Chuyện người Mông ở Đồng Bài

Năm 2007, thực hiện dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, 23 hộ người Mông ở xã Thúy Loa (Na Hang) đã về tái định cư tại thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận (Yên Sơn). 16 năm qua, mặc dù điện, đường, trường, trạm đã thuận lợi hơn rất nhiều, người dân có nhà ở ổn định, được tiếp cận các dịch vụ tốt hơn nhưng trong tâm tư của bà con, vẫn còn những nỗi niềm...

Nỗi niềm

Thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận (Yên Sơn) cách trung tâm xã chừng 4 km. Thôn hiện có 128 hộ, 672 nhân khẩu với 6 dân tộc Mông, Tày, Kinh, Dao, Cao Lan, Mường sinh sống. Năm 2007, 23 hộ gia đình người Mông với 144 nhân khẩu ở xã Thúy Loa (Na Hang) đã nhường đất cho công trình thủy điện Tuyên Quang về đây tái định cư.

Cô và trò điểm trường mầm non phân hiệu thôn Đồng Bài.

Cô và trò điểm trường mầm non phân hiệu thôn Đồng Bài.

Khu tái định cư của đồng bào Mông nằm tập trung ngay mặt đường của thôn Đồng Bài, phần lớn đều đã có nhà kiên cố. Anh Đặng Văn Thắng, Trưởng thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận cho biết: trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn nỗ lực chăm lo cho bà con từ hỗ trợ làm nhà ở, bảo hiểm y tế; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng công trình hợp vệ sinh... Hiện nay, kinh tế của người Mông trong thôn chủ yếu là trồng keo, sắn và làm ruộng. Người dân phần lớn đều đã có ti vi, xe máy, điện thoại di động. Điện, đường, trường, trạm thuận lợi. Tuy nhiên, do trình độ của người Mông trong độ tuổi lao động còn hạn chế, nên thường chỉ đi làm thuê công nhật, mùa vụ... khó kiếm việc ổn định để có thể nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo còn trên 40%.

Ông Cháng A Nhài, người Mông thôn Đồng Bài cho biết: gia đình ông được Nhà nước cấp cho 240 m2 đất ở; ruộng trồng lúa nước thì được cấp tùy theo số nhân khẩu trong gia đình, trung bình mỗi hộ có từ 0,7 đến 1 ha đất đồi rừng để trồng keo. Trồng keo thì phải từ 5-6 năm mới cho thu hoạch, trong khoảng thời gian ấy, không có vườn tược để trồng rau hay chăn nuôi gì nên cuộc sống cũng còn khó khăn nhiều...

Chia sẻ nỗi niềm đó, anh Giàng A Gấu, thôn Đồng Bài tâm sự: trước đây, nhờ dành dụm được ít tiền, khi về nơi ở mới, vợ chồng anh mua được một mảnh đất nhỏ, sau đó anh bán đi, mua được một chiếc máy xay xát phục vụ bà con trong thôn. Mấy năm gần đây, trong thôn có thêm nhiều máy xay xát của người dân sở tại, nên thu nhập từ máy xay xát không đáng bao nhiêu, tháng nào thu nhập cao thì được gần 2 triệu đồng, tháng thấp chỉ được khoảng 700 ngàn đến 1 triệu đồng. Cùng với đó, vợ chồng anh cũng tích cực trồng keo, mỗi năm tổng thu khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí cũng chỉ còn 20-25 triệu đồng/năm...

Anh Giàng A Lầu là một trong những hộ gia đình người Mông có kinh tế phát triển so với mặt bằng chung của khu tái định cư. Chúng tôi đến thăm khi gia đình anh đang trong quá trình xây cất ngôi nhà mới với diện tích trên 80 m2 cho gia đình gồm 7 người của 3 thế hệ cùng chung sống. Anh bảo, gia đình mình gắng xoay sở diện tích đất, tập trung phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi. Trước đây, 2 vợ chồng đi làm thuê, dành dụm được ít tiền, vợ chồng mình mua một đôi trâu nhỏ, đôi lợn sinh sản. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn chăn nuôi từ rơm và chịu khó trồng cỏ voi ven các bờ ruộng, mấy năm sau, trâu và lợn của nhà mình đều nhiều lên. Được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu làm nhà ở, anh đã bán bớt trâu và lợn, thêm tiền xây mới ngôi nhà để bố mẹ, vợ con có nhà mới để ở. Anh bảo, hai vợ chồng mình đều cố gắng, nỗ lực làm lụng đủ mọi việc để chăm lo cho 3 đứa nhỏ được đến trường.

Gia đình ông Giàng A Phài chăn nuôi gia súc nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Giàng A Phài chăn nuôi gia súc nâng cao thu nhập.

Hơi ấm nơi đất mới

Anh Cháng A Pía, 40 tuổi, người có uy tín của bản Mông khu tái định cư cho biết: cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ nhà ở, đất đồi rừng, đất trồng lúa; sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã, thôn... hướng dẫn người dân vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, sớm hòa nhập cuộc sống mới, thì người Mông luôn nhớ và cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt thành, vô tư của vợ chồng Cựu chiến binh Hán Đức Minh ở thôn Đồng Bài. Điều đó thực sự như hơi ấm ở vùng đất mới, tạo động lực để người Mông vươn lên.

Anh Pía bảo: vợ chồng ông bà Minh thấy người Mông gặp bất kỳ khó khăn gì, trong khả năng có thể giúp đỡ được, ông bà đều không nề hà, không đắn đo hơn thiệt, từ việc giúp công sức dựng nhà cửa, cho mượn đất trồng sắn, trồng sả, cho mượn trâu, bò, máy móc để cày bừa... thấy bà con ốm đau là ông bà đều lấy xe máy giúp đưa đi viện... Đặc biệt, ngay đến cả những khoản tiền cá nhân, dăm chục triệu, thậm chí đến cả trăm triệu, ông bà cũng sẵn lòng giúp các hộ người Mông vay để làm ăn, không lấy lãi, giúp bà con vượt khó vươn lên, sớm ổn định cuộc sống.

Cùng với việc đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, người Mông vẫn luôn có ý thức giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Bà Giàng Thị Trị, người Mông cao tuổi ở khu tái định cư cho biết: ngày mới về tái định cư, cuộc sống cũng nhiều xáo trộn, nhưng được bà con trong thôn giúp đỡ nhiều, người giúp công dựng nhà, người cho mượn ít đất để trồng rau, trồng sắn... nên người Mông cũng sớm hòa nhập nhịp sống mới. Về nơi ở mới, nhưng người Mông vẫn luôn có ý thức giữ gìn ngôn ngữ, trang phục và các lễ thức của dân tộc mình.

Đồng chí Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết, xã đã rà soát, hỗ trợ người dân làm mới 3 nhà ở, sửa chữa một nhà tạm, dột nát trên địa bàn xã. Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách, tạo điều kiện để bà con có thể làm thủ tục vay vốn, phát triển sản xuất. Đồng thời, tiếp tục rà soát các hộ có nhu cầu đào tạo, học nghề, chuyển đổi việc làm theo chương trình ưu đãi, hỗ trợ tìm việc làm, lựa chọn phương án sản xuất phù hợp... giúp đồng bào tái định cư tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Phóng sự: Khánh Vân

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/chuyen-nguoi-mong-o-dong-bai-173589.html