Chuyên gia nước ngoài tin Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng nhanh
Trong khi nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm thì Việt Nam vẫn là một ngoại lệ. Nhiều chuyên gia nước ngoài tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN vào năm nay và còn tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Nhiều tổ chức nước ngoài đã đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, kèm theo những đánh giá tích cực về triển vọng nền kinh tế trong thời gian tới.
Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7% nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Triển vọng về tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa do được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm và lạm phát duy trì ở mức thấp.
Tập đoàn Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 từ mức 6,7% lên 6,9%, với nhận định kinh tế sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vững chắc trong quý IV.
Các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Research Ltd. hiện đã dự báo mức tăng trưởng 7% cho kinh tế Việt Nam năm 2019, so với dự báo trước đó là 6,8%. Tập đoàn ngân hàng Singapore United Overseas Bank Ltd. điều chỉnh mức dự báo thành 6,8%, từ mốc 6,7% trước đó, trong khi Capital Economics Ltd. giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng đạt 7%. Các tổ chức này đều cho rằng 2 điểm sáng là tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, phản ánh kinh tế Việt Nam đang chuyển biến về cơ cấu, giảm dần phụ thuộc vào bên ngoài và dựa nhiều hơn vào thị trường trong nước.
Standard Chartered cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021.
United Overseas Bank Ltd. điều chỉnh từ mức 6,7% lên 6,8%, trong khi Capital econom Ltd. giữ nguyên mức tăng dự báo là 7%. Ngân hàng HSBC dự báo mức lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiểm soát dưới con số 2,7% trong năm nay, đồng thời tăng trưởng GDP vẫn ở mức 6,7% cho cả năm.
Nhìn sang một số chỉ số khác, theo báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 (Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF) được công bố, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 lên hạng 63/140 so với năm 2017 nhờ tài nguyên văn hóa và tự nhiên, sức cạnh tranh về giá, hạ tầng hàng không và mức độ mở cửa quốc tế được cải thiện mạnh mẽ.
Với thứ hạng 63/140, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Singapore (17), Thái Lan (31), Malaysia (29), Indonesia (40); trên Bruney (72), Philippines (75), Lào (97) và Campuchia (98). Báo cáo năm nay được Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện cơ bản dựa trên kết quả hoạt động năm 2017-2018. Trong đó, báo cáo đưa ra đánh giá và xếp hạng 140 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 14 nhóm chỉ số (thang điểm từ 1 đến 7) với 90 chỉ số thành phần được xếp theo 4 yếu tố: Môi trường hoạt động; Chính sách và điều kiện phát triển du lịch; Cơ sở hạ tầng; Tài nguyên văn hóa và tự nhiên.
Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2019 tăng thêm 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.
Chỉ số GII là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện.