'Cơn lốc' công nghệ Trung Quốc đang cuốn phăng những người cao tuổi

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, người cao tuổi Trung Quốc đang nỗ lực học hỏi để bắt kịp các ứng dụng công nghệ, phần nào giảm bớt nỗi lo sợ bị tụt hậu.

Bà Zhang Zhixia ngồi trên ghế, liếc nhìn tài liệu về phòng chống lừa đảo qua mạng qua lớp kính lão. Bà đã trở lại lớp học sau gần năm thập kỷ.

Bà Zhang, 62 tuổi, là cựu giáo viên mẫu giáo ở Bắc Kinh. Hiện bà đang rất quyết tâm để không bị bỏ lại phía sau cuộc cách mạng công nghệ của Trung Quốc. Cuộc đời bà Zhang đã chứng kiến Trung Quốc từ đất nước nghèo đói trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với phần lớn dân số đang hòa mình vào thời đại công nghệ.

Ví dụ, hiện đã có 890 triệu người dùng ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động trên khắp Trung Quốc. Ở thành thị, nhiều người gần như hoàn toàn không có tiền mặt. Tốc độ thay đổi này nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến hơn, theo CNN.

Tất cả mọi thứ, từ cà phê đến xe hơi, đều có thể được thanh toán bằng một thao tác đơn giản trên màn hình điện thoại di động. Tuy nhiên, điều này cũng khiến tầng lớp người cao tuổi cảm thấy bị bỏ lại phía sau.

Bà Zhang học sử dụng điện thoại thông minh tại lớp học của tổ chức tình nguyện "See Young". Ảnh: Tổ chức See Young.

Mỗi tuần, bà Zhang đều tham dự "các lớp học về điện thoại di động" do nhóm tình nguyện "See Young" phía tây bắc Bắc Kinh tổ chức. "Tôi rất ham học hỏi, tôi đã đăng ký tham gia ngay lập tức và lúc nào điện thoại của tôi cũng được sạc đầy đủ trước khi lên lớp", bà Zhang nói.

Giờ đây bà có thể sử dụng chiếc điện thoại Xiaomi của mình khá thuần thục, tuy nhiên vẫn phải thanh toán hóa đơn bệnh viện bằng hàng xấp tiền giấy. "Tôi rất ghen tị với những người khác. Họ thanh toán chỉ bằng một cú chạm đơn giản nhưng tôi cần đếm từng đồng một. Đôi khi tôi còn phải đếm nhiều lần vì sợ nhầm lẫn", bà Zhang chia sẻ.

"Người tị nạn kỹ thuật số"

Người Trung Quốc sống ở thành thị ngày nay đang dần hòa nhập và nắm bắt các ứng dụng công nghệ hiện đại vào cuộc sống. Điều này đồng nghĩa với việc lối sống của thế hệ người cao tuổi như bà Zhang đã không còn phổ biến.

"Sự xuất hiện rộng rãi của các thiết bị kỹ thuật số mới có tác động lớn đến cuộc sống của người già", Lu Jiehua, giáo sư nhân khẩu học xã hội tại Đại học Bắc Kinh, nói với CNN.

Sự thay đổi này diễn ra khi số lượng người cao tuổi ở Trung Quốc đang gia tăng, trở thành mối quan tâm lớn của chính quyền. Theo dự báo, một phần tư dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi trên 60 vào năm 2030.

Giáo sư Lu cho rằng nhóm người cao tuổi này đôi khi còn được gọi là những "người tị nạn kỹ thuật số".

Fang Huisheng, 82 tuổi, gây ấn tượng với các tình nguyện viên tại lớp học "See Young" bởi đã có thể sử dụng phương thức thanh toán điện tử từ rất lâu. Tuy nhiên, bà cho biết vẫn cảm thấy lo sợ bị tụt hậu. "Công nghệ phát triển rất nhanh. Những tiến bộ vốn được cho có thể khiến cuộc sống thuận tiện hơn lại trở thành vấn đề đối với người già chúng tôi. Nơi duy nhất cho phép chúng tôi thanh toán hóa đơn bằng tiền mặt là bưu điện", bà Fang nói, đề cập đến chính sách hỗ trợ thanh toán trực tuyến cho nhiều dịch vụ công của chính phủ.

Lớp học sử dụng công nghệ hiện đại dành cho người cao tuổi của tổ chức tình nguyện See Young. Ảnh: Tổ chức See Young.

Bà Fang cho biết bà có động lực đi học các lớp học của "See Young" khi nhìn thấy bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc nói về nỗi bất an của người già với tiêu đề: "Xin lỗi, vì bạn trên 70 tuổi, bạn không còn phù hợp để sống tiếp".

Bài viết liệt kê các trường hợp người già gặp khó khăn trong cuộc sống hiện đại như bị các nhà cung cấp dịch vụ từ chối bởi chỉ chấp nhận thanh toán điện tử hoặc không thể mua vé tại nhà ga vì những lý do tương tự. "Tiến về phía trước, hoặc bạn sẽ bị tụt lại phía sau. Hãy tự học và làm quen với xã hội", bài viết này kêu gọi.

Giáo sư Lu nhận định trong khi chính phủ đang cố gắng khiến cuộc sống thuận tiện hơn bằng hàng loạt công nghệ mới, điều này lại khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn đối với người già. "Người đến bệnh viện đa phần là người cao tuổi chứ không phải người trẻ", giáo sư Lu nói và cho rằng do đó, việc sử dụng các ứng dụng di động để đăng ký tại bệnh viện có thể không hiệu quả.

Nền kinh tế bạc

Hou Yuqing, một tình nguyện viên tại See Young, cho biết việc giúp đỡ bà của mình làm quen với các công nghệ mới đã truyền cảm hứng cho cô để giúp đỡ những người cao tuổi khác. "Có quá nhiều chức năng trên một chiếc điện thoại. Không chỉ đối với người già, nhiều khi tôi cũng gặp khó khăn với công nghệ hiện đại", Hou nói.

Các chuyên gia cho rằng việc người già được trợ giúp để sử dụng công nghệ điện tử có thể mang lại những lợi ích hữu hình cho xã hội cũng như nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường dịch vụ với người cao tuổi vô cùng tiềm năng, được truyền thông nhà nước coi như "nền kinh tế bạc" của nước này.

"Người cao tuổi sẽ đại diện cho tầng lớp người sử dụng công nghệ rất quan trọng trong tương lai", Hai Ning Liang, phó giáo sư tại Đại học Xi'an Jiaotong-Liverpool ở Tô Châu, nói với CNN. Liang ước tính đến năm 2030, số người dùng Internet có độ tuổi trên 60 có thể tăng gần gấp ba lên tới 245 triệu. Đến năm 2050, con số này có thể đạt tới 350 triệu người.

Đến lúc đó, phần lớn người dùng sẽ là những người hiện ở độ tuổi 50 và 60, vốn có trình độ học vấn và thu nhập cao hơn so với các thế hệ sinh ra và lớn lên trước năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu phát triển kinh tế bùng nổ. Nếu có thể làm quen với công nghệ hiện đại, bao gồm phương thức thanh toán điện tử và nhắn tin trực tuyến, tầng lớp người cao tuổi sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc trong những năm tới, phó giáo sư Liang nói.

Một tình nguyện viên của tổ chức See Young hướng dẫn học viên cao tuổi cách sử dụng ứng dụng nhắn tin trực tuyến WeChat. Ảnh: Tổ chức See Young.

"Tôi không muốn trở thành thảm chùi chân"

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Tencent và Đại học Thâm Quyến, sự trợ giúp từ người thân trong gia đình là cách tốt nhất để người già tìm hiểu về công nghệ.

Tuy nhiên, bà Zhang nói sự thiếu hiểu biết về công nghệ của bà đã tạo ra khoảng cách giữa bà và con trai. Con trai không muốn dạy bà cách sử dụng WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Trung Quốc, và từ chối cho bà Zhang một chiếc điện thoại mới hiện đại hơn.

Sự thiếu kiên nhẫn của con trai khiến bà Zhang cảm thấy rất cô đơn. "Tôi không muốn trở thành tấm thảm chùi chân của con trai. Con trai tôi nói tôi chỉ xứng đáng với một chiếc điện thoại có chức năng gọi điện là đủ", bà Zhang nói.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ước tính có khoảng 118 triệu người cao tuổi nước này đang sống một mình, khiến họ có nguy cơ bị cô lập khi không được tiếp xúc với công nghệ mới.

Sau ba tháng đến lớp, bà Zhang rất hào hứng chứng minh sự tiến bộ của mình. Nếu trước kia bà chỉ có thể gửi tin nhắn cho bạn bè và gia đình thì giờ đây, bà có thể chỉnh sửa video trên điện thoại và sử dụng bản đồ điện tử.

Cô tóm tắt những trải nghiệm của mình trong "lớp học về điện thoại di động" bằng một bài thơ:

"Ở nhà chờ con đi làm về

Không biết sử dụng điện thoại

Công nghệ phát triển nhanh như vậy

Khiến chúng tôi thấy như mình mù chữ.

Cộng đồng thân thương mở ra lớp học

Và chúng tôi ở đây hy vọng

Học về thế giới mới của điện thoại thông minh

Bằng tinh thần, sức sống, một lần nữa

Vì vậy hãy cổ vũ chúng tôi

Để chúng tôi không cảm thấy bị lạc loài".

Những khoảnh khắc nhảy nhót 'quên đời' của người cao tuổi Đoạn clip tổng hợp lại những màn nhảy múa "điên đảo" và vô tư của nhiều người trên thế giới, từ các cụ già, người bồi bàn cho đến các loài động vật khác nhau.

Hương Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/con-loc-cong-nghe-trung-quoc-dang-cuon-phang-nhung-nguoi-cao-tuoi-post924141.html