Chuyện về cựu tù Côn Đảo

Dù đã trên 83 tuổi nhưng những ký ức về cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước và những lần bị giam cầm tại các nhà tù vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Ung Văn Khuê (SN 1940, ngụ xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An).

Hơn 83 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, ông Ung Văn Khuê chính là một nhân chứng sống của lịch sử và là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, noi theo

Sinh ra tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, đến năm 15 tuổi, ông Khuê theo gia đình đi khai hoang, mở đất tại xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa. Nhiều lần tiếp xúc với lực lượng của ta thông qua việc bán giùm mật ong và cỏ bàng đã nung nấu trong ông tinh thần yêu nước. Đến năm 18 tuổi, ông chính thức gia nhập vào lực lượng Việt Minh và hoạt động chủ yếu tại xã Thuận Nghĩa Hòa.

Đến đầu năm 1960, ông được rút lên đơn vị 406 hoạt động ở Vùng 6 Kiến Tường. Đến tháng 12/1960, ông được cử đi học đặc công chuyên về mìn và thuốc nổ. Sau đó, ông trực tiếp tham gia vào nhiều trận đánh tại Kiến Tường. Năm 1962, ông được chuyển về đơn vị 212 của Quân khu 8, hoạt động ở các tỉnh miền Nam như Kiến Tường, Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Kiến Phong. Đến ngày 18/5/1963, khi đang cùng 2 tiểu đội của đơn vị 313 di chuyển từ tỉnh Kiến Tường đi Hồng Ngự để hướng dẫn lực lượng công binh đánh tàu địch thì ông bị bắt. Ông Khuê kể: “Tôi vẫn nhớ như in ngày bị địch bắt. Ngày đó, tôi cùng các đồng đội đang đi đến đoạn Kinh 3 Gò (ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng ngày nay) thì bị địch càn quét, vây bắt. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, tôi bị đánh đập dã man suốt gần 1 tiếng đồng hồ nhưng may mắn vẫn sống sót. Sau đó, chúng đưa tôi về Kiến Tường để hỏi cung”.

Tại Kiến Tường, sau nhiều trận đòn roi và giật điện, ông Khuê buộc phải khai rằng ông thuộc lực lượng dân công đi tải đạn từ Campuchia về Việt Nam. Đang trên đường đi thì bị bắt. Đây cũng là lời khai mà nhiều chiến sĩ của ta khi đó đã chuẩn bị sẵn để khai nếu chẳng may bị địch bắt. Sau hơn 1 tháng tra hỏi, không khai thác thêm được gì từ ông, địch đã chuyển ông qua nhiều nhà lao để tra hỏi cũng như vận động ông phục tùng.

“Từ nhà lao Kiến Tường, chúng đưa tôi về nhà lao Mỹ Tho, Long An rồi Phú Lợi, Tân Hiệp, Chí Hòa. Mỗi nhà lao tôi đều ở từ 1 đến 5 tháng và chịu đựng nhiều trận đòn roi của địch. Chúng hết dụ dỗ rồi ép buộc tôi làm nghi thức chào cờ của chúng và nói những khẩu hiệu chống lại cách mạng. Do tôi không phục tùng nên bị chúng tra tấn, bỏ đói” - ông Khuê cho biết.

Đến ngày 02/9/1964, ông bị đày ra nhà lao Côn Đảo. Chúng đưa ông vào ở trại 4, giở thủ đoạn lừa bịp, giam ông và các bạn tù vào một khu riêng mà chúng gọi là “công xưởng” và nói cho “học nghề”, “cải huấn”. Anh em tù kiên quyết chống lại. Địch điên cuồng đàn áp, đánh đập dã man. “Nhiều lần địch tra tấn, hành hạ, xáo trộn tù nhân giữa các trại hòng ngăn chặn hoạt động của ta nhưng anh em chúng tôi vẫn kiên quyết đấu tranh chống lao động khổ sai, đòi các quyền dân sinh theo công ước quốc tế” - ông Khuê nhấn mạnh.

Ở trại 4 được gần 5 tháng nhưng vẫn không phục tùng địch, ông Khuê bị chúng đưa vào "chuồng cọp" 1 cùng 5 người khác. Họ phải ăn, ngủ, đại, tiểu tiện ngay tại chỗ, không có khoảng trống để nằm, thậm chí chỉ được ngồi, ban đêm ngủ cũng phải ngồi, rất khổ cực. Phía trên "chuồng cọp" có dãy song sắt và hành lang để gác ngục từ trên cao quan sát bên dưới. Chúng thường tra tấn các tù nhân bằng cách dùng gậy có đầu bọc sắt chọc từ trên cao xuống, dội nước bẩn, ném vôi bột, không cho tắm,...

Đến cuối năm 1969, ông được chuyển từ "chuồng cọp" 1 về trại 1, rồi trại 6. Đến ngày 30/4/1975, khi miền Nam thống nhất, địch đầu hàng thì ông mới được tự do. Đến ngày 18/5/1975, ông được đưa về Đồng Tâm, tỉnh Mỹ Tho rồi về lại xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa.

Sau khi về lại quê nhà, ông Khuê tiếp tục công tác tại nhiều cơ quan như Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiến Tường; Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An; Công an huyện Tân Trụ; Công an huyện Tân Thạnh; Huyện ủy Tân Thạnh; Đảng bộ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh. Những năm qua, dù về hưu, ông vẫn luôn nhiệt tình tham gia công tác địa phương.

Ông Khuê có 2 người con và hiện sống tại ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa cùng gia đình người con trai. Ở tuổi xế chiều, ông vẫn thường xuyên giáo dục, nhắc nhở con, cháu về truyền thống yêu nước.

Năm 1987, với những đóng góp cho đất nước, ông Khuê đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Giờ đây, khi đã 83 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, ông Khuê chính là nhân chứng sống của lịch sử và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ve-cuu-tu-con-dao-a154139.html