Cô gái mang giày đỏ - thơ HOÀNG KHÁNH DUY
Minh họa: Internet
“Cư dân Facebook” hay gọi My là “cô gái mang giày đỏ”. Chẳng phải vì My hay mang giày đỏ mà vì My mạnh mẽ như “cô gái mang giày đỏ” trong câu nói giới trẻ hay truyền tai nhau: “Em là cô gái mang giày đỏ - Bỏ cả thế giới nhỏ để yêu anh”.
My không phiền lòng vì câu nói đó. “Hay đấy chứ!”, My cười. Cô chấp nhận thay đổi tên Facebook của mình từ cái tên Diễm My mà nhỏ Sang chọc ghẹo là “quê một cục” thành cái tên có phần ngôn tình: Cô gái mang giày đỏ. “Thích là được!”, My nói vậy.
Thật lòng thì My cũng yêu màu đỏ. Trong căn nhà nhỏ trên tầng năm khu chung cư Lá Xanh, My chọn tông màu chủ đạo là màu hồng - cái màu hồng đầy nữ tính, nhưng họa tiết màu đỏ, mấy chiếc cốc trưng bày trên bàn làm việc cũng màu đỏ, hoa giả cũng màu đỏ, trong tấm hình treo trên tường My cũng mặc bộ váy đỏ đứng xun xoe giữa khóm hoa Lavender My chụp kỷ niệm chuyến đi Đà Lạt cách đây chừng ba, bốn năm, My gọi đó là chuyến đi của thanh xuân. Chiều My ngồi ngoài chiếc xích đu chỗ ban công ôm mèo nhìn ra xa xa. Bầu trời thành phố đỏ rực, con kênh nhỏ uốn cong cong giữa lô nhô nhà cao tầng, trông con kênh như một tấm vải lụa mềm vắt ngang qua thành phố. Đó là cuộc sống mà My gọi là an nhàn sau những chuyến đi dài để lấy tin, tham dự sự kiện. My là phóng viên của một tờ báo văn nghệ có tiếng trong thành phố. Cô phóng viên nhiệt huyết, bản lĩnh nhưng bề ngoài lại có phần mềm mại mà đồng nghiệp hay trêu là “công chúa”. “Công chúa ơi, chừng nào hoàng tử đến rước về cung điện?”, đồng nghiệp hỏi vậy, nửa thật nửa đùa. My cười: “Chẳng cần hoàng tử, một mình em cũng đủ sống hạnh phúc rồi!”. My đáp gọn quảnh. Đồng nghiệp cười ríu ran, dẫu sao họ vẫn mong đợi một ngày “cô gái mang giày đỏ” của họ gửi thiệp hồng báo tin vui để còn uống rượu cưới.
Nhưng My chưa nghĩ đến thiệp hồng, báo hỷ, nói đúng hơn là My không dám nghĩ tới. Cái vết thương bấy lâu nay đã “kéo da non” nhưng hễ vô tình đi ngang qua chỗ nào hằn in dấu chân kỷ niệm của hai con người từng dắt tay nhau rời quê lên thành phố học hành và lập nghiệp là My lại đau nhói. My nhớ cái thời mình còn là cô gái yếu đuối, đụng chuyện lại khóc, khóc rưng rức như một đứa trẻ chỉ muốn tìm kiếm một bờ vai nào đó ấm áp như vai mẹ để tựa vào. Cái thời mà My nhìn thấy phượng nở đỏ rực trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai, bóng cô cậu sinh viên tất tả ngược xuôi khi trống trường đã điểm. My nói anh khỏi đón My, trường anh ngược hướng với trường cô, thuở mới lên thành phố hai đứa cũng lọc cọc đạp xe, trưa hè mồ hôi nhễ nhại thấy mà thương. Vậy mà giờ tan trường nào My cũng thấy anh xuất hiện trước cổng nở nụ cười thật tươi mà giọt mồ hôi cứ đầm đìa trên đôi gò má đỏ hây hẩy. Những năm tháng tươi đẹp cứ thế thoi đưa. Mùa đông đi qua, mùa xuân lại đến. My ước giá như hai đứa cứ vui vẻ như thế, đến khi có công việc ổn định sẽ chính thức là của nhau.
Ngày qua. Tháng lại. Năm dần trôi. My nghĩ: có phải thành phố khắc nghiệt dữ vậy không? Thành phố đã chia tách mối tình của My, mối tình mà thuở còn ở quê vẫn bền chặt như rơm với rạ, đẹp như màu tím lục bình. Đến khi lên thành phố, nhịp sống hối hả, những cám dỗ, sức hút của thị thành xa hoa đã cuốn anh chạy theo một người con gái khác không phải là “con My quê mùa, cục mịch” sau bao nhiêu năm lên phố vẫn không rửa nổi lớp phèn? Đó là câu nói đùa nhưng cũng là cú tát của Sang để My biết chăm chút cho bản thân mình, không phải lúc nào cũng chân quê là tốt.
My không mất đi niềm tin vào tình yêu. My vẫn rung động trước những lời tỏ tình trong đêm phố thị lãng mạn. Nhưng để mở cửa trái tim đón lấy một bóng hình khác nữa thì My vẫn chưa đủ can đảm. Cô nói với Sang: “Tui hết cảm xúc với đàn ông rồi!”. Sang lườm: “Hay vẫn còn nhớ tình cũ?”. My vờ lạnh lùng: “Bay màu rồi”. Nói vậy chứ trong thâm tâm My vẫn còn nhớ đến người ta. My nghĩ lạc quan: Chắc tại hết duyên! Bao nhiêu năm My vẫn giữ nụ cười vương trên đôi gò má dù cuộc đời có xô My bầm dập đến đâu, My vẫn mạnh mẽ vững vàng. My tự quyết định tất cả mọi việc trong cuộc đời của mình: chọn ngành, chọn nghề, chọn chỗ ở, chọn bạn bè, chọn cuộc sống an yên chứ không chạy vạy cực nhọc, chọn quan hệ bạn bè với một người đàn ông mà My rung động sâu sắc nhưng chưa dám mở lòng đón nhận. Và My chọn cô đơn. My nói đùa: “Phụ nữ thế kỷ này tôn sùng chủ nghĩa độc thân”. Là tôn sùng chủ nghĩa độc thân hay vì My dũng cảm trong mọi chuyện, chỉ là chưa dũng cảm xua đi cái bóng hình đã từng là thân thương, đã từng gắn bó với My thuở cơ hàn để đón nhận một hình bóng mới?
Thành phố đã lấy đi của My người mà cô yêu thương nhưng lại không trách nó, bởi thành phố đã cưu mang cô, giúp cô trở nên mạnh mẽ hơn chứ không còn là cô My hễ gặp chuyện là ngồi khóc, buồn buồn cũng ngồi bó gối úp mặt ở cái góc phòng trọ tối tăm và ẩm thấp cuối con hẻm nghèo để khóc. Thành phố giúp My nhận ra để thương người thì trước hết phải thương mình, phải biết chăm chút bản thân, phải sống xứng đáng với hình hài người con gái xinh đẹp mà ba mẹ và cuộc đời đã ban tặng. Thành phố thênh thang. Thành phố vẫn chất chồng nỗi nhớ.
Những cơn gió mùa xuân bắt đầu mơn mởn trong thành phố. Chiều cuối năm My ra ban công ngồi đón gió, nhìn xa xa, con kênh uốn mình mềm mại vắt ngang qua phố dịu dàng. Thành phố của My, phố của bốn mùa hoa nở. Ở nơi đó có cô gái mang giày đỏ, cô gái không dám bỏ cả thế giới để yêu một người đàn ông mà trân trọng bản thân mình trước đã, bình tĩnh bước qua trăm chiều giông tố.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252793/co-gai-mang-giay-do-tho-hoang-khanh-duy.html