Chuyện lạ ở Hải Dương: Ruộng 'mất tích'
Theo tìm hiểu của PNVN, vài năm gần đây tại thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương) xảy ra tình trạng 'cưỡng ép mua bán ruộng'; hủy hoại đất nông nghiệp. Có thửa ruộng sau vài lần bị hủy hoại đã 'biến mất', bởi chủ ruộng không còn nhận ra ở vị trí nào nữa.
Thửa ruộng 72m2 "biến mất" không tung tích
Ông Hoàng Công Minh (số nhà 117, Trần Hưng Đạo, thị trấn Kẻ Sặt) cho biết, từ tháng 11/2020, gia đình ông đã có đơn trình báo gửi UBND thị trấn Kẻ Sặt về việc thửa ruộng của gia đình bỗng dưng "biến mất", đến nay vẫn chưa tìm được.
Theo ông Minh, gia đình ông có thửa ruộng với diện tích 72m2 ở cánh đồng Mả Vường (xã Tráng Việt, nay là thị trấn Kẻ Sặt), thửa 23/13, tờ bản đồ 04. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2017, cũng như các thửa ruộng lân cận, thửa ruộng của gia đình ông đã bị kẻ xấu lén đổ đất cát, đất đá ban đêm. Gia đình ông tự tìm hiểu, nhưng không xác định được ai nên đã làm đơn trình báo UBND thị trấn Kẻ Sặt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài trình báo UBND thị trấn Kẻ Sặt, ông Minh cũng đã làm đơn gửi công an huyện Bình Giang. Đến ngày 02/12/2020, Công an huyện Bình Giang đã có văn bản trả lời gia đình ông về vụ việc trên. Theo đó, Công an huyện Bình Giang cho rằng, vụ việc trên không có dấu hiệu tội phạm xâm phạm sở hữu, chỉ là tranh chấp, lấn chiếm đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Phòng TNMT huyện Bình Giang và UBND thị trấn Kẻ Sặt, không thuộc phạm vi giải quyết của cơ quan công an. Do đó, Công an huyện Bình Giang chuyển lại đơn đến Phòng TNMT Bình Giang và UBND thị trấn Kẻ Sặt để xử lý theo thẩm quyền.
"Thửa ruộng của tôi bị kẻ xấu lén đổ đất đá để hủy hoại, tôi trình báo đề nghị công an xác minh điều tra, chứ đâu có tranh chấp với ai", ông Minh nói.
Liên quan đến quản lý đất đai tại Hải Dương, ngày 15/12/2021, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Hải Dương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng đất đai giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo Quyết định số 659/QĐ-TTCP ngày 3/12/2021 của Tổng Thanh tra, đoàn sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng đất đai giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên). Thời hạn thanh tra 70 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố, không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định.
Cũng theo ông Minh, hiện tại, thửa đất của gia đình ông không thể phục hồi nguyên trạng ban đầu. Ông cũng không còn nhận ra thửa ruộng đó nằm ở vị trí nào nữa. "Thửa ruộng 72m2 của gia đình tôi đã "biến mất" một cách khó hiểu", ông Minh nói.
May mắn hơn gia đình ông Minh, gia đình ông Phạm Văn Thủy (ngõ Chính Hòa, Khu Hạ, thị trấn Kẻ Sặt) vẫn nhớ được vị trí thửa ruộng của mình dù đã biến thành đường xá, còn những thửa ruộng bên cạnh đã thành nhà xưởng kiên cố.
Ông Thủy cho biết, nhà ông có thửa đất 03 (đất nông nghiệp), ở khu Mả Vường, sử dụng từ năm 1993 với diện tích 216m2. Hàng năm, gia đình ông cấy cấy cày trên thửa đất đó. Tuy nhiên, một đêm cuối tháng 9/2017, khi vừa thu hoạch lúa xong, ông nhận được thông tin có nhiều xe tải đang đổ đất ở khu vực Mả Vường. Ông chạy ra thì thấy trên thửa ruộng nhà mình đã bị đổ đầy đất, đá và được san lấp. Ông đã ra UBND xã Tráng Liệt trình báo với cán bộ địa chính xã là tên Kim (thời điểm đó) nhưng không được tiếp nhận và giải quyết. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương không đả động gì hướng xử lý đối với thửa đất của gia đình ông Thủy. UBND xã chỉ có động thái là cắt tất cả các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến thửa đất đó.
"Gia đình tôi có 6 khẩu. Trước đây, chi tiêu của gia đình chỉ trông vào thu nhập của 2 thửa đất (một thửa ở khu vực khác). Từ ngày thửa đất khu Mả Vường bị lấp, gia đình tôi không thể sản xuất, trồng trọt gì. Gia đình chỉ mong chính quyền địa phương trả lại mặt bằng thửa ruộng để gia đình cày cấy", ông Thủy nói.
Còn ông Nguyễn Văn Quang (Khu Thượng, xóm Đông, thị trấn Kẻ Sặt) cho biết, gia đình có mảnh đất nông nghiệp với diện tích 1,1 sào (1 sào Bắc Bộ là 360m2) ở khu Mả Vường, được sử dụng từ năm 2007. Tuy nhiên, một đêm cuối năm 2017, toàn bộ diện tích ruộng của gia đình đã bị đổ đất, đá và san phẳng. Ông tìm hiểu thì biết là dân "xã hội" ở địa phương san lấp thửa đất của gia đình nên báo với UBND xã Tráng Liệt nhưng cũng không được giải quyết. Hiện tại, thửa ruộng của gia đình ông cỏ đã mọc dài đến quá đầu người, còn các thửa ruộng bên cạnh đã trở thành nhà xưởng, công trình kiên cố.
"Gần thửa ruộng nhà tôi, thửa ruộng của một số hộ khác cũng bị đổ đất chiếm đoạt buộc phải bán lại với giá rẻ. Sau đó, cũng thửa đất đó đã được sang tay cho người khác với giá rất cao", ông Quang nói.
Người dân bị ép bán ruộng?
Gia đình ông Lê Huy Cử (Khu Thượng, Xóm Đông). Ông Cử cho biết, gia đình có thửa ruộng khu Mả Vường với diện tích 1,6 sào được sử dụng từ năm 1992, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (sổ đỏ). Trong một đêm, ông được người dân thông báo, cho biết thửa ruộng của gia đình đã bị đổ cát và san bằng.
Ông cho biết, trước khi bị đổ đất, cát, thửa ruộng đó gia đình trồng rau muống và đang thu hoạch. Sau khi thửa ruộng bị san lấp, gia đình ông không thể canh tác được. Ít hôm sau, có người tên "T.D." là dân "xã hội" ở địa phương đến nhà bảo "bán lại" với giá 100 triệu đồng. Gia đình ông không đồng ý. Đối tượng này lại ra giá 150 triệu đồng, nếu không lấy thì sẽ không trả nữa. Gia đình ông cũng ra UBND xã Tráng Liệt báo cáo vụ việc ruộng đất bị lấp. Tuy nhiên, khi đến UBND xã thì không gặp được lãnh đạo. Cán bộ xã thì bảo, ruộng của ai thì về mà giữ. Không còn cách nào khác, gia đình ông đành phải nhận 150 triệu đồng của T.D. Ngay sau đó ít lâu, thửa ruộng nhà ông biến thành công xưởng kiên cố.
Ông cho biết, là bộ đội phục viên, được nhà nước chia cho ít ruộng đất. Từ thửa ruộng được chia, gia đình ông trồng rau muống, thu nhập mỗi ngày được hơn 100.000 đồng. Từ ngày mất ruộng, vợ chồng chẳng có gì đành phải đi làm thuê kiếm sống.
Theo tìm hiểu của PNVN, các thửa ruộng ở Kẻ Sặt bị san lấp, rồi mua bán thường ở vị trí giao thông thuận lợi, hoặc gần khu dân cư. Trước khi bị hủy hoại, các thửa ruộng này đang được người dân cày cấy, trồng hoa màu. Trong đó, có những thửa ruộng là nguồn thu nhập chính của gia đình như của ông Cử. Bỗng dưng, một nhóm người đổ đất đá san lấp mặt bằng lên diện tích đất nông nghiệp đó. Sau đó, có người đến hỏi mua. Ban đầu họ trả giá thấp, chỉ vài chục triệu đồng/sào, đồng thời đe dọa, gây sức ép, hộ nào cứng, thì họ trả giá cao hơn. Lúc này, đất nông nghiệp của người dân đã không thể sản xuất được nữa nên cực chẳng đã, có hộ phải bán diện tích đất đó với giá rẻ mạt. Hộ không bán thì cũng không thể sản xuất nông nghiệp được. Hiện tại, nhiều khu vực bị san lấp đã mọc lên các nhà xưởng, đường xá, thậm chí nhà cửa kiên cố. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thời điểm đó đã không xử lý, hoặc có biện pháp ngăn chặn khiến người dân không còn tin tưởng.
Cũng liên quan đến đất đai ở thị trấn Kẻ Sặt, PNVN đã thông tin: Từ năm 2012 đến năm 2017, UBND xã Tráng Liệt đã phân lô, bán đất trái phép cho người dân địa phương. Nguồn gốc đất UBND xã Tráng Liệt bán cho người dân bao gồm đất trường học, đất nông nghiệp, đất cạnh đường giao thông, đất ao san lấp với giá từ vài trăm triệu đồng/lô đến vài tỷ đồng/lô tùy theo diện tích và vị trí đất. Pháp lý cho các lô đất được UBND xã Tráng Liệt bán là các phiếu thu do xã tự in. Ngoài ra, hộ nào có nhu cầu, UBND xã cũng cấp luôn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Chủ tịch UBND xã ký. Sau khi mua đất, người dân đã xây dựng nhà kiên cố để sinh sống, buôn bán.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, hàng chục hộ dân hốt hoảng khi phát hiện ra các văn bản của cơ quan quản lý xác định đất họ mua thực chất là đất lấn chiếm. Các công trình xây dựng trên đất đó là công trình vi phạm. Người dân cho rằng mình mua đất từ chính quyền địa phương và phiếu thu, thậm chí cấp cả xác nhận quyền sử dụng. Do đó, việc chính quyền địa phương báo cáo như vậy là "lừa dối" người mua đất. Bức xúc vì bị lừa, người dân đã làm đơn đến cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.
Hiện tại, Thường vụ Huyện ủy huyện Bình Giang cũng đã lập Đoàn Thanh tra để làm rõ những nội dung mua bán đất trái phép tại thị trấn Kẻ Sặt. Đến ngày 10/01/2022, Đoàn Thanh tra đã công bố dự thảo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại Kẻ Sặt.
* Bài tới, PNVN sẽ thông tin tới bạn đọc về ý kiến trả lời của chính quyền địa phương và phân tích của chuyên gia, luật sư đối với hành vi hủy hoại đất nông nghiệp.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuyen-la-o-hai-duong-ruong-mat-tich-20220110223056603.htm