Cô gái phát hiện mắc ung thư khi vừa kết hôn 2 tháng
20 lần hóa trị đau như chết đi sống lại mà cơ thể không đáp ứng, Ngọc Anh từng muốn buông xuôi tất cả, nhưng nhìn giọt nước mắt của mẹ, sự hy sinh của chồng, cô gắng thêm lần nữa.
"Đây là tóc giả đấy", đôi mắt cười của Tạ Lưu Ngọc Anh (sinh năm 1994, quê Hòa Bình, họa sĩ tự do) cong nhẹ, tay đưa lên vuốt mái tóc giả màu nâu óng mượt.
Ngày trước, cô có suối tóc bồng bềnh, dài tận qua hông. Kể từ ngày bác sĩ ở Bệnh viện K Trung ương chẩn đoán mắc ung thư hạch giai đoạn 2, Ngọc Anh phải cắt dần mái tóc đến ngang lưng, qua vai, kiểu tomboy rồi cạo trọc hẳn.
Khi tóc còn dài, Ngọc Anh rủ chồng đi chụp một bộ ảnh kỷ niệm. Bởi một khi đã chấp nhận đưa hóa chất vào người để tiêu diệt tế bào ung thư, cô không biết bao giờ tóc mới mọc trở lại.
Cuộc sống yên bình ngày trước, cùng bao dự định về tương lai cũng không biết khi nào mới có thể tiếp tục, cô gái 25 tuổi kể với Zing.vn.
"Ung thư có chữa được đâu"
Trí nhớ đưa Ngọc Anh trở lại những ngày đón cái Tết đầu tiên bên gia đình chồng ở Quảng Bình. Cô cảm thấy cơ thể không khỏe, da nổi lên từng đám mẩn đỏ như dị ứng, 2 bên cổ lên hạch to như quả xoài, sờ thấy cả chân hạch chạy xuống phía ngực.
Ngọc Anh nghĩ mình bị bướu cổ, cũng không cho rằng mình mắc bệnh gì đó quá nghiêm trọng.
Mùng 6 Tết, Ngọc Anh ra Hà Nội, tới viện K thực hiện một vài xét nghiệm. Một tuần sau, cô nhập viện theo dõi. Một tháng sau đó, có nằm mơ Ngọc Anh cũng không nghĩ 2 chữ "ung thư" đến với mình như một thứ gì đó từ trên trời rơi xuống.
"Bác sĩ nói đó là bệnh u lympho không Hodgkin (ung thư hạch không Hodgkin). Mình không biết là gì nên lên mạng tìm, mới hay là ung thư hạch. Có ai ngờ được ung thư ập đến khi mới cưới 2 tháng. Hai đứa định năm nay sinh con, định mở phòng tranh, địa điểm cũng tìm rồi... thì bỗng nhiên mất hết", Ngọc Anh nhớ lại.
Bác sĩ cũng nói: "Mới 25 tuổi thôi à, lại còn mới lấy chồng, chưa con cái gì... Nhưng em còn trẻ, bệnh mới ở giai đoạn giữa, cứ yên tâm hóa trị".
Ngọc Anh từng bị lao phổi phải điều trị bằng hóa chất, ít nhiều ảnh hưởng tới đường con cái. Giờ lại thêm hóa chất ung thư, nghĩ thôi cô đã không muốn thực hiện.
Nhưng ngoài cách ấy, Ngọc Anh không biết làm gì khác.
Thương con dâu, mẹ chồng cô động viên: "Còn người là còn tất cả. Chuyện con cái 30 có vẫn không muộn".
"Những năm tháng kinh hoàng" của Ngọc Anh bắt đầu như thế.
Ngày truyền mũi hóa chất đầu tiên vào người, cô sốt cao 40 độ, lưỡi cứng lại, không ăn được gì, nước uống vào cũng nôn ra hết. 3 ngày sau, cô bắt đầu ăn được cháo và chỉ ăn được thế suốt cả tháng, đến mức giờ chỉ thấy cháo thôi cũng sợ.
"Hai tuần mình vào viện hóa trị một lần. Hóa chất vào cơ thể đến đâu là biết đau đớn tới đó. Lần nào truyền vào cũng khóc, rồi cáu gắt, 'đá thúng đụng nia' vì đau không làm gì được. Nhiều lần về cứ nghĩ nhất định không vào bệnh viện nữa", Ngọc Anh nhớ lại.
Hết đợt hóa trị kéo dài 3 tháng với 7-8 mũi hóa chất, bác sĩ thông báo tế bào ung thư trong người Ngọc Anh giảm được 40%. Tiến độ này chậm hơn các bệnh nhân khác vì họ thường truyền đến đợt 5-6 đã giảm hết.
Bác sĩ tăng liều lượng lên 20 đợt, cơ thể Ngọc Anh có dấu hiệu kháng thuốc. Các khối hạch ngày càng to ra, người ngày càng mệt. Chuyển sang hóa chất liều cao hơn, Ngọc Anh ban đầu thấy người khỏe, ăn uống được.
Thế nhưng, căn bệnh một lần nữa đùa giỡn với cô. Sau 1 tháng, hóa chất liều cao cũng không đáp ứng. Cô không thể tự bước đi, cần làm gì chồng cũng phải giúp.
Hơn một lần, cô gái 25 tuổi nghĩ đến việc buông xuôi.
"Ung thư có chữa được đâu. Nó chỉ được một thời gian rồi sẽ quay lại. Bác gái mới đợt nào nằm giường bên cạnh không qua khỏi. Bố đứa bạn cũng vừa qua đời vì ung thư. Bác sĩ bảo chuyển sang xạ trị, nhưng liệu có đi tới đâu không...", Ngọc Anh tự thuyết phục mình dừng việc chữa trị.
"Chữa được 7 tháng rồi con cố gắng thêm chút nữa", mẹ cô nói trong tiếng nấc.
"Con đừng bỏ ông. Ông bao nhiêu bệnh tật còn chống chọi được cơ mà", ông ngoại Ngọc Anh 82 tuổi, là người nuôi nấng cô từ nhỏ, nhiều lần nức nở.
Nghĩ tới những giọt nước mắt của người thân, Ngọc Anh đồng ý tới bệnh viện gặp bác sĩ: "Ừ, thử thêm lần nữa chắc cũng chẳng sao đâu".
Ghét soi gương vì tự thấy sợ chính mình
Từ khi chuyển sang xạ trị, Ngọc Anh phải "chăm" đến bệnh viện hơn. Cứ 10h sáng mỗi ngày, hai vợ chồng rời căn hộ chung cư thuê trên phố Khương Hạ đến Bệnh viện K Tân Triều ở cách đó chừng 7-8 km điều trị.
Xạ trị không đau đớn như hóa trị nhưng có thể gây ra tác dụng phụ, từ cháy da đến ảnh hưởng các vùng xung quanh khối u.
Lần đầu tiên xạ trị, Ngọc Anh sốt liên miên 39-40 độ trong vòng một tuần, môi bong tróc, người nóng rực, da dẻ "đen như cột nhà cháy", các mạch máu nổi rõ hơn.
Từ 56-57 kg, cô tụt xuống còn 46 kg, quần áo cũ không mặc được, "gầy gò đến ám ảnh, thêm mái đầu trọc lóc, mình nhìn còn sợ nữa là người khác", cô mô tả.
"Đợt mới cắt tóc tomboy, chồng mua cho bàn trang điểm có gương nhưng mình không bao giờ ngồi vào. Cả ngày cứ ở lì trong 4 bức tường với 4 con mèo. Không son phấn. Không tiếp xúc với ai. Bạn bè đến không muốn gặp. Mẹ từ Hòa Bình xuống thăm cứ rơm rớm xót con khiến mình càng tâm lý", Ngọc Anh nhớ lại.
Giờ tâm trạng cô đã thoải mái hơn khi chồng hay bày trò ngồi vo đầu, trêu như bánh bao.
Thế nhưng, để tự tin ra đường mà không cần tóc giả, Ngọc Anh nói cần thêm thời gian.
"Mình ở chung cư, có lần trẻ con nhìn đầu trọc lóc sợ hãi khóc thét lên nên mình hay đội tóc giả mỗi khi ra ngoài. Chỉ khi ở nhà hay quanh quẩn từ tầng trên xuống tầng dưới mình mới thoải mái để đầu không có tóc".
Nói xong, Ngọc Anh khoe ở nhà có 4 bộ tóc giả chồng mua cho, dài có, ngắn có, màu đen có, màu nâu có.
"Nếu không có chồng, mình chẳng thể làm gì"
Bị ung thư ở độ tuổi còn trẻ chắc chắn là điều không may mắn, nhưng với Ngọc Anh, cuộc sống vẫn được mô tả là "thiên đường" khi có chồng ở bên.
"Vừa cưới vợ xong, đổ liền 300 triệu vào bệnh viện ai mà đỡ cho được. Chồng mình là con thứ hai, mẹ, chị gái, em gái nuông chiều lắm, chẳng phải động tay vào gì hết. Vậy mà từ khi vợ bị bệnh, từ một người cầm chổi quét nhà còn chẳng biết giờ lo hết lau nhà, giặt quần áo, chăm mèo, nấu cơm, rửa bát", Ngọc Anh hướng ánh mắt dịu dàng về phía người đang ngồi kế bên.
Chính Thế Vũ cũng thừa nhận kèm theo nụ cười hiền: "Chắc từ khi vợ ốm, điều thay đổi lớn nhất là mình cảm thấy bươn trải hơn".
Thế Vũ kể một ngày của anh bắt đầu lúc 7h bằng việc đi mua đồ ăn sáng cho Ngọc Anh. Đợi vợ uống hết thuốc, anh chợp mắt tới gần 10h rồi lại dậy đưa cô vào bệnh viện.
Nhiều lần, Ngọc Anh đòi tự bắt taxi tới viện để chồng có thời gian ở nhà vẽ tranh trả cho khách nhưng Thế Vũ không chịu.
"Từ ngày phát hiện bệnh tới giờ mình không để vợ đi đâu một mình. Hôm nay là lần đầu tiên để cô ấy tự bắt xe vào viện xạ trị. Không yên tâm nhưng cũng đành vì khách đòi tranh nhiều quá, sắp tới 20/11 mà", anh giải thích.
Thế Vũ kể thêm điều trị bằng hóa chất khiến chuyện kinh nguyệt của Ngọc Anh rối loạn. Bởi vậy, anh thường xuyên xuống siêu thị gần nhà mua băng vệ sinh cho vợ.
"Mình thường nhờ chị bán hàng ở đó chọn giúp. Nhiều lần quá chị ấy thấy lạ, cứ gặng hỏi mình có phải đang lăng nhăng, yêu cùng lúc nhiều cô gái hay không. Sau khi biết chuyện vợ chồng mình, mỗi lần ra gặp chị ấy đều nhiệt tình giúp", chàng trai Quảng Bình khiến mọi người ở đó bật cười trước tình huống "dở khóc dở cười" từng gặp phải.
Hỏi một người trông có vẻ điềm đạm, ít biểu lộ cảm xúc ra ngoài như Thế Vũ có khi nào rơi nước mắt từ khi căn bệnh ung thư "xen vào" cuộc sống của hai vợ chồng, anh thoáng suy nghĩ rồi gật đầu.
"Cậu là người đầu tiên bác sĩ báo tin Ngọc Anh bị bệnh. Lúc cậu gọi điện thoại cứ ấp úng mãi, mình đang chạy xe cố gặng hỏi. Biết tin rồi mình chẳng nghĩ được gì nữa, hình như lúc đó còn lạc cả đường. Mình lập tức chạy vào bệnh viện để nghe bác sĩ xác nhận. Tối hôm đó, hai vợ chồng cứ thế ôm nhau khóc", Thế Vũ nhớ lại.
Ngọc Anh cũng kể trong thời gian đó, nhiều đêm chồng tưởng vợ ngủ rồi, lén vào nhà tắm khóc một mình, rồi có những đêm quay sang đã thấy ướt gối.
"Lấy vợ về đã phải lo cho vợ từ A-Z. Nếu không có chồng, mình chẳng thể làm gì", Ngọc Anh nói chồng là người quan trọng nhất với cô ở hiện tại.
Chăm sóc cho vợ từng bữa ăn, viên thuốc đến những lần hóa trị, xạ trị, Thế Vũ bất ngờ nói anh từng dọa bỏ nhà đi 2-3 lần.
"Có một lần, mình bỏ đi thật. Đó là khi Ngọc Anh kháng hóa chất, nhất định không chịu xạ trị tiếp. Khoảng 7h tối mình xách đồ bỏ đi, lên xe khách nằm mười mấy tiếng mới đến Đà Nẵng. Mình không giận vợ, chỉ muốn dọa để cô ấy nghe theo lời bác sĩ. Vợ cuối cùng cũng chịu nhắn tin trước sau nửa ngày, hứa sẽ xạ trị. Lúc ấy mình mới lên xe trở lại Hà Nội", Thế Vũ kể với ánh mắt nhìn Ngọc Anh dịu dàng.
Gần một năm kết hôn cũng là gần bằng đó thời gian vợ chồng Ngọc Anh chống chọi với bệnh tật. Số tiền gom góp mở phòng tranh cũng không còn.
"Mình có buồn nhưng không tự gây áp lực. Ai cũng phải đối diện với cái chết, đừng sống đời ủ rũ, không dám ăn, không dám mặc", Ngọc Anh nói.
Cô khoe giờ khỏe hơn, có thể vừa vẽ tranh, vừa đứng lớp 3 buổi/tuần kiếm thêm thu nhập để trang trải chi phí chữa bệnh.
Ở hiện tại, Ngọc Anh không mong điều gì hơn ngoài khỏi bệnh. Vì có bệnh đồng nghĩa với không thời gian, không tiền bạc, tiền gom góp mang đi viện lại hết, muốn đi chơi không được, muốn làm gì cũng không có sức.
Còn Thế Vũ, anh chỉ có ước mong duy nhất là vợ có sức khỏe ổn định để có thể tiếp tục thực hiện những dự định của 2 đứa - vào Đà Nẵng sinh sống và mở phòng tranh.
"Ước mơ ấy tạm hoãn, chứ không mất đi. Chúng mình chỉ gói ghém lại để đó, chờ cô ấy khỏe lại", anh nói.