Có nên rút tiền thẻ tín dụng?

Là một trong những tiện ích của phương thức thanh toán không tiền mặt song các ngân hàng khuyến cáo người dùng không nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng là một công cụ tài chính tiện lợi cho người dùng trong việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng còn cho phép khách hàng rút tiền mặt từ các cây ATM hoặc tại quầy giao dịch.

Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là gì?

Rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là hình thức sử dụng thẻ tín dụng để ứng tiền mặt tại máy ATM thay vì dùng thẻ ghi nợ. Nói cách khác đây là dịch vụ giúp khách hàng tạm vay tiền mặt từ ngân hàng. Do đó, tiền mặt khách hàng rút ra là dư nợ tín dụng ở ngân hàng, không được xem là dịch vụ rút tiền mặt từ tài khoản tiết kiệm hay tài khoản thanh toán.

Ưu điểm và nhược điểm của rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

Việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng có thể mang lại lợi ích nhất định song cũng có thể gây ra rủi ro.

Ưu điểm

Khi cần tiền mặt gấp, rút tiền từ thẻ tín dụng là một giải pháp nhanh chóng và thuận tiện. Người dùng chỉ cần mang theo thẻ đến bất kỳ cây ATM nào là có thể rút được tiền.

Việc rút tiền từ thẻ tín dụng không đòi hỏi bất kỳ tài sản nào để đảm bảo. Không yêu cầu nhiều giấy tờ hay thủ tục phức tạp như vay ngân hàng, thời gian nhận tiền nhanh chóng và không cần phải chờ đợi để xét duyệt các khoản vay.

Nhược điểm

- Phí rút tiền mặt cao: Rút tiền mặt không phải là chức năng chính của thẻ tín dụng. Vì vậy, phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng rất cao, dao động từ 1 - 4% trên tổng số tiền rút.

- Có thể mất khả năng thanh toán: Do phí rút tiền mặt và lãi suất cao, dẫn tới tổng dư nợ tín dụng cuối kỳ tăng lên. Trường hợp thanh toán quá hạn, toàn bộ dư nợ sẽ phải chịu thêm phí phạt trả chậm và lãi suất thanh toán chậm dư nợ. Nếu tình trạng này kéo dài, số dư nợ và lãi suất sẽ tăng lên dễ gây tình trạng mất khả năng thanh toán.

Ngân hàng khuyến cáo người dùng không nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. (Ảnh: VIB)

Ngân hàng khuyến cáo người dùng không nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. (Ảnh: VIB)

- Lãi suất cao: Nếu rút tiền mặt từ thẻ tín dụng và không trả tiền trước ngày đáo hạn, khách hàng sẽ phải chịu lãi suất cao. Lãi suất này thường cao hơn so với lãi suất của khoản vay thông thường và được tính ngay từ ngày rút tiền.

- Hạn mức rút tiền bị giới hạn: Khi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, khách hàng không được rút quá 80% hạn mức thẻ. Ngoài ra, chủ thẻ cũng cần đảm bảo hạn mức rút tiền tại ATM không vượt 50 - 200 triệu mỗi ngày.

- Ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng: Nếu rút tiền từ thẻ tín dụng, số tiền này sẽ được tính vào hạn mức tín dụng và có thể khiến khách hàng không thể sử dụng được thẻ tín dụng cho những giao dịch khác trong trường hợp hạn mức đã bị sử dụng hết.

- Giảm điểm tín dụng: Điểm tín dụng thường phản ánh khả năng của khách hàng trong việc quản lý tài chính. Do đó, nếu thường xuyên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thì điểm tín dụng bị đánh giá thấp.

Có nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng?

Tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi khách hàng mà có những suy nghĩ khác nhau, lựa chọn những quyết định phù hợp nhất. Tuy nhiên, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng không được ngân hàng khuyến khích. Các chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo khách hàng nên hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Người dùng được khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng trong những trường hợp như thanh toán bằng thẻ tín dụng, trả góp mua hàng bằng thẻ tín dụng... Điều này giúp khách hàng tránh được những khoản dư nợ quá cao do rút tiền mặt từ thẻ tín dụng dẫn đến nợ xấu.

Bằng Lăng (tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/co-nen-rut-tien-the-tin-dung-ar872962.html