Chuyện nghề của những người làm ngành Y tế

Dù ở vị trí công tác khác nhau nhưng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế,... luôn nỗ lực, phấn đấu vượt lên mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhất công việc của mình, mang lại niềm tin, sự an tâm cho bệnh nhân (BN) cũng như người nhà.

1. Tôi hỏi, anh có sợ khi mỗi ngày đều tiếp xúc với các thi hài? Không, tôi đã quen với công việc này rồi. Anh Nguyễn Thanh Hùng - bảo vệ kiêm nhân viên giữ nhà Đại thể của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Long An, đáp rất dứt khoát khi chúng tôi mở lời. Thông thường, tại các BV khác sẽ có đội ngũ riêng thực hiện công việc này, còn tại BVĐK Long An thì bảo vệ sẽ kiêm luôn việc của nhân viên nhà Đại thể và chia ca trực. Đây là công việc mà mọi người tưởng nhẹ nhàng nhưng không đơn giản như thế. Nhân viên nhà Đại thể đòi hỏi phải rất bản lĩnh, mạnh dạn. Bởi, một người bình thường khi tiếp xúc với BN đã có cảm giác lo lắng huống gì hàng ngày tiếp xúc với thi thể người đã mất.

Anh Nguyễn Thanh Hùng không thể nhớ nổi đã tiếp xúc với bao nhiêu thi hài khi làm nhân viên giữ nhà Đại thể

Anh Nguyễn Thanh Hùng không thể nhớ nổi đã tiếp xúc với bao nhiêu thi hài khi làm nhân viên giữ nhà Đại thể

Đội của anh Hùng có 4 người thay phiên nhau, vừa bảo đảm an ninh, trật tự trong khuôn viên BV, vừa bảo quản các thi hài để người nhà đến nhận hoặc cơ quan chức năng làm nhiệm vụ. Anh Hùng cho biết, về làm việc tại BV được 5 năm thì đã có 4 năm làm công việc giữ nhà Đại thể. Lúc BV phân công, anh cũng khá đắn đo nhưng vẫn vượt lên chính bản thân mình để nhận công việc này. Khi được thông báo có BN tử vong, anh cùng 1 hoặc 2 đồng nghiệp đến tiếp nhận, sau đó chuyển thi hài đến nhà Đại thể, làm các thủ tục liên quan và đưa vào nơi lưu trữ. Nhóm của anh thay phiên nhau kiểm tra nguồn điện, bảo đảm về nhiệt độ, tránh tình trạng phân hủy trước khi người nhà đến nhận đem về chôn cất. Thi hài cũng chia làm 3 dạng để lưu trữ, bảo quản, gồm: Thi hài BN có người nhà đến tiếp nhận, thi hài phục vụ công tác điều tra, thi hài vô danh. Thông thường, thi hài sẽ được chuyển giao sớm cho thân nhân, riêng thi hài vô danh sẽ tốn nhiều thời gian bảo quản hơn.

Anh Hùng chia sẻ: "Lúc đầu làm công việc này, tôi cũng có lo lắng. Tuy nhiên, tôi cố gắng vượt qua ám ảnh để làm tốt nhiệm vụ được giao. 4 năm qua, chỉ lần đầu tiên tôi có cảm giác sợ, chính là BN đầu tiên tử vong do Covid-19 tại BV. Lúc đó, ngay ca trực của tôi, lãnh đạo BV thông báo và mời lên để thông tin. Từ đó đến giờ, tôi chưa từng gặp phải trường hợp như thế, tâm lý lo sợ xuất hiện vì nhiều yếu tố. Cuối cùng, tôi cũng đảm nhận công việc bó thi hài và đem về đúng nơi quy định. Tại vì tôi nghĩ, phải bảo đảm hoàn thành công việc được giao và nếu mình không làm thì cũng sẽ có người khác làm mà thôi”.

2. Gắn bó với nghề y gần 20 năm, có thâm niên gần 10 năm làm điều dưỡng tại Khoa Nhiễm, BVĐK Long An, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân mỗi ngày luôn tự động viên bản thân cố gắng để làm tốt công việc, mang lại sự yên tâm cho những người bệnh cũng như người nhà BN.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân có thâm niên gần 10 năm gắn bó với công việc điều dưỡng

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân có thâm niên gần 10 năm gắn bó với công việc điều dưỡng

Công việc điều dưỡng nói dễ nhưng không phải dễ, đặc biệt với vị trí đặc thù như chị Hân. Chị luôn phải trau dồi về mọi mặt, từ chuyên môn cho đến tâm lý. Bởi, công việc tại Khoa Nhiễm đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người làm việc cũng như gia đình, đòi hỏi ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm thì yêu nghề, thương BN mới làm được.

Theo chị Hân, khi BV phân công làm việc tại đây, lúc đầu, chị cũng đắn đo và đấu tranh tư tưởng. Nhưng trên hết, tinh thần trách nhiệm của một điều dưỡng giúp chị vượt qua mọi trở ngại. Sự đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc của các đồng nghiệp cũng như chỗ dựa vững chắc từ gia đình đã giúp chị đứng vững với nghề nghiệp của mình. Tại đây, mọi điều dưỡng hầu như làm tất cả công việc, ngay cả hỗ trợ BN vệ sinh cá nhân.

“Nếu mình ngại khó, không làm thì người khác cũng phải làm. Quan trọng nhất là biết cách để bảo đảm an toàn cho mình cũng như những người xung quanh. Điều đặc biệt đối với người làm việc tại đây đó là phải xem BN như người thân của mình, ổn định tâm lý, tạo cho họ cảm giác tin tưởng, không bị kỳ thị hoặc xa lánh, mọi người đều được đối xử bình đẳng, có như vậy mới gắn bó với Khoa Nhiễm được. Nếu được lựa chọn, tôi vẫn kiên định với công việc này. Niềm vui lớn nhất của tôi và các đồng nghiệp chính là được nhìn thấy BN xuất viện về trong khỏe mạnh”- chị Hân chia sẻ./.

Sơn Quê

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-nghe-cua-nhung-nguoi-lam-nganh-y-te-a150411.html