa của những mảnh đời yếu thế

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề đặc biệt, đậm tính nhân văn. Những hoạt động CTXH được triển khai có ý nghĩa lớn trong việc gắn kết, chia sẻ và kết nối chính sách đến với những người yếu thế. Trong những năm qua, ngoài thực hiện chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh còn triển khai hiệu quả nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, nhiều đối tượng được hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ phòng CTXH tư vấn, hỗ trợ qua tổng đài tư vấn miễn phí.

Cán bộ phòng CTXH tư vấn, hỗ trợ qua tổng đài tư vấn miễn phí.

Gần nửa năm gắn bó với Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội, ông Nguyễn Văn K. (huyện Hoa Lư) đã bắt nhịp được với cuộc sống mới. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông K. đã tìm được những người cùng cảnh để bầu bạn, sẻ chia.

Ông K. chầm chậm kể: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, rất khó khăn. Tôi không có gia đình riêng. Nguyện vọng của tôi là được vào sống tại Trung tâm, vì vậy đã liên hệ với Trung tâm để nhờ trợ giúp. Sau khi nhận được thông tin về hoàn cảnh của tôi, các cán bộ của Trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương xác minh hoàn cảnh. Đủ điều kiện để được vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm, tôi được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục cần thiết. Chỉ hơn 1 tháng sau đó, tôi đã được đón vào ngôi nhà mới này. Tôi đang ở những tháng năm cuối cùng của cuộc đời rồi. Ở đây, bên cạnh nhiều người cùng cảnh ngộ, được thụ hưởng sự chăm sóc chu đáo của cán bộ Trung tâm, sức khỏe và tinh thần của tôi được cải thiện rất nhiều.

Cháu Phạm Thị T. 12 tuổi ở huyện Kim Sơn cũng là một trường hợp đặc biệt đã nhận được sự trợ giúp tận tâm của phòng CTXH. Cháu T. bị câm, điếc bẩm sinh. Mẹ mất sớm, bố bỏ đi làm ăn xa không có liên lạc, để lại 3 chị em T. cho ông bà nội nuôi. Hiện nay, ông bà nội cháu đã cao tuổi, lại thường xuyên phải đi viện, vì vậy gửi cháu T. lên chùa nhờ nhà chùa cưu mang. Tuy nhiên, do cháu bị khuyết tật đặc biệt, nên nhà chùa cũng lo lắng cho sự an toàn của cháu, vì vậy đã thay mặt cho gia đình, liên hệ với Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh nhờ giúp đỡ.

Tiếp nhận thông tin, các cán bộ phòng CTXH đã xuống địa phương gặp gỡ cán bộ địa phương, gia đình cháu T và sư thầy để xác minh hoàn cảnh. Tuy nhiên, vì cháu T. còn người bố và người chăm sóc nên không thuộc diện được nhận vào nuôi dưỡng tại Trung tâm. Các cán bộ phòng CTXH đã tư vấn cho người nuôi dưỡng trẻ về chế độ chính sách cho cháu, đồng thời chia sẻ, tư vấn kiến thức để ông bà chăm sóc cháu T được tốt hơn và hướng dẫn các kỹ năng để cháu T. biết cách tự bảo vệ mình.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ và CTXH tỉnh.

Bà Lê Thị Thanh Trang, Trưởng phòng CTXH, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Được thành lập từ năm 2015, phòng CTXH có nhiệm vụ là huy động sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần của cả cộng đồng dành cho người yếu thế và kết nối các chính sách an sinh của tỉnh. Kể từ khi thành lập đến nay, phòng đã tư vấn trợ giúp 919 trường hợp, trong đó có 228 trường hợp tại văn phòng và 318 trường hợp thông qua đường dây nóng, 360 trường hợp là do cán bộ tư vấn của phòng CTXH xuống cộng đồng tìm hiểu, liên hệ và tư vấn trực tiếp tại gia đình đối tượng, 9 trường hợp thông tin từ báo chí, 4 trường hợp người dân gửi đơn thư tới.

Ngoài ra, hoạt động CTXH của Trung tâm đã cung cấp các dịch vụ khẩn cấp và ngắn hạn như: Tiến hành đánh giá ban đầu và sàng lọc những trường hợp tổn thương được phát hiện và báo tin ở cộng đồng. Sau đó, cung cấp ngay các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp để đảm bảo an toàn và đáp ứng ngay nhu cầu của đối tượng khi họ tới Trung tâm, như thức ăn, quần áo mặc. Cung cấp các thông tin về phúc lợi xã hội, luật pháp và những kiến thức chung cho sự phát triển như sức khỏe sinh sản, sự phát triển của trẻ và phục hồi.

Trung tâm đã tiếp nhận, can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 30 trường hợp bị hoặc có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, bạo hành; thực hiện tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho đối tượng và gia đình ngay khi tiếp nhận thông tin; đồng thời kết nối với cơ quan chức năng hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đối tượng và gia đình.

Trung tâm cũng đã tổ chức, xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ và tư vấn trợ giúp cho 280 lượt đối tượng đang được chăm sóc nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm về tâm lý, kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Tăng cường rà soát đối tượng yếu thế ngoài cộng đồng, từ đó tư vấn, kết nối các dịch vụ xã hội cần thiết để trợ giúp nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, phòng CTXH, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội cũng rất chú trọng tới công tác truyền thông, nâng cao năng lực và phát triển cộng đồng. Theo đó, từ khi thành lập tới nay, phòng CTXH đã phối hợp với các địa phương tổ chức 38 hội nghị truyền thông cho gần 4.000 người nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác xã hội ở các thôn xóm, phố của các xã, phường và thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao kỹ năng và tạo mạng lưới CTXH tại cộng đồng; tổ chức 19 lớp tập huấn về kỹ năng chăm sóc người khuyết tật và người rối nhiễu tâm trí cho 1.880 người thân và gia đình của đối tượng tại các xã, phường, thị trấn, từ đó giúp họ có kỹ năng chăm sóc đối tượng tại cộng đồng được tốt hơn; tổ chức 13 lớp tuyên truyền phòng tránh tai nạn giao thông, đuối nước, phòng tránh xâm hại trẻ em và cách chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho 1.965 em học sinh tại các trường THCS nhằm trang bị cho các em có các kỹ năng, biện pháp phòng tránh các tai nạn rủi ro xảy ra đối với bản thân các em...

Ông Hoàng Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội cho biết thêm: Hàng năm, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ, nhân viên phòng CTXH đi học tập nâng cao trình độ, kỹ năng xử lý tình huống do Bộ Lao động, TBXH tổ chức. Đồng thời, đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở những địa phương làm tốt nghề CTXH. Nhờ đó, kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống của từng cán bộ, nhân viên ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Các đối tượng có nhu cầu được cung cấp thông tin liên quan đến luật pháp, chính sách xã hội, dịch vụ xã hội hay cần sự giúp đỡ để kết nối đến các dịch vụ hỗ trợ; cần được tham vấn hỗ trợ tâm lý hoặc cung cấp các kỹ năng giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng đều được nhân viên tư vấn trả lời kết nối các dịch vụ cụ thể, hiệu quả.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cong-tac-xa-hoi-diem-tua-cua-nhung-manh-doi-yeu-the/d20230322110837676.htm