Chuyện về cây sầu riêng ở Khánh Sơn

Năm 1999 trồng thử, đến năm 2006 huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) thực hiện đề án đưa sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực. Đến nay, sầu riêng là đặc sản nổi tiếng của Khánh Sơn, tạo nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương.

Quầy sầu riêng của xã Thành Sơn tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ nhất năm 2019.

Quầy sầu riêng của xã Thành Sơn tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ nhất năm 2019.

Gần mười năm trước, đến thăm vườn của anh Cao Văn Sang ở xã Sơn Bình, huyện miền núi Khánh Sơn, chúng tôi được nghe kể nhiều về chuyện trồng sầu riêng, một loại cây trồng mới ở đây; được nếm thử những múi sầu riêng chín rụng đầu tiên của khu vườn. Hồi ấy, anh Cao Văn Sang mới 34 tuổi, chưa có vợ.

Anh Sang kể, buổi đầu trồng cây sầu riêng gặp rất nhiều khó khăn. Cái khó lớn nhất là vốn và kỹ thuật. Vốn thiếu, anh cùng gia đình chạy vạy để mua giống, chăm sóc cây non. Kỹ thuật thì anh Sang lặn lội khắp nơi tìm tòi, học hỏi. Anh còn mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tự chảy, đưa nước từ trên núi về vườn. Ngày ấy, mê cây sầu riêng nên anh Sang vào tận miền nam mua cây giống. Khi đem về Khánh Sơn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đến kiểm tra, lập biên bản, không cho trồng. Số là, để bảo đảm chất lượng giống cây sầu riêng trên địa bàn, huyện Khánh Sơn chỉ mua giống của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam, không chấp nhận giống sầu riêng trôi nổi. Sau khi thẩm định cây giống của anh Sang, huyện cho trồng.

Từ đó, các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và gia đình anh Sang ngày càng trở nên gắn bó, thân thiết trong công việc chăm sóc cây sầu riêng.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Ngô Hữu Giác là người gắn bó với huyện miền núi này từ hồi còn trẻ. Ông nhớ lại: Những năm đầu thập niên 1990, huyện Khánh Sơn cứ trăn trở mãi với câu hỏi lấy cây trồng nào làm chủ lực. Tìm hiểu kỹ lưỡng các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, cuối năm 1999, huyện liên hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam mua hơn một nghìn cây sầu riêng giống chất lượng cao, đặc biệt là giống Moong Thoong (Thái-lan) mang về trồng thử; đồng thời quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục tiêu đưa sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện.

Hợp với chất đất, khí hậu, sầu riêng Moong Thoong ở Khánh Sơn cho trái rất lớn, trọng lượng trung bình 4,5 kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt từ 7 - 8 kg. Không chỉ trái nhiều, lớn, sầu riêng Khánh Sơn còn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng khác trên cả nước, với đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép. Một ưu điểm nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác từ bốn đến năm tháng. Khi sầu riêng Nam Bộ, Tây Nguyên hết mùa thu hoạch, sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu chín. Đặc điểm này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường trong nước.

Lần này, trở lại Khánh Sơn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bo Bo Khá, người dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp. Gia đình anh Khá trước đây có cuộc sống rất khó khăn, cả nhà đi làm thuê mà không đủ gạo ăn. Làm thuê cho những nhà vườn trồng sầu riêng, anh để ý cách thức chăm sóc cây rồi mạnh dạn vay vốn trồng thử 40 cây. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn sầu riêng của anh phát triển rất tốt. Anh trả được nợ và đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, anh Khá có hơn 1,5 ha đất trồng sầu riêng. Chỉ tính riêng vụ năm nay, anh Khá thu hoạch hơn 20 tấn sầu riêng, trừ chi phí, lãi hơn 800 triệu đồng. Anh cho biết, không mở rộng thêm diện tích sầu riêng nữa mà đang cùng bà con liên kết thực hiện bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm.

Câu chuyện của anh Bo Bo Khá làm chúng tôi bất ngờ bởi tư duy tiến bộ của anh. Trước đây không lâu, gia đình anh vẫn còn lên nương “phát, đốt, chọc, tỉa”; nay đã biết “làm cái khoa học”, tham gia giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm của mình. Khi được hỏi, có nhiều tiền sao không xây nhà mới, anh bảo: “Tập trung cho hai đứa nhỏ học đại học đã, nhà cửa tính sau!”.

Tại lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ nhất (tháng 8-2019), đặc sản sầu riêng được nhiều người rất quan tâm. Huyện Khánh Sơn đã tính toán kỹ lưỡng khi tổ chức lễ hội ngay chính vụ thu hoạch sầu riêng. Nhiều du khách vượt cả chặng đường dài hàng trăm cây số, nhiều đèo dốc, đến tận vườn để thưởng thức sầu riêng chín cây. Trong khuôn viên lễ hội, hàng nghìn du khách và người dân chen chân ngắm nghía, nhiều người dùng thử ngay tại quầy. Bà Lê Thị Nghi, đến từ huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, chia sẻ: “Tôi từng nghe nói nhiều về sầu riêng Khánh Sơn. Đây là lần đầu tôi lên đây. Sầu riêng ở đây quá ngon. Tôi sẽ mua thật nhiều về làm quà”. Chỉ trong mấy ngày lễ hội, huyện Khánh Sơn đã bán hơn 40 tấn sầu riêng.

Đến nay, toàn huyện Khánh Sơn đã có gần 1.000 ha sầu riêng, sản lượng hằng năm khoảng 5.200 tấn. Sầu riêng Khánh Sơn quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Khánh Sơn” từ năm 2011. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, ngay khi được công nhận, để bảo vệ thương hiệu “Sầu riêng Khánh Sơn”, lãnh đạo huyện, các phòng chuyên môn cũng như những hộ sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn bắt tay xây dựng các nhóm giải pháp để ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cụ thể là tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống đầu vào; hướng dẫn nông dân cách thức chăm sóc; tổ chức quy hoạch, sắp xếp những vùng đất thật phù hợp để trồng sầu riêng đạt năng suất, chất lượng cao, không trồng tràn lan.

Huyện Khánh Sơn đang có hướng tổ chức cho các nhà làm vườn liên kết với nhau, thành lập hội những người trồng sầu riêng Khánh Sơn nhằm xây dựng những quy tắc nhất định trong việc phát triển thương hiệu; đồng thời, nghiên cứu hướng mở rộng xuất khẩu cho sản phẩm.

Bài và ảnh: PHONG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42059602-chuyen-ve-cay-sau-rieng-o-khanh-son.html