Có nên lo lắng khi điện vừa tăng giá bán buôn?

Mức tăng trung bình khoảng 8% đối với giá bán buôn điện vừa được Bộ Công thương ban hành, khiến nhiều tiểu thương, người kinh doanh lo lắng cho chi phí điện năng thời gian tới.

Anh Dũng, chủ cửa hàng kinh doanh đồ uống chia sẻ với PV. Ảnh: Bảo Loan

Người kinh doanh nghe ngóng

Cửa hàng đồ uống của anh Dũng (43 tuổi, ở Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) có diện tích chỉ khoảng hơn 40m2. Vì bán đồ uống, nước ép trái cây giá bình dân nên cửa hàng của anh Dũng luôn tấp nập khách ra vào. Lượng khách hàng lớn nên việc sử dụng điện của cửa hàng anh Dũng cũng vì thế mà tăng theo.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội anh Dũng cho biết, những năm trước, mỗi tháng cửa hàng của anh chỉ sử dụng khoảng trên dưới 4 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 3/2019, giá điện tăng và được tính theo cách tính lũy tiến thì mỗi tháng, chi phí điện năng cho hoạt động cửa hàng của anh Dũng tăng thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng.

Anh Dũng cho biết thêm: "Các thiết bị điện của cửa hàng như quạt, các bóng đèn… cũng không tiêu thụ quá nhiều điện năng bởi công suất của các thiết bị này khá thấp. Thậm chí, chiếc điều hòa tôi lắp ở tầng 3 cũng được sử dụng rất kiểm soát nhưng vào những giờ trưa nắng nóng, khách hàng tập trung lên ngồi ở không gian có điều hòa nên lượng điện năng tiêu thụ cũng vì thế mà tăng hơn. Áp dụng phương pháp tính lũy tiến nên số tiền phải chi trả cho khung giờ này cũng cao hơn trước".

"Nếu tôi chọn phương án khác để có điện như dùng máy nổ thì cũng không được, vì chi phí mua nhiên liệu để chạy và bảo hành máy cũng tiêu tốn rất nhiều. Đó chưa kể khi vận hành, máy nổ sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu vực, đầu tư ban đầu cao. Phương án sử dụng năng lượng mặt trời cũng rất bất cập, bởi chi phí lắp đặt ít nhất cũng khoảng 200 triệu đồng, chưa kể điện năng mặt trời lại phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Vì vậy, giá điện có tăng cũng khiến tôi lo lắng nhưng theo tôi, người dùng cố gắng điều chỉnh mức tiêu thụ thì chi phí cũng không quá cao", anh Dũng bày tỏ.

Bà Phạm Thị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng giá điện biến động trong thời gian tới.

Tương tự anh Dũng, bà Phạm Thị Lan (53 tuổi, chủ một quán cơm bình dân ở đường Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân) cũng bày tỏ sự lo ngại khi nghe nói về tăng giá bán buôn điện. Bà Lan cho biết: "Quán cơm chủ yếu bán vào thời điểm trưa và cuối giờ chiều. Thiết bị đun nấu của quán chủ yếu là nồi cơm điện, ngoài ra có thiết bị chiếu sáng, tủ lạnh để trữ đông đồ ăn. Cửa hàng không có điều hòa nên hàng tháng, chi phí điện cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng, không cao hơn so với thời điểm tăng giá điện và áp dụng cách tính mới. Người dân, người kinh doanh quy mô nhỏ như gia đình tôi thì chi phí điện năng tăng không nhiều nhưng điều mà tôi suy nghĩ và lo lắng nhất là tăng giá bán buôn điện thì trong thời gian tới, giá điện bán lẻ sẽ được điều chỉnh như thế nào, có tăng nhiều hay không (?)".

Ngành điện nói gì?

Bộ Công thương vừa ban hành quyết định quy định về khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho các Tổng công ty Điện lực năm 2019. Theo đó, giá bán buôn điện năm 2019 tăng từ 7,1 - 8,5% so với giá bán buôn năm 2018. Cụ thể, khung giá bán buôn điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho Tổng Công ty điện lực miền Bắc có mức giá tối đa là 1.348 đồng/kWh, mức giá tối thiểu là 1.281 đồng/kWh; Tổng công ty Điện lực miền Nam có mức giá tối đa là 1.535 đồng/kWh, mức giá tối thiểu là 1.494 đồng/kWh; Tổng công ty Điện lực Miền Trung có mức giá tối đa là 1.385 đồng/kWh, mức giá tối thiểu là 1.284 đồng/kWh; Tổng công ty Điện lực Hà Nội có mức giá tối đa là 1.634 đồng/kWh, mức giá tối thiểu là 1.549 đồng/kWh; Tổng công ty Điện lực Hồ Chí Minh có mức giá cao nhất so với các địa phương, tối đa là 1.790 đồng/kWh và mức giá tối thiểu là 1.723 đồng/kWh.

Khung giá này được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/1 - 31/12/2019, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, nhằm đảm bảo việc hạch toán chi phí nội bộ EVN minh bạch và không có đơn vị nào quá lãi hoặc lỗ.

Chia sẻ với PV qua số tổng đài hotline, một nữ nhân viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: "Hiện giá bán buôn này là được bán cho các Tổng công ty điện lực ở từng vùng. Giá bán buôn không ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện và cũng không ảnh hưởng tới mức tiêu thụ điện năng của người kinh doanh, người dân hiện nay. Về lo ngại tăng giá bán điện lẻ, người tiêu dùng cũng yên tâm là hiện nay, chưa có bất cứ công văn nào về tăng giá điện, ngoại trừ việc tăng và tính theo cách tính giá điện mới hồi tháng 3/2019. Vì vậy, người tiêu dùng điện yên tâm về giá điện trong thời gian tới. Nếu có sự thay đổi, chắc chắn chúng tôi sẽ công bố công khai trên truyền thông và tới các địa phương, khu dân cư và gia đình".

Theo quyết định của Bộ Công thương, giá bán buôn điện bình quân cho các Tổng công ty Điện lực không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa của khung giá. Căn cứ vào khung giá này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ ban hành giá bán buôn điện cụ thể cho từng Tổng công ty Điện lực theo quy định hiện hành. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá bán buôn điện bình quân phù hợp với biến động chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí mua điện từ thị trường điện, doanh thu và lợi nhuận định mức của các Tổng công ty Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tính toán, báo cáo Bộ Công thương xem xét, quyết định.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/co-nen-lo-lang-khi-dien-vua-tang-gia-ban-buon-20190828190654196.htm