Có nên lấy nước sông Hồng làm sạch ô nhiễm sông Nhuệ?

Đáy sông Hồng đã tụt xuống 2-6m so với trước đây, lượng nước không ổn định theo mùa, mực nước cũng không còn cao như trước đây do khai thác các công trình trên sông...

Cần nhiều triệu mét khối/ngày mới pha loãng được ô nhiễm

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua chủ trương xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, giai đoạn 1. Các hạng mục gồm trạm bơm, kênh lấy nước, cầu qua kênh dẫn nước, nhà quản lý. Công trình sẽ giúp lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng 70 m3/s, cấp nước tưới tiêu kết hợp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và các sông thuộc nội thành Hà Nội.

Sau khi hoàn thành cả hai giai đoạn, cụm công trình sẽ đảm nhiệm việc tiêu thoát nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng cho 9.200 ha của các huyện: Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức với lưu lượng 170 m3/s.

Ô nhiễm ở sông Nhuệ đang ở mức rất nghiêm trọng.

TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ tưởng là dễ nhưng không dễ chút nào. Chúng ta đang phát triển hệ thống công trình lớn trên sông Hồng. Theo nghiên cứu, đáy sông Hồng đã tụt xuống từ 2-6 mét. Lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ, sông Đáy để làm sạch ô nhiễm có thể thực hiện được nhưng lấy ở thời gian nào, như thế nào lại là câu chuyện khác.

Nước sông Hồng không nhiều và đang có dấu hiệu ít dần. Để đảm bảo một con sông sạch, lượng nước pha loãng phải cực kỳ lớn. Ví dụ nước đổ vào sông Tô Lịch hiện nay khoảng 150.000m3/ngày đêm. Để pha loãng nó, cần đến tỉ lệ 1:5 đến 1:10, đồng nghĩa cần đến hàng triệu m3/ngày đêm mới làm sạch được dòng sông Tô Lịch. Trong khi Tô Lịch là con sông rất nhỏ.

Nếu dẫn nước sông Hồng vào sông Nhuệ chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông. Hơn nữa, nước sông Nhuệ có nhiều hóa chất, kim loại nặng. Để pha loãng nước ô nhiễm thì phải có tỷ lệ cụ thể. Nếu chưa có đánh giá được trữ lượng nước của sông Nhuệ, nồng độ ô nhiễm thì khi thau rửa có khi lại làm vùng hạ lưu, cửa biển ô nhiễm nặng hơn.

Ngoài ra cần tính toán là lưu lượng nước của sông Hồng mùa cạn có đủ để dẫn sang sông Nhuệ không và phục vụ các mục tiêu khác hay không. Thông thường, sông Hồng sẽ cấp nước sinh hoạt cho hạ nguồn, dùng để di chuyển cho tàu thuyền, thủy lợi. Nếu mực nước sông Hồng tới hạn (căng thẳng về nước), tức khai thác nước đạt tới 40% tổng lưu lượng nước tại thời điểm đó là căng thẳng. Ngân hàng thế giới đã tính, mức khai thác đạt 20-30% tổng lưu lượng nước trong một thời điểm đã là báo động.

Đưa nước sông Đà để làm sạch sông Nhuệ sẽ khả thi hơn?

Các chuyên gia tại Hội Cơ học Hà Nội đề xuất có thể lợi dụng chiều cao mực nước sông Đà tại cống Lương Phú (Ba Vì, Hà Nội), dẫn nước tự chảy vào sông Tích, sông Đáy và sông Nhuệ, bổ sung nước hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải sử dụng hệ thống thủy lợi đã có kết hợp tuyến đường giao thông theo quy hoạch sử dụng đa mục tiêu, để không phải tái định cư, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, nhanh chóng thi công thuận lợi.

Theo các chuyên gia, trước hết, cần tạo dòng chảy tự nhiên trên các trục sông của Hà Nội, từ đó cải tạo môi trường, làm sạch cảnh quan đô thị. Kỹ sư Nguyễn Trường Duy, Tổng Thư ký Hội Cơ học Hà Nội, phân tích, giải pháp này sử dụng nguồn nước sau phát điện nên không ảnh hưởng lợi ích ngành điện. Lượng nước lấy khoảng 60% tổng lưu lượng theo quy hoạch đã được cấp phép nên không làm thiếu hụt nguồn nước hạ lưu.Trước hết, cần nghiên cứu giải pháp công trình đập dâng, đánh giá tác động môi trường của đập dâng trên sông Đà, phía hạ lưu cống Lương Phú. Tiếp theo là đề xuất các giải pháp công trình dẫn nước từ sông Tích tại Sơn Tây về hồ Tây.

Theo chuyên gia, để xử lý ô nhiễm phải quản lý tốt khâu xử lý nước thải từ đầu nguồn. Theo đó, thành phố cần thu gom nước thải hai bên bờ sông do sinh hoạt sản xuất thải ra. Đồng thời, xử lý chặt đứt nguồn thải để không còn nước thải không đạt tiêu chuẩn đổ ra sông Nhuệ. Thành phố cũng cần tiến hành nạo vét sông Nhuệ. Những chất bẩn, bùn bẩn thì được mang đi xử lý đúng quy định. Nếu không xử lý được vấn đề này, thì việc dẫn nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ chẳng khác gì việc vận chuyển cục bộ ô nhiễm từ khu vực này sang khu vực khác.

"Sông Nhuệ và sông Đáy lớn hơn nhiều, mức độ ô nhiễm cũng rất nghiêm trọng, nếu pha loãng bằng dẫn nước sông Hồng thì cần đến một lượng nước khổng lồ mới có thể thực hiện được", TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh. Giải pháp xử lý ô nhiễm, cần phải tìm nguồn thải để xử lý, làm sao nước xả xuống sông phải đảm bảo tiêu chuẩn. Nghĩa là phải có các biện pháp xử lý tại chỗ trước khi nước xả vào sông.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội dài 62 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Theo kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố hồi tháng 8/2020, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có bảy điểm cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức 10-25, tức ô nhiễm nặng đến rất nặng. Hai điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10.

Những năm qua TP Hà Nội đã nhiều lần đưa ra kế hoạch cải tạo chất lượng nước các dòng sông, tuy nhiên đến nay sông Nhuệ và các sông nội đô vẫn được gọi là "sông chết" do quá ô nhiễm, nước đen ngòm, bốc mùi hôi.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-lay-nuoc-song-hong-lam-sach-o-nhiem-song-nhue-16923100610154157.htm