Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao - Bài 6: Mệnh lệnh từ trái tim

Từ mệnh lệnh trái tim, những người lính Biên phòng Sơn La đã 'cùng ăn, cùng ở' giúp người dân nghèo biên giới xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc làm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân, tô thắm thêm hình ảnh 'Bộ đội Cụ Hồ' trong tình hình mới.

Trọn tình với người dân

Từ TP Sơn La, chúng tôi vượt quãng đường gần 70km đến xã Phiêng Pằn. Vừa đến đầu xã, Thiếu tá Vì Văn Thích, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đã đón sẵn để đưa tôi lên bản Đen, nơi cán bộ, chiến sĩ đang giúp dân làm nhà. “Bản Đen là địa bàn xa nhất, cao nhất của xã, nằm chót vót trên đỉnh núi. Anh em mình phải vượt qua 27km đường đất quanh co vượt qua khoảng chục quả núi mới tới nơi. Ta tranh thủ đi sớm, chứ không trời tối không kịp về”, Thiếu tá Thích thúc giục.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng giúp ông Thào A Tàng dựng nhà mới

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng giúp ông Thào A Tàng dựng nhà mới

Vừa nói xong, chúng tôi lập tức lên đường. Đúng như Thiếu tá Thích giới thiệu, anh em chúng tôi phải vượt qua nhiều quả đồi mây trắng bao phủ, có những đoạn dốc thẳng đứng, đường đất đá lô nhô, khiến chiếc xe máy phải oằn mình gầm rú mới vượt qua. Có những đoạn, tôi phải nhảy xuống hỗ trợ Thiếu tá Thích đẩy xe.

Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới lên được đỉnh núi Đen. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Phiêng Pằn đang hỗ trợ gia đình ông Thào A Tàng (52 tuổi) dựng căn nhà mới. Gia đình ông Tàng có 6 nhân khẩu, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để ông Tàng có ngôi nhà mới, cán bộ, chiến sĩ, cùng với người dân địa phương đã bỏ ra hàng trăm ngày công.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng giúp dân chuyển vật liệu xây dựng nhà mới.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng giúp dân chuyển vật liệu xây dựng nhà mới.

Khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, ông Tàng không giấu niềm vui. Nếu không có bộ đội và dân bản hỗ trợ ông không thể hoàn thành được ngôi nhà với số tiền 60 triệu đồng của Nhà nước. Số tiền hỗ trợ chỉ mua được vật liệu. Toàn bộ tiền vận chuyển từ xã lên bản phải nhờ bộ đội và dân bản lo liệu. “Từ sự chung tay của mọi người tôi đã có ngôi nhà khang trang, đủ cho 6 người sinh sống. Tôi rất cảm ơn các anh bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đã giúp đỡ gia đình. Căn nhà mới sẽ là niềm hy vọng, giúp gia đình có nơi ở ổn định, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, ông Tàng chia sẻ.

Khó khăn hơn ông Tàng, anh Vì Văn Nèn (45 tuổi, bản Đen) có hoàn cảnh rất đặc biệt. Anh Nèn bị bệnh khớp, đi lại khó khăn, mất khả năng lao động. Một mình người vợ gầy yếu của anh phải lao động sản xuất, chăm lo cho cả nhà. Anh Nèn chia sẻ, ngày anh lấy vợ, bố mẹ dựng cho căn nhà tạm bằng tranh tre, nứa lá. Mấy chục năm sống trong căn nhà tồi tàn, nhưng không có điều kiện cất nhà mới. Mỗi lúc mưa gió, nhà bị nghiêng, vợ chồng anh lại lấy cây chống lên, mái dột ở đâu dùng cỏ tranh che tạm chỗ đó.

Các chiến sĩ bộ đội Biên phòng giúp dân sửa chữa nhà ở Ảnh: Viết Hà

Các chiến sĩ bộ đội Biên phòng giúp dân sửa chữa nhà ở Ảnh: Viết Hà

“Khi nhận được hỗ trợ xóa nhà tạm, tôi rất lo lắng, vì trong nhà không có đồng xu nào, không biết dỡ nhà cũ ra, có làm được nhà mới để ở không. Nhưng nhờ bộ đội động viên, hứa rằng, nếu kinh phí xây nhà thiếu thì bộ đội kêu gọi thêm. Từ sự động viên đó, tôi mới liều một phen. Giờ thì tôi yên tâm rồi, vợ chồng, con cái đã có ngôi nhà mới chui ra, chui vào, không sợ mưa gió nữa”, anh Nèn cho hay.

Ông Lê Đình Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La khẳng định: “Bộ đội Biên phòng luôn đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững cho bà con khu vực biên giới. Trong công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát, cán bộ, chiến sĩ đơn vị “cùng ăn, cùng ở” giúp ngày công lao động sửa chữa, xây mới nhà ở cho người dân nghèo. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng, bồi đắp tình đoàn kết quân nơi biên giới, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân”.

Xuất phát từ tình cảm sâu đậm với người dân, cán bộ, chiến sĩ đồn Phiên Pằn không quản khó khăn, gian khổ cùng với nhân dân địa phương giúp ngày công lao động xóa được nhà tạm cho hàng trăm hộ dân nghèo. “Việc tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân không chỉ mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, còn thể hiện sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái giữa bộ đội Biên phòng nhân dân nơi biên giới”, Thiếu tá Vì Văn Thích nhấn mạnh.

“Cùng ăn, cùng ở” giúp dân xóa nhà tạm

Đồng hành với chúng tôi trên cung đường biên giới, Trung tá Vi Văn Chương, Phó Chủ nhiệm Bộ đội Biên phòng Sơn La chia sẻ, chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân nghèo là mệnh lệnh từ trái tim. Mỗi cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ góp công sức hỗ trợ xây dựng những căn nhà mới kiên cố giúp người dân được sống trong ngôi nhà ấm áp, không phải lo sợ mỗi khi mưa giông, gió rét. Có thế, người dân biên giới yên tâm bám đất, bám bản, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia.

“Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân được Bộ đội Biên phòng Sơn La xác định là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần củng cố nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng vững chắc trên biên giới. Vì vậy, các Đồn Biên phòng cử cán bộ, chiến sĩ “cùng ăn, cùng ở”, hỗ trợ người dân ngày công lao động, tham gia vận chuyển xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân ở khu vực biên giới”, Trung tá Vi Văn Chương cho hay.

Để hỗ trợ người dân một cách tối đa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La khuyến khích các chỉ huy đơn vị bằng uy tín, trách nhiệm cá nhân phải vận động nguồn kinh phí để xóa được ít nhất 1 nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân. “Cán bộ, chiến sĩ tham gia tu sửa nhà, xây dựng mới nhà ở cho hộ gia đình nghèo đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng)”, Trung tá Vi Văn Chương cho biết.

Theo Trung tá Vi Văn Chương, trong năm 2025, Bộ đội Biên phòng Sơn La triển khai xây dựng, sửa chữa và xây mới được 68 nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới. Để cùng với địa phương hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, huy động các nguồn lực để chung tay thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. “Bên cạnh công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, BĐBP tỉnh Sơn La huy động nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các mô hình kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo”, Trung tá Vi Văn Chương cho biết.

(còn nữa)

Viết Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-xoa-nha-tam-o-vung-cao-menh-lenh-tu-trai-tim-post1741312.tpo