Con Trâu trong tâm thức người Việt

Hình ảnh con trâu đã đi vào tâm thức người Việt từ xa xưa và ngày càng sâu đậm trên nhiều bình diện, nhất là trong phong tục và các lễ thức của hội làng. Tết đến, người ăn uống no đủ thì trâu cũng được ăn Tết, hưởng lộc với ý nghĩa người hàm ơn và cầu cho trâu khỏe mạnh, con người có đời sống ấm no, hạnh phúc.

Cặp tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh): Chăn trâu thổi sáo và Chăn trâu thả diều.

Hẳn rằng, từ một quá khứ rất xa, khi đồng bằng sông Hồng còn là đầm lầy mênh mông và đồi gò trung du còn là núi cao, rừng rậm, các tộc người ở đây (Mường, Việt…) sống bằng hái lượm, săn bắt thì trâu rừng, lợn cỏ chỉ là những con mồi hoang dã, có phần dữ tợn trước các cuộc săn lùng của người với mục đích duy nhất là tìm kiếm thức ăn.

Hẳn rằng, chỉ từ khi cư dân ở đây tìm được cây lúa (hoang) sinh ra hạt thóc quý, định hình nếp sống cơ bản cho người là trồng lúa, rồi từ nghề nông trồng lúa nương dùng cuốc trên đồi gò; chuyển dần xuống vùng thấp trồng lúa nước dùng cầy, tức là quá trình khai phá rừng rậm thành đồi gò, men dần xuống vùng thấp chinh phục đầm lầy thành châu thổ sông Hồng, song song với việc người săn bắt thú rừng lớn nhỏ như trâu, lợn, gà, chim muông, thuần hóa chúng thành gia súc, gia cầm làm thực phẩm, thì người ta cũng dần dà quan sát nhận ra nhiều đặc tính quý của trâu, phù hợp với nhu cầu sản xuất đương thời. Đó là trâu ưa nước, rất khỏe, hiền lành và kiên nhẫn…

Cho tới khi người ta chuyển được cây lúa hoang về thuần hóa thành lúa đồng, gieo trồng trong ruộng lúa nước. Nghề nông trồng lúa nước dùng cầy do trâu kéo thịnh vượng lên, con trâu trở thành tài sản quý giá đầu tiên và lâu dài nên con trâu thành “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Con trâu đã cùng người làm nên những mùa vàng trong từng thửa ruộng nhỏ tiếp nối nhau thành cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh (Ninh Bình) lúc còn là trẻ đã báo hiệu một nhân cách lớn của mình về sau bằng những cuộc “chiến trận” hàng ngày của quân trẻ trâu 3 thung (Thung lau, thung lá, thung lụi) do mình sáng tạo và tổ chức.

Còn gia đình tiểu nông rất thỏa mãn với mẫu hình “Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Thế kỷ XI, nhà Lý mở đầu triều đại ổn định, khởi sắc của một quốc gia độc lập, giai cấp phong kiến dân tộc đã có ý thức sâu sắc về nền kinh tế sinh nghiệp của nhân dân.

Nhà nước Đại Việt đề ra luật pháp bảo vệ trâu bò “trừng phạt rất nặng kẻ giết mổ trâu bò” và cứ 3 nhà lập thành “bảo” để kiểm soát nhau, liên đới chịu trách nhiệm về việc giết trâu bò.

Tháng chạp năm Mậu Tý (1018) vua Lý Thái Tông định phép “chọi trâu” để khuyến khích việc nuôi trâu to, béo, khỏe. Lại đề ra “đả xuân ngưu pháp” (phép đánh trâu vào mùa xuân) quy định lễ nghênh xuân cử người cầm roi vụt vào trâu đất (nặn nhỏ như đồ chơi), tượng trưng công việc nhà nông.

Trong nhân dân, không rõ từ bao giờ, nhiều nơi đã mở hội chọi trâu hàng năm để cầu nghề nông thịnh đạt. Nổi tiếng nhất là hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Đặc biệt, ở Phú Thọ lại có loại “chợ phong tục” là chợ chọi trâu 1 năm 3 phiên thì 2 phiên có thi chọi trâu tế thần vào ngày 5 tháng 5 và 10 tháng 10.

Nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ lại có tục cho trâu ăn Tết. Khoảng tháng Chạp, người ta lo cỏ sạch, rơm thơm để ngày đầu Xuân thưởng cho trâu, rồi quét dọn chuồng và tắm cho trâu. Sáng mồng 1, người ta lấy miếng bánh chưng hoặc bánh gai, thịt luộc, cá kho, xôi chè, mỗi thứ 1 tý gói trong rơm vàng, cỏ mật cho trâu ăn. Có nơi dán lá bùa giấy hồng lên trán trâu để “trừ tà, giải quái, cầu bình yên”. Hoặc sau khi thắp hương cúng “thần chuồng trâu”, chọn ngày tốt cho trâu ăn ngon, dắt trâu đi vài vòng sân thưởng xuân, ướm vai cầy, cầu may.

Từ xa xưa, trâu đã là vật hiến sinh trong lễ lớn của làng. Ở tỉnh Vĩnh Phúc, một số làng trong hội Xuân còn lưu cách mổ trâu, cách nấu nướng và bày cỗ thịt trâu độc đáo như vang béng một thời săn bắt. Ấy là tục chém trâu, lột da làm nồi nấu thịt (“nồi da nấu thịt”) có từ thời Vua Hùng. Thịt chín, người ta bày vào lá ngõa (lá vả) làm cỗ 9 tầng (9 lớp lá chồng lên nhau). Tế xong, hạ cỗ xuống, cả làng cùng ăn bốc như nghi thức cổ truyền, với tinh thần dân chủ công xã (lối sống bình quân) và trước lúc ăn đã lấy tăm xâu thịt cho mỗi người đem phần về nhà. Trên mâm lúc ấy chỉ còn rau, món xào, canh và cơm !

Trâu cần cho sản xuất, cho nghi lễ, trâu sẽ được tôn thờ như 1 biểu tượng, nhiều làng ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang có tục thờ trâu. Vì lúc này trâu đã thành biểu tượng cho sức mạnh trồng trọt như mặt trời (ánh sáng) và nước vậy.

Làng Tiên Sơn và làng Duệ Nam (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) có tục thờ trâu và tượng trâu đã được tạc đặt ở đình. Còn tượng trâu, bò thì tìm thấy ở Đồng Đậu (xã Minh Tâm, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên) và Tiên Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Biết bao thế hệ nghệ sĩ dân gian, dân tộc - xuất thân là nông dân đã quan sát, suy tư về con trâu. Dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) có bức “Chăn trâu thổi sáo”. Tranh vẽ 2 chú mục đồng thân trần, chân đất, hồn nhiên vắt vẻo trên lưng trâu du dương tiếng sáo trúc dưới bóng mát của chiếc lá sen ! Người ta nói “đàn gẩy tai trâu” để chỉ một việc làm vô ích? Nhưng không, ở đây, trâu lại vểnh tai thưởng thức khúc nhạc đồng nội thân quen, bác bỏ quan niệm thông thường của người đời vẫn nghĩ sai về trâu !

Từng đôi tượng trâu tròn bằng đá xanh nguyên khối lớn như thật là những công trình điêu khắc giá trị, thường thấy ở các sân chùa lớn cùng với 4 loài thú khác (ngựa, voi, tê giác, sư tử) làm tăng thêm vẻ trang nghiêm nơi thờ tự và tạo một cảm quan nghệ thuật hài hòa, cân đối giữa cuộc sống thiên nhiên đối với người hành hương cũng như khách du lịch tới vãn cảnh chùa. Một số phù điêu đã miêu tả các dáng vẻ khác nhau của trâu, chạm khắc trên lan can cầu đá thượng điện và chân tháp Bảo Nghiêm chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.

Ngày nay, con trâu không phải là “đầu cơ nghiệp” nữa và chúng ta đang cố rút ngắn thời đoạn sản xuất kiểu tiểu nông để chuyển nhanh lên công nghiệp hóa trong nền công nghiệp XHCN. Nhưng với một xã hội có nền tảng của một nền văn minh lúa nước như đất nước ta, những câu hát của trẻ chăn trâu sẽ chẳng bao giờ mất đi: Trâu ơi ! ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta/ Cấy cầy vốn nghiệp nông gia/ Ta đây, trâu đấy ai mà quản công…

PGS. Lê Trung Vũ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/con-trau-trong-tam-thuc-nguoi-viet-post437083.html