Con nuôi đồn biên phòng

Hàng chục cháu bé là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu mồ côi, không nơi nương tựa được các chiến sĩ biên phòng Nghệ An nuôi dưỡng, chăm sóc. Mô hình 'con nuôi đồn biên phòng' với ý nghĩa nhân văn, cao đẹp đã giúp các cháu có nơi ăn ở, được học tập và rèn luyện nên người. Việc làm của các chiến sĩ quân hàm xanh góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ với đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Những người con của đồn

3 tháng nay, cứ 5 giờ 30 phút, trong giờ thể dục sáng hằng ngày ở Đồn Biên phòng Na Ngoi (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) lại xuất hiện hai “chiến sĩ nhí” cùng tham gia tập thể dục. Đó là Mùa Bá Sâu, dân tộc Mông và Vi Dương Cầm, dân tộc Thái ở xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.

Mùa Bá Sâu sinh năm 2006, bố mất sớm, mẹ bỏ đi sang bên kia biên giới, em trở thành đứa trẻ mồ côi bố, không được mẹ chăm sóc. Sâu sống cùng ông bà nội năm nay đã già yếu ở bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi. Còn Vi Dương Cầm sinh năm 2011, vì gia đình đông con, bố mẹ không có công việc ổn định, cuộc sống vô cùng khó khăn nên bố mẹ Cầm không thể chăm sóc cho các con được đầy đủ. Biết hoàn cảnh của các em, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi phối hợp với Ban quản lý bản và thầy, cô giáo đến tận gia đình để tìm hiểu gia cảnh, thông báo chủ trương nhận con nuôi, hỏi ý kiến của các em và gia đình… Ngày 25-9-2019, Sâu và Cầm chính thức trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Na Ngoi và được đưa về đơn vị nuôi dưỡng. Để tạo điều kiện học tập, chăm sóc các cháu, Ban chỉ huy đồn đã bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt chu đáo, có góc học tập riêng, các đồ dùng và phương tiện cần thiết. Hai cháu được Thiếu tá QNCN Phạm Tuấn Minh trực tiếp chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, kèm cặp, giáo dục và chăm sóc.

Các cháu được dạy gấp chăn màn.

Đại úy Nguyễn Bá Kỷ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết: "Trước đây, em Sâu học cách xa đơn vị hơn 5km đường rừng. Để tạo thuận lợi cho việc học của Sâu, đơn vị đề xuất với nhà trường chuyển cháu về học tại trường trung tâm. Khi đưa các cháu về đồn nuôi, ban đầu cũng có một số khó khăn nhất định. Đơn cử như hai cháu là hai người dân tộc khác nhau, tiếng nói, phong tục khác nhau nên để tạo sự hòa hợp ngoài giờ lên lớp, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể để hai cháu cùng vui chơi, tạo không khí cởi mở, thân thiện. Đến nay, các cháu đã quen với nền nếp sinh hoạt ở đơn vị. Dịp họp phụ huynh đầu năm học, các cháu được cô giáo chủ nhiệm đánh giá ngày càng tiến bộ".

Còn ở Đồn Biên phòng Keng Đu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An), nhiều tháng nay, hai em Lo Văn Diệu và Xeo Văn Điệp (cùng học lớp 6 Trường THCS Dân tộc bán trú xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) trở thành con nuôi của đồn. Các em cũng là những học sinh có hoàn cảnh hết sức khó khăn, đặc biệt là Diệu. Bố của Diệu mất sớm, mẹ em đi bước nữa rồi cùng chồng mới đi làm ăn xa, Diệu sống với ông nội. Còn bố mẹ của Xeo Văn Điệp đi làm ăn xa, mất tung tích khi em mới học lớp 4. Hiện em sống cùng ông bà ngoại đã già yếu ở bản Huồi Lê, xã Keng Đu. Đúng ngày khai giảng năm học mới, Diệu và Điệp trở thành con nuôi của đồn.

Tấm lòng của những chiến sĩ quân hàm xanh

Ở Đồn Biên phòng Keng Đu, chiến sĩ Moong Văn Khun được đơn vị giao nhiệm vụ kèm cặp, hướng dẫn các cháu học tập. Moong Văn Khun trước khi nhập ngũ đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, vừa có chuyên môn, lại thông thạo ngôn ngữ, nên rất thuận lợi trong giúp đỡ các cháu. Riêng Lo Văn Diệu trước khi được nhận làm con nuôi của đồn bị bệnh lở ngứa ngoài da. Vì gia cảnh khó khăn, không có tiền để mua thuốc chữa nên căn bệnh của em ngày càng nặng. Thiếu tá Nguyễn Tiến Hạnh, Chính trị viên phó đồn đã tìm mọi cách để mua thuốc chữa trị cho em. Với sự chăm sóc tận tình của chỉ huy đơn vị, căn bệnh của Diệu đang được chữa trị đúng hướng và dần hồi phục. Lo Văn Diệu chia sẻ: "Ở đây, các chú bộ đội rất yêu thương chúng cháu. Cháu được ăn ngon, mặc đẹp, được hướng dẫn học tập và đến trường. Nếu không có các chú chắc cháu không được đến trường đi học".

Thầy giáo Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Na Ngoi 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cho biết: "Đối với học sinh, chúng tôi thấy giải quyết được phần nào khó khăn cho các em đều rất có ý nghĩa. Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không phải lo việc ăn, học của các cháu. Đồng thời các cháu được sống trong môi trường nghiêm túc của quân đội sẽ trưởng thành, học tập tốt hơn".

Mặc dù thêm những công việc không tên, nhưng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An lại có thêm những niềm vui mới. Đến nay, trên tuyến biên phòng của tỉnh Nghệ An đã có 17 cháu học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số được nhận làm con nuôi với cam kết sẽ đỡ đầu các em vô điều kiện đến khi học hết cấp học THCS. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cũng đang nhận đỡ đầu 107 em học sinh trên địa bàn biên giới trong Chương trình "Nâng bước em đến trường", trong đó có 19 học sinh là con em người dân các bản biên giới của nước bạn Lào.

Ở vùng biên giới Nghệ An, giờ đây đã có thêm những mái ấm, mái ấm ấy được nhân lên từ những trái tim nồng hậu, từ cả sự yêu thương, bao dung của những người bố quân hàm xanh.

Bài và ảnh: HẢI THƯỢNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/con-nuoi-don-bien-phong-606732