Có nên phá giá VND?

Việc phá giá VND sẽ mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu CNY tiếp tục giảm giá mạnh so với USD, thì cũng nên xem xét giảm giá VND tương ứng.

Theo Bloomberg, kể từ đầu tháng 5 đến nay, CNY đã giảm 3% giá trị so với USD. Trong khi cùng thời gian này, VND chỉ giảm khoảng 0,5% so với USD, vô hình chung VND đã tăng giá khoảng 2,5% so với CNY.

Diễn biến tỷ giá CNY, VND so với USD. Đvt: %

Tỷ giá biến động mạnh

Kể từ cuối tháng 4, thị trường ngoại hối bắt đầu “nổi sóng”, tỷ giá liên tục biến động với biên độ khá mạnh. Thậm chí, tỷ giá biến động trái chiều ngay trong ngày. Đơn cử như ngày 13/5, nếu như vào buổi sáng các nhà băng liên tục điều chỉnh giảm giá mua vào USD xuống mức 23.230 – 23.240 đồng/USD và giá bán ra xuống 23.350 – 23.360 đồng/USD, thì đến cuối giờ chiều giá mua- bán USD lại được đẩy lên mức 23.280/23.400 đồng/USD, tăng tới 40 đồng so với phiên sáng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc tỷ giá biến động đột biến trong những ngày qua do một số nguyên nhân. Thứ nhất là chênh lệch lãi suất VND- USD trên liên ngân hàng giảm mạnh từ 1,5- 1,8%/năm xuống còn từ 0,4 - 0,7%/năm. Thứ hai, Dollar Index tăng mạnh. Thứ ba, cung - cầu USD trong nước bớt thuận lợi hơn sau khi NHNN mua ròng 8,35 tỷ USD và chỉ trong nửa đầu tháng 4 đã nhập siêu tới 750 triệu USD.

Ông Phạm Hồng Hải- Tổng giám đốc HSBC Việt Nam lại cho rằng, việc tỷ giá biến động có một phần nguyên nhân đến từ việc một số ngân hàng mua vào USD để cân bằng trạng thái ngoại tệ, bởi trước đó đã bán ra khá mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là yếu tố tâm lý trên thị trường khi CNY mất giá mạnh so với USD, cùng với những diễn biến mới về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động tới tâm lý của nhà đầu tư.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên giá ngân hàng cho biết, Trung Quốc không chỉ là quốc gia láng giềng, mà còn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nên biến động của CNY chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá trong nước. “Sự tăng giá của USD và sự giảm giá của CNY đều tác động đến tỷ giá theo cùng một hướng: tạo áp lực tăng tỷ giá USD/VND”, vị chuyên gia trên cho biết.

Nên điều chỉnh linh hoạt tỷ giá

Số liệu của NHNN cũng cho biết, nếu như cuối tháng 4, 1 CNY đổi được 3.425,98 VND, thì đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 đã giảm còn 3.336,13 VND, có nghĩa VND đã tăng 2,62% so với CNY.

VND tăng giá so với CNY sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa của Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam, đẩy tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc thêm trầm trọng hơn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, ước tính đến cuối tháng 5, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc tăng lên 16,2 tỷ USD từ mức 11,9 tỷ USD vào cuối tháng 4.

Để ứng phó với tình trạng này, đã có ý kiến đề xuất nên phá giá VND với mức độ tương ứng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lại khuyến nghị không nên phá giá VND vì điều đó có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đẩy lạm phát tăng, làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời khiến gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp tăng lên. Trong khi động thái này chưa chắc đã mang lại lợi ích cho xuất khẩu khi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Đó là chưa kể, việc phá giá tiền tệ có nguy cơ khiến Việt Nam bị Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ”, nhất là khi Mỹ vừa đưa Việt Nam vào danh sách 9 quốc gia năm trong diện giám sát.

Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính vẫn khuyến nghị chính sách tỷ giá cần linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường. Trường hợp Mỹ tiếp tục áp thuế nhập khẩu với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, và Trung Quốc tiếp tục phá giá CNY, thì tỷ giá trong nước cũng nên điều chỉnh mạnh hơn.

Phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Trong điều kiện tỷ giá biến động khó lường như hiện nay, các doanh nghiệp nên sử dụng các hợp đồng phái sinh, như kỳ hạn, hoán đổi để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Trong đó, giao dịch kỳ hạn là giao dịch mà doanh nghiệp cam kết sẽ mua/bán với ngân hàng một lượng ngoại tệ theo mức tỷ giá được xác định vào thời điểm cam kết, và việc thanh toán sẽ được thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải mua ngoại tệ với mức tỷ giá cao hơn hiện tại, vì tỷ giá được xác định trên cơ sở: (i) tỷ giá giao ngay, (ii) chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền giao dịch; (iii) kỳ hạn của hợp đồng.

Đối với giao dịch hoán đổi, doanh nghiệp đồng thời mua và bán cùng một loại ngoại tệ, trong đó kỳ hạn thanh toán của các giao dịch là khác nhau, song tỷ giá của hai giao dịch được xác định ngay tại thời điểm ký hợp đồng.

Hà Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/co-nen-pha-gia-vnd-151666.html