Chuyện treo cờ giải phóng trên Tòa Hành chánh tỉnh Biên Hòa ngày 30-4-1975
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã diễn đạt đầy đủ không khí, sự kiện thắng lợi vẻ vang ở Biên Hòa thời điểm ngày 30-4 của 50 năm trước. Sau khi mở toang 'cánh cửa thép' Xuân Lộc, các đơn vị được phân công hành tiến, hợp lực giải phóng Biên Hòa, hướng về Sài Gòn để kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 15-5-1975, nhân dân Biên Hòa mít tinh mừng miền Nam giải phóng tại sân vận động Biên Hòa. Ảnh tư liệu
Trang sử vẻ vang
Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (tập 2, Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai, 2000), trong 2 ngày 28 và 29-4-1975, Sư đoàn 6 thuộc Quân đoàn 4 đã tổ chức đánh địch dọc quốc lộ 1 từ Trảng Bom, Hố Nai. Ban Chỉ huy tiền phương lệnh cho các lực lượng nhanh chóng đánh chiếm Quân đoàn 3 của địch, giải phóng Biên Hòa để Quân đoàn 4 kịp tiến chiếm Dinh Độc Lập.
Ở nội ô thị xã Biên Hòa, sáng 29-4-1975, địch ở Tiểu khu Biên Hòa, Ty Cảnh sát Biên Hòa, Chi khu Đức Tu đều đã rút chạy về Sài Gòn. Trên đường tẩu thoát, đại tá Lưu Yểm cho phá sập một nhịp cầu Hóa An để ngăn bước quân giải phóng.
Đêm 29-4-1975, các lực lượng bên trong kết hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài nổi dậy giành chính quyền. Chi bộ chợ Biên Hòa đã tổ chức lực lượng quần chúng kéo vào phá khám Biên Hòa, giải thoát trên 100 tù nhân bị địch giam giữ đưa đến nơi an toàn.
Tại Khu Kỹ nghệ Biên Hòa, từ 6h ngày 30-4-1975, đồng chí Tôn Văn Điểu và lực lượng nòng cốt đến Trung tâm Khuếch trương kỹ nghệ (Sonadezi) hạ cờ ngụy, thượng cờ giải phóng. Sau đó, cờ giải phóng tiếp tục được treo ở Nhà máy Cogido, Nhà máy Đường Biên Hòa, Vicasa. Ban Công vận Thành ủy Biên Hòa tiếp quản khu kỹ nghệ, tổ chức ban tự quản cùng với công nhân bảo vệ tài sản ở các nhà máy.
Sáng 30-4-1975, Bộ Chỉ huy tiền phương, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 cùng Trung đoàn 5 (do Trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Bình chỉ huy) từ hướng chợ Sặt hùng dũng tiến vào trung tâm Biên Hòa, dọc đường vẫn còn tiếng súng kháng cự yếu ớt. Nhân dân đổ xô ra hai bên đường hoan hô quân giải phóng. Hàng trăm xe máy háo hức chạy theo đoàn quân.
Đúng 10h30 ngày 30-4-1975, Bộ Chỉ huy tiền phương gồm các đồng chí: Phan Văn Trang, Nguyễn Việt Hoa, Huỳnh Việt Thắng, Nguyễn Quý Nam và Trung đoàn 5 vào đến Tòa Hành chánh tỉnh Biên Hòa. Hàng ngàn quần chúng đã có mặt ở Quảng trường Sông Phố chào mừng và tiếp bước đoàn quân tiến vào Tòa Hành chánh. Do cầu Hóa An đã bị đánh sập nhịp giữa, đại bộ phận Quân đoàn 4 phải đi vòng ra xa lộ để thẳng tiến về Sài Gòn.
Ban An ninh Thành ủy gồm các đồng chí Huỳnh Tấn Minh, Tư Tường, Tư Quăn tiếp quản Chi khu Đức Tu. Ban Chỉ huy thành đội Biên Hòa tiếp quản Tiểu khu Biên Hòa. Ủy ban Khởi nghĩa các xã: Tam Hiệp, Tân Vạn, Hiệp Hòa, Bửu Hòa, Hóa An, Tân Thành, Bửu Long, Núi Đất… tiếp quản các xã, thu gom vũ khí, tài liệu của địch. Sư đoàn 6 tiếp quản Sân bay Biên Hòa. Trung đoàn 5 triển khai lực lượng bảo vệ Khu Kỹ nghệ Biên Hòa, tổ chức các trạm gác ở ngã ba Vũng Tàu, ngã tư Bửu Long, ngã ba Vườn Mít, ngã tư Tam Hiệp. Bộ Tư lệnh Quân khu do đồng chí Lê Văn Ngọc chỉ huy tiếp quản Quân đoàn 3 ngụy. Ban An ninh miền Đông do đồng chí Huỳnh Việt Thắng làm trưởng ban tiếp quản Nha Cảnh sát miền Đông và Ty Chiêu hồi. Ban An ninh của Ủy ban Quân quản do đồng chí Nguyễn Quý Nam chỉ huy tiếp quản Ty Cảnh sát Biên Hòa.
Ngay trong ngày 30-4-1975, Ủy ban Quân quản thành phố Biên Hòa thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự xã hội, huy động các tổ chức nhân dân vào việc tự quản, ổn định đời sống. Chỉ 3 ngày sau giải phóng, tình hình ổn định, Biên Hòa bắt đầu vào cuộc sống mới.
Do bảo mật, người lính dân vệ giúp treo cờ giải phóng trên Tòa Hành chánh tỉnh Biên Hòa ngày ấy không nêu rõ họ tên. Những chiến sĩ Tiểu đoàn 75 tham gia việc treo cờ vẫn còn nhiều nhân chứng sinh sống ở nhiều nơi.
Ai treo cờ giải phóng trên Tòa Hành chánh tỉnh Biên Hòa?
Việc này, chính sử có nêu, nhưng cần rõ hơn. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai (tập 2, trang 419) ghi: “6h sáng ngày 30-4-1975, nữ đảng viên mật Trương Thị Sáu, Chi bộ chợ Biên Hòa được anh Mượn - cơ sở nội tuyến trong biệt động quân bảo vệ, đã vào Tòa Hành chánh tỉnh Biên Hòa hạ cờ ba que, treo cờ Tổ quốc lên. Chi bộ chợ Biên Hòa đã tổ chức quần chúng tháo gỡ các khẩu hiệu phản động của ngụy quyền, hạ cờ ba que và các tàn tích của chế độ tay sai, kéo cờ Tổ quốc ở dinh của tên trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Nha Cảnh sát miền Đông…”.
Ở tài liệu khác, nhân chứng lịch sử Phan Văn Trang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) kể: “Sáng 30-4-1975, lãnh đạo Thành ủy Biên Hòa nhận được lệnh phải đánh chiếm Quân đoàn 3, Sân bay Biên Hòa để mở đường thuận lợi cho Quân đoàn 4 tiến công về giải phóng Sài Gòn. 6h sáng, bà Trương Thị Sáu, đảng viên mật của Chi bộ chợ Biên Hòa, đã hạ cờ chính quyền Sài Gòn, kéo cờ Mặt trận ở cột cờ Dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa báo hiệu cho những chiến thắng giòn giã tiếp theo của quân và dân ta”.
Thêm nhiều nhân chứng khác cho biết: Nữ đồng chí Trương Thị Sáu cơ sở mật cắm cờ giải phóng ở Dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa (cạnh Tòa Hành chánh).
Gặp nhân chứng lịch sử Đại tá Nguyễn Trí Thức mới biết, người cắm cờ trên nóc Tòa Hành chánh ngày 30-4 năm xưa là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 75 (Trung đoàn 5), do đại úy Nguyễn Trí Thức làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 75 được thành lập ngay trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, thuộc biên chế của Trung đoàn 5, Sư đoàn 6, vừa tham gia các trận đánh, vừa xây dựng lực lượng. Trung đoàn 5 là đơn vị mũi nhọn được giao nhiệm vụ mở đường, cùng Bộ Tư lệnh tiền phương tiếp quản thị xã Biên Hòa.
Việc cắm cờ được kể lại rành mạch: Đúng 10h30 ngày 30-4-1975, Trung đoàn 5 hoàn thành nhiệm vụ phối hợp lực lượng địa phương làm chủ tình hình Biên Hòa, Tiểu đoàn 75 được phân công tiếp quản Tòa Hành chánh. Việc treo cờ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Cờ giải phóng đã chuẩn bị sẵn, theo đơn vị suốt cuộc tiến quân. Chiến sĩ được phân công treo cờ đã sẵn sàng. Nhưng không phải dễ, cột cờ cao, rung lắc, rất khó leo, phải nhờ một người lính thuộc đội hình dân vệ ở Tòa Hành chánh leo cột cờ, hạ cờ ba que, treo cờ giải phóng. Khi kéo dây, dây cờ bất ngờ bị đứt, phải nhờ đến xe cẩu gần đấy trợ giúp. Cuối cùng, lá cờ giải phóng cũng kiêu hãnh tung bay trên nóc Tòa Hành chánh, báo hiệu thời khắc thiêng liêng Biên Hòa được giải phóng hoàn toàn.