Chuyện kể dưới ngọn đèn đường

Giữa cái rét cắt da cắt thịt, người người đều muốn trốn biệt trong nhà thì những công nhân vệ sinh môi trường phải phơi sương gió nhiều giờ, giữa đêm tối lạnh cóng. Họ đã làm việc không kể thời gian để cho những tuyến phố được sạch đẹp và đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Vất vả tinh sương, gió đông không quản”

Sáng nào cũng vậy, chị Bàn Thị Nhầu, dân tộc Dao ở xã Tứ Quận (Yên Sơn) là công nhân Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang phải thức dậy từ hơn 3 giờ sáng để đi làm việc. Công việc của chị Nhầu là quét rác vệ sinh ở khu vực phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang). Mỗi ngày chị phải thu gom rác thải 2 lần vào sáng sớm và buổi chiều, có những hôm 22 giờ mới hoàn thành nhiệm vụ khi những xe chở rác rời thành phố đến khu vực nhà xử lý rác thải ở xã Nhữ Khê (Yên Sơn). Chị Nhầu cho biết, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn không được học hành đến nơi đến chốn nên chị chọn nghề này. Đến nay chị đã quen với từng góc phố, chị gắn bó với nghề được hơn 3 năm và luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Dù mùa hè nóng hầm hập hay mùa đông lạnh cóng chân tay thì những công nhân vệ sinh như chị đều phải làm xong việc mới về nhà, nhìn những tuyến phố sạch sẽ các chị mới yên lòng.

Công nhân vệ sinh môi trường quét rác trên tuyến đường Bình Thuận (TP Tuyên Quang).

Khi thành phố đã lên đèn cũng là lúc chị Trần Thị Thanh Huyền tổ quét khu vực phường Hưng Thành với chiếc xe chở rác chất cao nặng nhọc đẩy trên đường phố về nơi tập kết, ít ai biết chị Huyền đã từng có một tổ ấm hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khi 2 vợ chồng chị ly hôn thì toàn bộ gánh nặng đè lên vai khi một mình chị phải nuôi 2 người con ăn học, 3 mẹ con chị phải thuê căn phòng trọ chật hẹp nơi đầu Cầu Chả (TP Tuyên Quang) để ở. Trong những ngày mùa đông lạnh thấu xương, càng gần Tết Nguyên đán lượng rác thải nhiều khối lượng công việc vất vả hơn song chị phải cố gắng, có hôm nhiệt độ ngoài trời xuống 7, 8 độ C chân tay tê cóng nhưng anh chị em trong tổ đều động viên nhau cố gắng hoàn thành công việc sớm để trở về bên gia đình.

Lương thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn

Gắn bó với công việc 15 năm nay, cũng là ngần đấy năm anh Dương Văn Quảng, công nhân vệ sinh môi trường không được đón giao thừa cùng với gia đình. Anh Quảng tâm sự, nhìn cảnh các gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên, nhìn những đứa trẻ hạnh phúc bên vòng tay cha mẹ nhiều lúc cũng thấy chạnh lòng nhưng vì công việc mình phải cố thôi. Càng gắn bó với công việc anh càng cảm thấy trân trọng công việc mình đang làm. Công việc nặng nhọc, vất vả cũng không làm giảm đi lòng nhiệt huyết của anh với nghề. Anh luôn tự động viên và cảm thấy rất vui vì mình đã góp phần nhỏ bé làm cho thành phố sạch hơn, đẹp hơn và nhất là để người dân được vui chơi, đón Tết trong bình yên, vui tươi.

Không kể ngày đêm, những người công nhân vệ sinh môi trường đã vất vả để làm đẹp cho thành phố Tuyên Quang.

Hiện nay, có nhiều những công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn với đồng lương ít ỏi nhưng vẫn luôn gắn bó với nghề. Ông Trần Văn Quyết, Đội trưởng Đội Môi trường số 1, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang cho biết, tại tổ quét khu vực thành phố Tuyên Quang có hơn 100 công nhân thì có đến mấy chục trường hợp thuộc diện khó khăn. Vừa qua, các công nhân khó khăn cũng đã được những phần quà Tết từ Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” năm 2024 do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức. Những món quà ý nghĩa đã góp phần động viên người lao động của công ty vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều tháng qua, các cán bộ, công nhân của công ty chưa được trả lương đầy đủ, mỗi tháng chỉ được tạm ứng 4 triệu đồng. Nguyên nhân được cho là một số dịch vụ chưa được thành phố chi trả tiền dẫn tới việc công ty không có tiền để trả đầy đủ lương cho người lao động, cả ban lãnh đạo cũng chỉ đang được ứng một phần lương.

Công nhân vệ sinh môi trường, nghề vất vả và độc hại.

Đứng trước những khó khăn đang gặp phải, rất mong các đơn vị liên quan cùng nhau tháo gỡ khó khăn để giải quyết kịp thời những vướng mắc. Từ đó thực hiện đúng quy định về chi trả lương, thưởng cho người lao động, đặc biệt là những công nhân vệ sinh môi trường mong ngóng từng ngày để Tết này họ có một khoản thu lo cho gia đình để cuộc sống vơi đi những vất vả.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chuyen-ke-duoi-ngon-den-duong-187269.html