Cô gái trẻ tạo vòng đời mới cho jeans cũ

Hải Dương trao đổi công việc với trợ lý thiết kế. Ảnh: CTV

Theo đuổi công việc tái chế jeans, tạo ra những sản phẩm độc đáo là hành trình mà Hải Dương đã lựa chọn. Cô gái sinh năm 1995 mong muốn tạo lập một giá trị riêng, sắc màu riêng.

Ngày nọ, cách đây gần 3 năm, trong lúc dọn đồ đạc để chuyển đến nơi ở mới, Hải Dương nhận ra mình có nhiều đồ jeans cũ, đã lâu không còn dùng. Ngắm nghía chúng, một ý nghĩ bật lên trong đầu cô gái từng học thiết kế thời trang: Hay là mình làm gì đó với jeans? Lên mạng tìm hiểu, Hải Dương thấy người ta có thể làm một số thứ từ jeans cũ như khăn trải bàn, đế ly… Ồ, người ta còn may cả ba lô, túi xách nữa!

Chiếc ba lô đầu tiên

Hồi giờ chỉ may đầm váy, chưa biết gì về việc may ba lô hay túi xách, Hải Dương vẫn quyết định may thử. Cô xem các video clip về túi xách trên youtube rồi đến nơi chuyên bán phụ liệu, tìm hiểu xem để may ba lô, túi xách thì cần những gì. Về nhà, Hải Dương mày mò may cái ba lô đầu tiên từ quần jeans cũ. Cặm cụi suốt 4 ngày, sau giờ làm việc. Trong 4 ngày đó, mỗi ngày cô chỉ ngủ 2-3 tiếng đồng hồ vì quá… tức, bởi xong công đoạn này thì không biết phải làm gì tiếp theo. May thử, thấy không được thì tháo ra. Tháo tới tháo lui, miếng vải nát, phải cắt miếng vải khác, may lại. Hải Dương kể rằng cô khá vất vả mới hoàn thành cái ba lô đầu tiên nên khi làm xong thì cảm thấy… mệt, nhưng cô rất phấn khởi. Khoe sản phẩm đầu tay lên facebook cá nhân, Hải Dương nhận được rất nhiều bình luận trầm trồ. Một người bạn mua ngay cái ba lô đó.

Vô cùng hào hứng, Hải Dương may tiếp, cũng từ jeans cũ, cũng mẫu đó và bán chúng trên mạng xã hội. Ai thích những món đồ đầy phá cách này thì gửi jeans cũ đến, cô biến chúng thành ba lô. Khách không có đồ cũ thì Hải Dương tìm nguyên liệu tại những nơi bán đồ cũ, chẳng khó khăn gì. Đến tết năm 2020, cô đã may và bán kha khá sản phẩm.

Sau một thời gian tạm ngưng công việc của một nhân viên truyền thông tại TP Hồ Chí Minh vì lý do cá nhân, Hải Dương tìm chỗ làm mới nhưng chưa gặp được công việc nào khiến cho cô cảm thấy thích thú như công việc may ba lô, túi xách. Vậy là tiếp tục tìm tòi, thiết kế mẫu và tiếp tục may. Khách đặt hàng liên tục, cô gái trẻ say sưa vẽ mẫu và may, không còn bận tâm về chuyện tìm việc làm. “Rồi tôi nhận ra: Nếu mình may túi xách và kinh doanh thì sẽ rất ổn so với việc đi làm ở bên ngoài. Được gia đình, người thân ủng hộ, tôi tự tin làm và thấy rất ổn”, Hải Dương chia sẻ.

Cô chủ Cruella de Vil Handbags bên một sản phẩm mới. Ảnh: CTV

Jeans cũ kể chuyện mới

Ban đầu, Hải Dương chỉ thiết kế và may ba lô. Giờ thì Hải Dương đã có trên dưới 15 mẫu ba lô, túi xách, ví… với nhiều kích cỡ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Jeans được mua gom từng đợt, sau khi tháo chỉ thì giặt sạch, xử lý ra màu và phơi khô trước khi cắt may.

Có người thắc mắc: Chi mà cực vậy? Sao không mua vải jeans mới, đem về cắt may có phải khỏe hơn không? Nhưng cô gái sinh năm 1995 này suy nghĩ khác. “Tôi mong muốn mọi người biết đến và thích sản phẩm tái chế, chứ không chỉ kinh doanh đơn thuần. Ở Việt Nam, sản phẩm tái chế từ jeans rất ít, và mọi người chưa có nhiều thiện cảm. Để mọi người tiếp nhận sản phẩm tái chế thì mình phải làm cho nhiều người biết đến nó, và có nhiều người cùng làm ra nó. Khi sản phẩm tái chế trở nên phổ biến hơn, người ta sẽ nghĩ: À, thì ra có nhiều người làm và bán được nhiều sản phẩm tái chế. Mình thử sử dụng nó xem sao”, Hải Dương chia sẻ.

Nghĩ vậy nên Hải Dương không ngại ngần chia sẻ kỹ thuật may ba lô, túi xách, ví… từ jeans cũ cho những ai có nhu cầu, qua các lớp học trực tiếp lẫn trực tuyến. Đến nay, cô đã truyền nghề cho hơn 30 học viên; có người ở tận Hà Nội, Bắc Giang…

Hải Dương nói rằng may túi xách từ jeans cũ thú vị ở chỗ, cô có thể hướng dẫn cho người ta làm rập, cắt may, ráp túi, trang trí… nhưng mỗi người sẽ làm ra một sản phẩm khác nhau. Vì vậy, không lo sản phẩm của mình lẫn vào sản phẩm của người khác. “Tôi đã dạy nhiều học viên, không ai làm giống tôi hết. Sau khi tôi tuyển một người phụ việc, phong cách của cô ấy cũng khác phong cách của tôi. May túi xách từ jeans cũ thú vị ở điểm đó”, Hải Dương chia sẻ và mỉm cười duyên dáng.

Tính ra, cô gái nhỏ nhắn này đã cung cấp cho khách hàng khoảng 5.000 sản phẩm từ jeans cũ. Hiện nay, Hải Dương có sự hỗ trợ của một trợ lý thiết kế và một thợ may. Từng sản phẩm đều được thực hiện chỉn chu, tỉ mỉ và có nét riêng. Cùng một loại ba lô, túi xách, cùng một rập nhưng các sản phẩm không giống nhau hoàn toàn. Có những sản phẩm còn ẩn chứa câu chuyện, lưu giữ kỷ niệm. Và, không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng thấy bất ngờ, thú vị trước những sản phẩm độc đáo tái chế từ jeans cũ. Anh Lê Văn Huy Hoàng (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ với truyền thông: “Tôi không nghĩ rằng những chiếc quần jeans mà mình bỏ đi có thể được tạo thành cái túi, cái ba lô đẹp đến như vậy”.

“May mắn nhất là được gia đình ủng hộ”

Phạm Thị Hải Dương quê ở xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, là con gái đầu của đôi vợ chồng nông dân có suy nghĩ tiến bộ. Hải Dương nói rằng cô rất may mắn vì có được sự ủng hộ của gia đình. “Từ lúc tôi còn nhỏ cho đến khi lớn lên, ba mẹ định hướng một cách nhẹ nhàng chứ không áp đặt. Khi tôi chọn học ngành Báo chí, mẹ nói: “Con ơi, mẹ nghĩ theo nghề này con sẽ khổ đó”. Ba muốn tôi học đại học ở TP Hồ Chí Minh nhưng biết tôi muốn thi và học ở Đà Nẵng thì vẫn vui vẻ ủng hộ. Khi tôi quyết định chuyển hướng sang công việc tái chế jeans cũ, mẹ hỏi: “Con nghĩ kỹ chưa? Con làm vậy có cảm thấy uổng phí không?”. Sau khi nghe tôi giải thích, mẹ nói: “Nếu cảm thấy thoải mái thì con cứ làm. Sau này con không thấy thoải mái nữa thì đi xin việc khác cũng được”. Mẹ đặt mình vào vị trí của tôi và hiểu tôi. Đó là điều may mắn nhất. Nếu gia đình không ủng hộ, chắc tôi không dám rẽ sang công việc này đâu”, Hải Dương tâm sự.

Tự nhận mình lạc quan và không có nhiều tham vọng, Hải Dương tìm thấy niềm vui trong công việc có tính sáng tạo này. Cô vui vì công việc có ý nghĩa, tận dụng được nguồn jeans cũ dồi dào, không phải đốt bỏ, lãng phí. Hải Dương mong muốn mọi người có cái nhìn thân thiện với sản phẩm tái chế, và cô đang đi từng bước trên hành trình này. Cô mong phát triển thương hiệu để có thể tạo việc làm cho một số phụ nữ nơi quê nhà, ở những công đoạn mà họ có thể tham gia được…

Yêu thích công việc cầm bút và từng cộng tác với các báo, tạp chí khi còn là sinh viên, Hải Dương thổ lộ rằng cảm xúc nhiều nhất của cô vẫn là ở chữ nghĩa. Nhưng cô đã lựa chọn công việc tạo ra những sản phẩm thú vị, độc đáo từ jeans cũ và sẽ làm hết sức mình trên hành trình này.

Ban đầu, các sản phẩm của Hải Dương được biết đến với cái tên giản dị Hộp Handmade, sau đó được đổi thành Cruella de Vil Handbags. Hải Dương lấy cảm hứng từ Cruella de Vil - nhân vật đình đám trong loạt phim One Hundred and One Dalmatians (101 chú chó đốm). Cô chủ Cruella de Vil Handbags ngầm khẳng định: Mạnh mẽ khai phá lối đi của mình, tạo ra sản phẩm độc đáo và phóng khoáng, định hình bản sắc riêng chính là con đường mà thương hiệu túi tái chế Cruella de Vil Handbags theo đuổi ở hiện tại và tương lai.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/276110/co-gai-tre-tao-vong-doi-moi-cho-jeans-cu.html