'Có về với đồng bào dân tộc mới thấy trách nhiệm của mình là lớn lao'

'Nhìn chung năm 2023, công tác dân tộc đã có nhiều điểm sáng tích cực, dù đâu đó vẫn còn những vấn đề hạn chế. Nếu có dịp về thăm, được thấy tận mắt đời sống của đồng bào dân tộc, mới thấy trách nhiệm của mình với đồng bào là lớn lao đến mức nào…'

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, do Ủy ban Dân tộc tổ chức chiều 2/1.

Tham dự hội nghị có đại diện nhiều bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 53 địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cùng dự tại đầu cầu Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Hà Nội còn tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà, dưới chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và nỗ lực cố gắng của đồng bào các DTTS, 188 chính sách tại vùng đồng bào DTTS&MN (trong đó có 136 chính sách dân tộc) đã được triển khai thực hiện đồng bộ.

Các chương trình, dự án được thực hiện trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước thúc đẩy sản xuất, qua đó giúp ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS&MN.

Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Đến nay, tại 4 tỉnh, TP: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm chỉ còn dưới 1%.

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc được Thành ủy - HĐND - UBND TP đặc biệt quan tâm; xác định là nhiệm vụ chính trị - xã hội trọng tâm, thường xuyên.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tham luận tại hội nghị.

Cụ thể hóa Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô, UBND TP đã trình HĐND TP phân bổ 1.050,23 tỷ đồng cho 95 dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Đến nay, đã có 52/95 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; 15 dự án cơ bản hoàn thành, chuẩn bị được bàn giao.

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô đã góp phần thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào vùng DTTS&MN. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS&MN so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc

Bên cạnh những kết quả cơ bản trên, Ủy ban Dân tộc nhìn nhận vùng đồng bào DTTS&MN vẫn còn khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết trong giai đoạn hiện nay. Đơn cử như: kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng không cao, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có tiến bộ, song giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS&MN so với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chưa bao giờ công tác dân tộc được các Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm như hiện nay. Trong năm 2023, đã có 95% các vấn đề liên quan đến thể chế bước đầu được giải quyết.

Hiệu quả thực hiện công tác dân tộc giúp đồng bào từng bước thoát nghèo.

“Nhìn chung công tác dân tộc đã có nhiều điểm sáng tích cực, dù đâu đó vẫn còn những vấn đề hạn chế. Nếu có dịp về thăm, được thấy tận mắt đời sống của đồng bào vùng dân tộc, mới thấy trách nhiệm của mình với đồng bào dân tộc là lớn lao đến mức nào…” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu 2 cái khó của năm 2024 là biến đổi khí hậu và xung đột giữa các quốc gia trên thế giới còn rất phức tạp. Ở đó, Việt Nam nói chung, vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm đúng mức đến công tác dân tộc. “Thực tế cho thấy, địa phương nào, bộ ngành nào có sự quan tâm thì kết quả triển khai thực hiện công tác dân tộc sẽ khác...” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với việc thực hiện chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương cần hết sức linh hoạt; bảo đảm phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, để đồng bào đồng lòng, bởi “nguồn lực là một chuyện nhưng sự đồng thuận của đồng bào mới là quan trọng nhất”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương. Chính vì vậy, năm 2024 và những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị cần hết sức quan tâm.

Cùng với coi công tác dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, kiến nghị điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp, hướng đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách dân tộc.

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Lê Sơn Hải, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lê Tuấn Hà, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số (Ủy ban Dân tộc).

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-ve-voi-dong-bao-dan-toc-moi-thay-trach-nhiem-cua-minh-la-lon-lao.html