Có một nghề cặm cụi giữa phố phường...
Không được đào tạo ở trường lớp chính quy, chỉ học qua truyền nghề, ngày ngày ngồi giữa phố phường náo nhiệt, những người thợ sửa khóa lại cặm cụi giũa, mài từng miếng kim loại, tạo ra những sản phẩm có răng, có rãnh sắc sảo không khác gì bản gốc để có thể mở mọi cánh cửa đã khóa chắc chắn khi khách hàng cần. Không chỉ là một nghề để mưu sinh, đó còn là niềm đam mê của những người thợ trong việc "chinh phục" những ổ khóa...
Kiên trì mài, giũa...

Ông Cường cẩn thận giũa lại chiếc chìa sau khi cắt.
Mới qua Tết Nguyên đán, tiệm sửa khóa Cường của ông Phạm Hùng Cường trên đường Thống Nhất, một trong những thợ sửa khóa thuộc hàng lão làng ở TP. Nha Trang đã có khách tới. Tiệm của ông chỉ gói gọn trong một chiếc tủ gỗ cao chừng 1,5m, bên trên treo đầy xâu phôi chìa, ổ khóa, trên bàn bày đủ loại dụng cụ, máy móc để sửa khóa. Chiếc tủ gỗ với những cánh cửa ngăn kéo mòn vẹt là minh chứng cho những năm tháng theo nghề của ông. Nhận mẫu chìa từ khách hàng, đôi tay đầy vết chai của ông thoăn thoắt chọn phôi chìa phù hợp, rồi đưa vào máy cắt rãnh, mài, giũa… Tiếng còi xe ồn ã của phố phường không át được tiếng rít ken két của phôi chìa chạm vào máy cắt răng. Chiếc chìa tiếp tục được giũa tới giũa lui trước khi cắm vào ổ khóa, bật mở cùng tiếng “tách” gọn gàng. Tất cả chỉ trong gần 2 phút.
65 tuổi, 45 năm làm nghề sửa khóa, lăn lộn với nghề từ TP. Hồ Chí Minh ra TP. Nha Trang, ông Cường không nhớ nổi mình đã "chinh phục" bao nhiêu loại ổ khóa. Ông Cường học nghề sửa khóa từ người thân. Với ông, nghề này không khó học, nhưng để có kỹ năng thành thạo, thợ sửa khóa phải trải qua nhiều ngày tập mài, giũa, đục, cắt… bằng tay. Bây giờ, tuy đã có máy móc hỗ trợ, nhưng thợ học việc vẫn phải luyện mài giũa từ cục đồng nhỏ thành chiếc chìa khóa, thậm chí phải giũa cán muỗng thép thành chiếc que chòi (dụng cụ mở ổ khóa) nhỏ như cây tăm. Công việc tưởng nhàm chán đó nhưng là để giúp thợ học việc rèn tính kiên nhẫn, chịu khó. Khi đã thành thạo thao tác, thợ học việc mới được tập mở, gắn lại các ổ khóa xe, khóa cửa thông dụng; ghi nhớ cấu tạo nhiều loại khóa; tập cắt, đánh chìa từ đơn giản đến phức tạp. Để có thể ra nghề mưu sinh, thợ học việc thường mất khoảng 2 năm. Nhưng để duy trì cảm nhận độ nông sâu của từng viên bi qua những đầu ngón tay, thợ sửa khóa phải tập luyện không ngừng. Với thợ làm lâu năm, chẳng có ổ khóa nào không thể mở, chỉ là mở trong bao lâu. “Nghề sửa khóa chưa có trường lớp đào tạo chính quy, chủ yếu học từ anh em thợ, hoặc được truyền nghề từ các bậc cha chú trong nhà. Không chú tâm học hỏi thì không thể sống lâu dài với nghề”, ông Cường nói.

Tiệm sửa khóa của anh Long.
Là con út trong gia đình 3 đời làm nghề sửa khóa, anh Nguyễn Thành Long (25 tuổi, sửa khóa được 2 năm tại đường Cửu Long) tự hào vì duy trì được nghề cha truyền con nối và thỏa đam mê sửa khóa. Cha của anh, ông Nguyễn Văn Ngọ (59 tuổi) đã 40 năm làm nghề sửa khóa, hiện nay còn làm tại đường Nguyễn Thiện Thuật. Ông nội anh (đã mất) sửa khóa trên đường Ngô Gia Tự từ trước giải phóng đã truyền nghề cho ba của anh. Tuổi thơ của anh gắn liền với những ngày theo ba đi sửa khóa, được chỉ cho từng thao tác nhỏ. Vì vậy, không như các thợ học việc khác, anh chỉ tập trung học nghề 3 tháng đã ra làm.

Ngày nay, thợ sửa khóa được máy móc hỗ trợ khá nhiều.
Nhớ lại thời kỳ năm 1990, ông Phạm Mười (54 tuổi, sửa khóa tại đường Ngô Gia Tự), làm nghề sửa khóa hơn 30 năm cho biết, trước đây, đồ nghề của thợ sửa khóa chỉ có máy ê-tô (công cụ kẹp, giữ chặt chi tiết), cưa sắt, giũa, kìm, chổi quét, máy mài quay tay… Mọi công đoạn cưa chìa, soi chìa, sửa, tra chìa... đều làm thủ công nên phải chỉnh sửa rất nhiều lần. Khoảng 15 năm trở lại đây, đồ nghề sửa khóa hiện đại hơn với các loại máy mài, máy cắt chìa răng, máy khoan chìa đục, máy phay nghiêng, máy khoan rãnh khóa... Các loại khóa đều có phôi chìa tương tự. Thay vì 15 - 30 phút, ngày nay, thợ sửa khóa chỉ cần 2 - 3 phút để cho chìa gốc, phôi chìa vào máy và điều khiển máy sao chép đúng hình dạng. Việc mở ổ khóa cũng nhanh hơn do có nhiều đồ nghề hỗ trợ. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều loại khóa đời mới chắc chắn; nhu cầu sửa các loại khóa ô tô, xe máy, khóa cửa điện tử, khóa két sắt cũng tăng, đòi hỏi thợ sửa khóa không chỉ có đôi tay khéo léo mà còn phải nỗ lực học hỏi, cập nhật công nghệ.
Giữ đạo đức nghề nghiệp
Tuy không bó tay trước loại khóa nào, nhưng ông Mười khẳng định, để sống được với nghề phải giữ tâm sáng, bởi với “đồ nghề” trong tay, nếu tham lam, sẽ không hành nghề được lâu dài, chưa kể còn vướng vòng lao lý. Khi chủ nhà thuê mở két sắt, ông thường yêu cầu có người đứng bên, mở xong là ông ra ngay chỗ khác. Cắt chìa cho khách hàng nữ, ông còn dặn dò nhớ dùng dầu nhớt xe máy để bôi trơn ổ khóa; dùng dầu máy khâu sẽ bị rỉ sét do không phù hợp.

Ngày ngày, ông Mười cặm cụi sửa khóa cho khách.
Nhưng có kỹ năng, tâm, đức vẫn chưa đủ, thợ sửa khóa còn phải biết tỉnh táo nhìn người. “Tới nhà, rà tâm lý, thấy biểu hiện bất thường, cảm giác không ổn là tôi từ chối, nói mở không được. Đâu phải cứ thuê giá cao là làm. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp không cho phép mình tiếp tay cho người xấu”, ông Mười nói. Có lần, một thanh niên nhờ ông Cường đến nhà mở két sắt. Đến nơi, thấy không có ai ở nhà, ông Cường đoán anh này định trộm tiền của cha mẹ nên từ chối. Cũng có người mang miếng sáp in hình chìa khóa nhờ cắt giùm, đòi công bao nhiêu cũng chịu, nhưng ông không làm vì nghi ngờ có biểu hiệu mờ ám. “Cắt một chiếc chìa rẻ nhất chừng 15.000 - 20.000 đồng, ngày nhiều được chục khách, ít thì vài ba người, lai rai cũng đủ sống. Nhưng nếu ham tiền mà làm bất chấp thì sẽ mất nghề”, ông Cường chia sẻ.
Anh Long cho biết, khách hàng của anh rất đa dạng. Có cụ già gần 90 tuổi, bấm khóa xong không nhớ để chìa ở đâu; có chị làm mất chìa khóa xe máy… Họ đều rất mừng khi anh tới sửa. Anh cũng vui khi giúp họ giải quyết được tình huống ngặt nghèo.