Chuyện ít biết về cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu
Cuộc đời thăng trầm của Nam Phương Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam đã được tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang tái hiện trọn vẹn trong cuốn sách 'Nam Phương – Hoàng hậu cuối cùng'.
Trước khi trở thành Hoàng hậu Nam Phương, Nguyễn Hữu Thị Lan là con gái thứ của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình. Bà còn có tên theo Pháp tịch là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào. Không chỉ thông minh, Thị Lan cùng người chị gái có vóc dáng cao lớn hơn hẳn những người phụ nữ Việt Nam bình thường. Sinh ra trong một gia đình giàu có, cuộc sống của thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan cùng người chị gái diễn ra trong sự sung sướng và đủ đầy. Họ cùng trải qua thời thanh xuân êm đềm và mơ mộng, và có lẽ đó là giai đoạn hạnh phúc nhất đời của người thiếu nữ sau này trở thành hoàng hậu.
Thay vì ở quê nhà Gò Công, hai chị em đến ở trong căn nhà của gia đình tại Sài Gòn nằm trên đường Nguyễn Du để đi học. Sau thời gian học tập trong nước, năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux tại Paris - một trường do các nữ tu dòng Đức Bà. Về cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Nguyễn Hữu Thị Lan và vua Bảo Đại, theo tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang, nhiều tài liệu khẳng định, trên chiếc tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime đưa bà về nước có sự hiện diện của vị vua trẻ Bảo Đại, người cũng vừa kết thúc chương trình du học ở Pháp và quay lại Việt Nam để đảm nhận việc cai trị dưới sự bảo hộ của người Pháp. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định chắc chắn rằng liệu hai người có từng gặp nhau trên chuyến tàu này hay không.
Cũng có tài liệu kể rằng, thật ra hai người đã gặp nhau từ trước, khi còn đang du học ở bên Pháp. “Chuyện là tại Pháp, gia đình Denis Lê Phát An, cậu của Thị Lan, thường xuyên tổ chức những buổi tiệc sang trọng và mời nhiều quan khách danh giá đến tham dự, trong đó có vợ chồng toàn quyền Pasquier và vợ chồng cựu Khâm sứ Charles, cha mẹ nuôi của Bảo Đại. Có một vài lần, họ cũng đưa Bảo Đại đi cùng và nhiều khả năng là vị vua này đã gặp hoàng hậu tương lai của mình trong những dịp như vậy. Tuy nhiên, do được cha mẹ nuôi dặn dò phải giữ gìn tác phong của một vị vua, nên Bảo Đại chưa bao giờ dám tự do quá mức mà buông lời tán tỉnh cháu gái của gia chủ”, tác giả viết.
Đến khi về nước, cơ duyên (và có thể là sắp đặt) đã khiến Bảo Đại có cơ hội được gặp lại cô gái miền Nam mang tên Nguyễn Hữu Thị Lan. Trong những tháng hè, Bảo Đại thường được vợ chồng cựu Khâm sứ Charles đưa lên Đà Lạt chơi, trong khi Thị Lan cũng nghỉ mát ở đây, trong những căn biệt thự sang trọng mà gia đình đã mua. Thỉnh thoảng, vợ chồng cựu Khâm sứ lại mời gia đình họ Lê cùng cháu gái đến chơi quần vợt. Nhờ đó mà Bảo Đại có dịp so tài với Thị Lan trên sân quần vợt và chính những lần gặp gỡ này đã làm cho con tim Bảo Đại rung động. Ngoài ra, hai người còn sánh bước bên nhau trong nhiều buổi dạ tiệc.
Dù có ý ngăn trở, tuy nhiên triều đình và bà Từ Cung lúc đó không còn cách nào khác là chấp thuận để Bảo Đại lấy Nguyễn Hữu Thị Lan. Lễ cưới diễn ra ngày 20/3/1934. Năm đó Bảo Đại 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 20 tuổi. Trở thành vợ của vua một nước với danh hiệu Nam Phương Hoàng hậu, cuộc đời Nguyễn Hữu Thị Lan đã bước sang một ngã rẽ hoàn toàn khác, những tưởng là đầy danh vọng lẫn quyền lực nhưng hóa ra lại đau khổ và cô đơn cho đến tận những năm tháng cuối đời.
Cuộc hôn nhân với Vua Bảo Đại cũng khiến cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương phải trải qua mọi thăng trầm, từ những ngày hạnh phúc êm đềm cho đến những tháng năm chia ly và đau khổ khi Vua Bảo Đại liên tiếp có các mối quan hệ tình ái ngoài luồng. Dẫu vậy, bà Nam Phương vẫn luôn một lòng một dạ chăm sóc con cái và thủy chung với chồng, không hề than trách nửa lời. Suốt cuộc đời mình, bà đã sống đúng với bốn chữ công, dung, ngôn, hạnh - không chỉ xứng đáng là một người vợ, người mẹ hoàn hảo mà còn xứng là một bậc mẫu nghi trong thiên hạ.
Cho đến nay, xoay quanh cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương có rất nhiều câu chuyện mà không phải ai cũng biết tới. Cuốn sách Nam Phương oaHoHo- Hoàng hậu cuối cùng sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc đời của bà.
Đặc biệt, cuốn sách cũng hé mở cuộc sống của Hoàng hậu Nam Phương những ngày trên đất Pháp sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nếu lúc trẻ, bà Nam Phương trải qua cuộc sống thật hạnh phúc và sung sướng về vật chất cũng như danh vọng; thì cuối đời, bà đã mất trong sự cô đơn lạnh lẽo nơi xứ người ở tuổi còn khá trẻ: bà mất năm 1963 khi vừa được 49 tuổi.
Với vẻ đẹp phúc hậu và tấm lòng nhân từ của mình, dù Nam Phương Hoàng hậu mất đã lâu nhưng những câu chuyện về cuộc đời bà sẽ vẫn còn được người đời nhắc tới. Và thực tế, cùng với bà Từ Dụ tức Bác Huệ Thái Hoàng Thái hậu, vợ Vua Thiệu Trị; Nam Phương Hoàng hậu là một trong hai bà được sử sách nhắc đến nhiều và được ca ngợi nhờ nết đoan trang, nhân từ với mọi người, không phân biệt sang giàu và chính kiến.