Cơ bản các điểm ngập úng ở quận, huyện của Hà Nội đã rút hết nước

Theo báo cáo nhanh của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, đến 6g sáng ngày 4-8, cơ bản các điểm ngập úng ở quận, huyện của Hà Nội đã rút hết nước.

Theo báo cáo nhanh của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, Hà Nội có mưa lớn trong những ngày vừa qua khiến gây ngập úng ở một số tuyến phố. Tuy nhiên, tính đến 6g sáng 4-8, cơ bản các điểm ngập úng ở quận, huyện đã rút hết nước.

Ngày 3-8, do lượng mưa lớn đã gâp ngập úng một số điểm ở Hà Nội.

Cụ thể, do lượng mưa trong đợt bão số 3 lớn, thời gian tập trung chủ yếu từ 10g00 đến 13g30 ngày 03-8, mực nước các sông dâng cao: trên sông Nhuệ tại trạm bơm Cổ Nhuế +5.45, tại Hà Đông +4.93, tại đập Thanh Liệt +4.72; trên sông Tô Lịch tại cống Hoàng Quốc Việt +5.29, tại đập Thanh Liệt +4.49; trên sông Cầu Bây tại đập Trại Lợn +4.28, trên mương Nam QL5 (tại Cầu Chui +5.60, tại khu đấu giá +4.80 nên xuất hiện các điểm úng ngập:

Trên địa bàn các Quận: Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoa Bằng, Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui dân sinh số 3,5,6, km9+656), đường Tố Hữu (từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn), Phùng Khoang, Triều Khúc… với mức độ ngập từ 0,20-0,40m, phố Ngọc Lâm, ngõ 80 Hoa Lâm, Cổ Linh (ngã tư Cổ Linh–Đàm Quang Trung) với mức độ ngập từ 0,1-0,2m.

Trên địa bàn các Huyện: quốc lộ 1A tại km 190, km 202, km 205, đường Ngọc Hồi với mức độ ngập từ 0,2-0,25m.

Đến thời điểm 06g00 ngày 04-8, cơ bản các điểm úng ngập ở các quận, huyện đã rút hết nước. Tuy nhiên, mực nước trên sông Nhuệ cao (tại trạm bơm Cổ Nhuế +5.51, tại cống Hà Đông +4.93), trạm bơm Yên Nghĩa chỉ vận hành được từ 3 đến 4 tổ máy nên vẫn còn điểm úng ngập tại Đại lộ Thăng Long (Hầm chui dân sinh số 3,5,6); Trục thoát nước qua ngõ 80 Hoa Lâm (Long Biên) với mức độ ngập từ 0,1-0,2m mực nước trên sông Cầu Bây +4.30 (tại đập Trại Lợn). Hiện nay, Công ty vẫn đang tiếp tục triển khai lực lượng, thiết bị bơm cưỡng bức để giải quyết các vị trí trên.

Công ty Thoát nước Hà Nội huy động 100% cán bộ sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu.

Trước tình hình diễn biến thời tiết và thực hiện chỉ đạo của BCH PCTT Thành phố Hà Nội tại công điện số 02 CĐ/BCH hồi 08g00 ngày 31-07, chỉ đạo của UBND Thành phố tại công điện số 11/CĐ-UBND hồi 08g00 ngày 01-8, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ-công nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới đảm bảo sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu của BCH phòng chống thiên tai Thành phố và Công ty.

Các trạm bơm tiếp tục vận hành hạ mực nước (Trạm bơm Yên Sở vận hành 18/20 tổ bơm, Đồng Bông 1 vận hành 14/14 tổ bơm, Đồng Bông 2 vận hành 1/3 tổ bơm, Cổ Nhuế vận hành 3/4 tổ bơm…) để tiêu thoát nước, giải quyết úng ngập.

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã hết mưa, các lực lượng của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vẫn ứng trực theo kế hoạch để giải quyết thoát nước. Công ty đã phối hợp với các Công ty Thủy nông để điều tiết mực nước nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành Ủy, phối hợp với Công ty Công viên cây xanh trong việc khắc phục hậu quả sau bão

Chiều 3-8, rất nhiều người dân ra sông Kim Ngưu bắt cá sau mưa lớn.

Ở những địa phương khác, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã khiến 2 người chết (Anh Vàng A Lâu ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa và Bà Trần Thị Tư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn); Khiến 13 người ở tỉnh Thanh Hóa bị mất tích (huyện Mường Lát: 01 người, huyện Quan Sơn: 12 người);

Ảnh hưởng của bão số 3 khiến tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, 50 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 50 nhà bị thiệt hại rất nặng; 176 nhà bị thiệt hại một phần; 05 điểm trường tại Thanh Hóa bị ảnh hưởng

Mưa bão làm 100m đường giao thông Trung ương bị sạt lở, hư hỏng tại Bắc Kạn; 800m3 đất đá, bê tông bị thiệt hại ở Sơn La; 112 điểm giao thông bị ách tắc (Thanh Hóa: 110 điểm, Sơn La: 2 điểm).

Về nông nghiệp: Ngập úng 2.590ha cây trồng (Bắc Ninh: 1.552ha, Hải Dương: 836ha, Nam Định: 190ha, Thanh Hóa: 11ha).

Sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau: Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp triều cường làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh – Kinh Mới dài 12,5km; đoạn kè Đá Bạc – Kinh Mới dài 356m bị sạt lở nghiêm trọng với 02 điểm dài 7m sạt lở vào đến phần mặt đường bê tông. UBND – Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh huy động lực lượng xử lý, hộ đê bằng bao tải đất, đá và cừ tràm.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-ban-cac-diem-ngap-ung-o-quan-huyen-cua-ha-noi-da-rut-het-nuoc-157712.html