Cơn sốt 'đóng vỉ chân dung' bằng ChatGPT gây lo lắng

Một số nghệ sĩ bày tỏ lo ngại trước làn sóng người dùng tạo hình ảnh bằng ChatGPT ngày càng gia tăng.

 Một bức ảnh được AI tạo theo phong cách "đóng vỉ đồ chơi". Ảnh: Minh Hiệp/FB.

Một bức ảnh được AI tạo theo phong cách "đóng vỉ đồ chơi". Ảnh: Minh Hiệp/FB.

Tính năng “đóng vỉ chân dung” bằng ChatGPT đang gây sốt trên mạng xã hội và thu hút sự tham gia của đông đảo người dùng. Những mô hình búp bê siêu thực này cho phép người dùng tạo ra phiên bản Barbie của chính mình, thú cưng hoặc các nhân vật nổi tiếng yêu thích.

Người dùng tận dụng sức mạnh của AI để tạo nên những phiên bản độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân - những mô hình không thể tìm thấy tại bất kỳ cửa hàng đồ chơi nào.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng khiến nhiều họa sĩ minh họa cảm thấy thất vọng. Họ phản đối việc sử dụng trái phép tác phẩm nghệ thuật để huấn luyện các công cụ trí tuệ nhân tạo, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác động của AI đến nguồn sinh kế trong tương lai, theo New York Times.

Để phản hồi, một số nghệ sĩ đã chủ động chia sẻ hình ảnh minh họa do chính họ vẽ, mô phỏng bản thân trong các hộp đồ chơi figure.

Linh Truong (23 tuổi), một nghệ sĩ sống tại Manhattan (New York, Mỹ), cho rằng tính năng tạo hình ảnh trên ChatGPT thể hiện nỗ lực của các công ty công nghệ trong việc kết nối với người dùng ở mức độ cá nhân hơn.

Cô tự tay minh họa lại theo xu hướng này, kèm dòng chữ "do con người tạo ra" ở một góc bức tranh. Hình ảnh mô tả cô cùng cuốn sổ phác thảo và chú mèo Kayla thân thiết bên cạnh.

"Họ muốn nói với chúng ta rằng 'Chúng tôi muốn bạn nhìn thấy chính bản thân mình trong sản phẩm của chúng tôi'", cô nói.

 Hình ảnh do 2 họa sĩ minh họa Linh Trương và Martha Ratcliff tự vẽ lại chính mình theo xu hướng "đóng vỉ chân dung". Ảnh: Linh Truong, Martha Ratcliff Illustration.

Hình ảnh do 2 họa sĩ minh họa Linh Trương và Martha Ratcliff tự vẽ lại chính mình theo xu hướng "đóng vỉ chân dung". Ảnh: Linh Truong, Martha Ratcliff Illustration.

Với nhiều người, tính năng tạo hình ảnh của ChatGPT mang đến một sức hấp dẫn khó cưỡng. Suzie Geria (37 tuổi), huấn luyện viên thể hình ở Toronto (Canada), cho biết cô bất ngờ trước độ chân thực của mô hình figure do ChatGPT tạo ra. Trong hình ảnh, cô được thể hiện cùng quả tạ ấm và quả đào - những biểu tượng đặc trưng cho các bài tập cơ mông mà cô chuyên hướng dẫn.

"Thật tuyệt khi thấy bản thân được thể hiện dưới dạng hoạt hình. Giữa một thế giới ngày càng trực tuyến, có lẽ ai cũng muốn nhìn lại chính mình theo một cách khác", cô nói.

Geria chia sẻ rằng cô cảm thông với những người có thể mất việc vì AI: "Đây là một vấn đề không dễ giải quyết, nhưng đồng thời, hình ảnh do AI tạo ra cũng mang đến những trải nghiệm thú vị cho nhiều người".

Khi các nền tảng AI ngày càng phổ biến, khả năng tạo hình ảnh của chúng cũng bị soi xét kỹ lưỡng hơn. Các nghệ sĩ và những người hoạt động sáng tạo lên tiếng, lo ngại rằng công nghệ này có thể đe dọa sinh kế của họ.

Bên cạnh đó, sự phát triển của hình ảnh deepfake, đặc biệt là những nội dung khiêu dâm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các chiến dịch chính trị, người nổi tiếng và cả học đường. Tờ New York Times đã đệ đơn kiện OpenAI và đối tác Microsoft, cáo buộc họ sử dụng trái phép các công trình xuất bản của tờ này để huấn luyện AI. Tuy nhiên, OpenAI và Microsoft đã bác bỏ các khiếu nại.

Vào tháng 3, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh được ChatGPT tạo theo phong cách Ghibli của nhà làm phim Nhật Bản Hayao Miyazaki. Để đáp lại, một số người dùng chia sẻ đoạn clip ông Miyazaki từng phát biểu vào năm 2016, trong đó ông bày tỏ quan điểm gay gắt đối với AI. Nhà làm phim cho rằng công nghệ này là "một sự xúc phạm đến cuộc sống".

Martha Ratcliff (29 tuổi), họa sĩ minh họa sống tại Leeds (Anh), cho biết cô đã dành nhiều năm để phát triển phong cách vẽ đặc trưng của riêng mình. Cô cảm thấy thất vọng mỗi khi chứng kiến trào lưu vẽ chân dung do AI tạo ra. Những xu hướng này thường mô phỏng phong cách của các nghệ sĩ nhưng không hề có sự ghi nhận hay đền bù hợp lý.

"Không thể phủ nhận sức hút của các xu hướng mới, nhưng khi nhìn rộng ra toàn cảnh ngành công nghiệp sáng tạo, nhiều nghệ sĩ như chúng tôi cảm thấy lo lắng. Không ai muốn thấy một lĩnh vực bị lu mờ vì công nghệ phát triển quá nhanh", cô nói.

Ratcliff dành 20 phút để tự vẽ lại chân dung theo xu hướng "đóng vỉ chân dung", với hình ảnh cô bế đứa con sơ sinh, đi kèm hoa, bút chì màu và chiếc cốc nóng có chữ "mama".

"Con người sáng tạo giỏi hơn robot nhiều", cô khẳng định.

Khánh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/con-sot-dong-vi-chan-dung-bang-chatgpt-gay-lo-lang-post1546308.html