Chuyện về những người góp sức xây dựng phum sóc ở Bạc Liêu

Bạc Liêu có trên 17.000 hộ gia đình người dân tộc Khmer với hơn 75.000 nhân khẩu, chiếm 7,6% dân số. Đồng bào Khmer chủ yếu làm nghề nông, sống quần tụ quanh 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông ở các địa phương trong tỉnh. Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trong tỉnh có nhiều khởi sắc cả về vật chất lẫn tinh thần.

Để có những kết quả tích cực đó, bên cạnh sự nỗ lực phát triển KTXH của cấp ủy, chính quyền các cấp, phải kể đến sự chung sức của đồng bào Khmer, trong đó có vai trò quan trọng của những vị chức sắc, người có uy tín đã, đang làm tốt công tác bảo đảm ANTT, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi gọi họ là “Những người điểm tô cho phum sóc Bạc Liêu”.

Vị sư hơn 30 năm “cõng chữ” vào phum

Hòa thượng Hữu Hinh trụ trì chùa Ghositaram (hay còn gọi là chùa Cù Lao) - một ngôi chùa Khmer cổ nằm ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi. Năm 1989, Đại đức Hữu Hinh về chùa Cù Lao. Mặc dù chùa cách TP Bạc Liêu chưa đầy 3km, nhưng xa xa mới có nhà, việc đi lại chủ yếu bằng xuồng hoặc đi bộ, bởi chưa có đường bê tông hay đường nhựa.

Đại đức Hữu Hinh khi ấy một mình lần theo con đường đất, bờ ruộng, đi đò qua bên kia kênh xáng Bạc Liêu dạy chữ, giảng giáo lý ở chùa Kim Cấu, rồi trở về xã Hưng Hội làm công việc phật sự. Đại đức Hữu Hinh đề nghị chính quyền địa phương được mở lớp, rước thầy về giảng dạy ngay trong chùa. “Ngôi chùa - Ngôi trường” ấy vẫn còn duy trì đến hôm nay.

Hòa thượng Hữu Hinh thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh Bạc Liêu thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã Hưng Hội.

Hòa thượng Hữu Hinh thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh Bạc Liêu thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn xã Hưng Hội.

Từ mái chùa này, đến nay đã có trên 100 con em xã Hưng Hội bước vào giảng đường đại học, đang công tác tại nhiều cơ quan Nhà nước. Hàng trăm người khác được học cả tiếng Việt phổ thông và chữ Khmer, nâng cao trình độ. Nhờ đó, các phong trào, cuộc vận động của địa phương luôn được sự đồng thuận cao. Hòa thượng Hữu Hinh chia sẻ: “Trong quá trình tu tập, tôi dành hàng chục năm để nghiên cứu về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận thấy nhiều điểm tương đồng với tư tưởng Phật giáo. Đó là, đại đoàn kết toàn dân tộc, cần - kiệm trong cuộc sống và tấm lòng yêu thương con người.

Do đó, vào ngày rằm, 30, mùng 1 hằng tháng, khi phật tử đến chùa cúng viếng, tôi và các vị sư trong chùa đều răn dạy thực hiện tốt 5 giới luật của đạo Phật. Đồng thời, vận dụng giáo lý, đạo đức nhà Phật với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để thực hiện trong cuộc sống hằng ngày”.

Tháng 10/2014, ông cùng với Ban Quản trị các chùa Khmer xã Hưng Hội phối hợp với Công an xã Hưng Hội thành lập mô hình “Câu lạc bộ (CLB) 3 tích cực trong đồng bào Khmer”. Qua 10 năm hoạt động, CLB trở thành “cánh tay nối dài” của Công an địa phương trong công tác bảo đảm ANTT ở phum sóc.

Lão nông thích “lo chuyện bao đồng”

Ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long giữ vững danh hiệu ấp văn hóa 20 năm qua, cũng là một trong những ấp sớm được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Thành tựu đó có được nhờ sự chung sức, đồng lòng của gần 300 hộ đồng bào Khmer trên địa bàn ấp và vai trò của ông Danh Lấp – một lão nông ngoài 80 tuổi nhưng vẫn thích “lo chuyện bao đồng”.

Ông Danh Lấp có thời gian dài làm Trưởng ban Quản trị chùa Đìa Muồng, giờ đã nghỉ do tuổi cao. Ông vẫn tự tay trồng, tỉa cành tạo hàng rào cây cảnh trước nhà xanh mướt. Hàng xóm cũng làm theo, người trồng mấy khóm hoa, người lên hẳn hàng rào dâm bụt, ai có mảnh sân rộng thì gieo vài luống rau sạch cho bữa ăn hằng ngày. Phum sóc Vĩnh Lộc như được khoác lên chiếc áo mới, xanh - sạch - đẹp và bình yên. Ông Danh Lấp vận động bà con tham gia vào “Tổ dòng tộc tự quản về ANTT” để chung tay giữ gìn bình yên phum sóc do ông khi ấy còn làm Trưởng ban Quản trị chùa Đìa Muồng và sư trụ trì là Hòa thượng Lý Sa Muôth đề xuất chính quyền địa phương thành lập vào tháng 10/2011.

Từ 7 tổ với 746 thành viên tại ấp Vĩnh Lộc, đến nay mô hình này được nhân rộng ở nhiều phum sóc trên địa bàn tỉnh và được Bộ Công an công nhận nhân rộng trên toàn quốc. Ông Danh Lấp bộc bạch: “Hộ nào có mâu thuẫn, tranh chấp, chúng tôi đến hòa giải; ai có khó khăn thì chúng tôi gom góp sức người sức của mà hỗ trợ. Làm sao để trong dòng tộc mình, trong phum sóc mình không xảy ra vụ việc mất ANTT, vậy mới là nông thôn mới kiểu mẫu chứ”.

Thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc

Thời gian qua, Công an tỉnh Bạc Liêu tăng cường tuyên truyền đến các vị chức sắc, chư tăng phát huy vai trò, uy tín của mình trong vận động, tập hợp đồng bào Khmer tham gia giữ gìn ANTT tại phum sóc. Vào các dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer, Công an tỉnh đều thành lập đoàn đến thăm hỏi, tặng quà; đồng thời tuyên truyền, vận động các vị chức sắc, người có uy tín phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nhiều mô hình tự phòng, tự quản về ANTT; hòa giải các mâu thuẫn trong họ tộc, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương trợ giữa các hộ gia đình.

Ông Lương Văn Pho, Phó trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhà ở, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, chuyển đổi ngành nghề… giúp hàng ngàn hộ gia đình Khmer phát triển sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,6% so với năm 2022”.

Với trách nhiệm và uy tín của mình, tin chắc rằng chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, chung tay cùng chính quyền địa phương và Công an tỉnh trong bảo đảm ANTT, góp phần xây dựng phum sóc Bạc Liêu bình yên, phát triển.

V.Đức – T.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chuyen-ve-nhung-nguoi-gop-suc-xay-dung-phum-soc-o-bac-lieu-i728380/