Chuyện gì sẽ xảy ra sau Chiến dịch Sindoor của Ấn Độ nhằm vào Pakistan?

Trước bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Ấn Độ triển khai Chiến dịch Sindoor nhằm vào Pakistan, cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ từng diễn biến tiếp theo với sự lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng đối đầu hạt nhân.

Ấn Độ-Pakistan nói gì về Chiến dịch Sindoor?

Rạng sáng 7/5, Lực lượng vũ trang Ấn Độ đã chính thức phát động Chiến dịch Sindoor, một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhắm vào các cơ sở hạ tầng khủng bố nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan cũng như khu vực Jammu và Kashmir do Pakistan kiểm soát. Động thái này được xem là đòn đáp trả trực tiếp và quyết liệt của New Delhi sau vụ tấn công Pahalgam vào ngày 22/4 trước đó, khiến 26 dân thường thiệt mạng, trong đó có một công dân Nepal.

Trong tiếng Hindi, “Sindoor” là loại bột đỏ mà phụ nữ Hindu dùng để bôi lên trán sau khi kết hôn. Tên gọi của chiến dịch quân sự do Ấn Độ phát động dường như mang hàm ý tượng trưng, gợi đến cách thức mà những kẻ tấn công đã sát hại các nạn nhân ở Pahalgam.

Theo các nguồn tin chính phủ, trong khuôn khổ chiến dịch, Không quân Ấn Độ đã tiến hành các cuộc không kích chính xác vào lúc nửa đêm, tấn công 9 địa điểm được xác định là căn cứ hậu cần và trung tâm huấn luyện của các nhóm khủng bố. Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval sau đó triển khai các cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở nhiều nước, nhằm thông báo rõ ràng rằng hành động của Ấn Độ là "phòng vệ có mục tiêu", không nhằm leo thang xung đột nhưng sẵn sàng "trả đũa kiên quyết" nếu Pakistan có hành động đối đầu.

Theo hãng tin PTI, ông Doval đã thông báo cho các đối tác chiến lược như Mỹ, Anh, Nhật Bản và Saudi Arabia về bản chất của các cuộc không kích, được mô tả là "có tính toán, kiềm chế và tránh leo thang". New Delhi cũng thiết lập liên lạc với Nga, Pháp, UAE và Trung Quốc, nhằm bảo đảm rằng cộng đồng quốc tế hiểu rõ mục tiêu giới hạn của chiến dịch và "không bị cuốn vào một làn sóng thông tin sai lệch".

“Ấn Độ không tìm kiếm đối đầu nhưng sẽ không ngồi yên nếu các hành động khủng bố tiếp tục được dung dưỡng từ lãnh thổ Pakistan", một quan chức cấp cao cho biết.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif. Ảnh: Reuters

Ngay sau cuộc không kích của Ấn Độ, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ngay lập tức lên án Chiến dịch Sindoor là một “hành động chiến tranh trắng trợn”, đồng thời tuyên bố triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận các biện pháp đáp trả. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Muhammad Asif nhấn mạnh rằng Pakistan “không có ý định gây hấn trước” nhưng cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Ấn Độ sẽ bị đáp trả tương xứng.

Phó Thủ tướng Ishaq Dar cũng lên tiếng trên nền tảng mạng xã hội X (trước đây là Twitter), gọi hành động quân sự của Ấn Độ là “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền” và là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình khu vực. Ông Dar cho rằng chiến dịch này đã đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc và vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Lo ngại về đối đầu hạt nhân

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang, giới quan sát khu vực lo ngại nguy cơ đụng độ quân sự kéo dài, nhất là khi cả hai cường quốc hạt nhân Nam Á đều đang đối mặt với áp lực chính trị nội bộ và không gian đối thoại ngày càng thu hẹp.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân, Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng kể, với ước tính ít nhất 160 đầu đạn mỗi bên. Mặc dù New Delhi lâu nay cam kết chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” (No First Use – NFU), song vào năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố đang cân nhắc điều chỉnh học thuyết này, làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế về khả năng xảy ra đụng độ hạt nhân. Ở chiều ngược lại, Pakistan chưa bao giờ áp dụng học thuyết NFU nhưng liên tục khẳng định quyền triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như một biện pháp răn đe cần thiết trước các mối đe dọa an ninh tiềm tàng.

Giữa bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng sau Chiến dịch Sindoor, ông Raoof Hasan, cựu cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, đã lên tiếng cáo buộc New Delhi theo đuổi những hành động “liều lĩnh”, có thể kích hoạt một chuỗi phản ứng leo thang mất kiểm soát giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông Hasan nhấn mạnh rằng các năng lực phi truyền thống, đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến thuật, từ lâu đã xuất hiện trong học thuyết quân sự của Islamabad.

“Khi một quốc gia sở hữu bom hạt nhân, họ không thể loại bỏ hoàn toàn yếu tố đó khỏi tư duy chiến lược", ông Hassan nói. Cựu cố vấn Pakistan đồng thời tiết lộ rằng trong vòng một tuần qua, Pakistan đã thử nghiệm hai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong đó một loại có tầm bắn lên tới 450 km. Động thái này được xem như lời nhắc nhở ngầm gửi tới đối thủ phía đông.

Ông Hassan cảnh báo, việc Ấn Độ theo đuổi các kịch bản can thiệp quân sự đơn phương là "cực kỳ nguy hiểm", bởi Pakistan luôn coi vũ khí hạt nhân là tuyến phòng thủ cuối cùng trước các mối đe dọa hiện sinh. Một động thái sai lầm có thể khiến “ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân” bị hạ thấp, đẩy khu vực Nam Á đến gần hơn với thảm họa.

Một địa điểm ở Pakistan bị tấn công trong chiến dịch Sindoor của Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Một địa điểm ở Pakistan bị tấn công trong chiến dịch Sindoor của Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Theo Chỉ số Sức mạnh Hỏa lực Toàn cầu, Ấn Độ có ưu thế đáng kể về nhân lực, không quân và thiết giáp, song chính lợi thế này cũng khiến lo ngại về phản ứng hạt nhân từ phía Pakistan gia tăng.

Nhiều chuyên gia quốc tế đồng tình với nhận định này. Tiến sĩ Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ, cảnh báo trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng:

“Với hơn 160 đầu đạn hạt nhân mỗi bên, bất kỳ sự leo thang nào cũng đều mang rủi ro khôn lường", ông Kristensen nói.

Về phần mình, ông Pravin Sawhney, cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ và hiện là biên tập viên chuyên san Force India, nhận định rằng cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều có thể tuyên bố đã đạt được mục tiêu chiến thuật nhất định trong đợt giao tranh vừa qua, khi chưa có hành động xâm phạm sâu vào lãnh thổ đối phương. Tuy nhiên, ông Sawhney cũng thẳng thắn cho rằng các cuộc không kích của Ấn Độ đã không đạt hiệu ứng răn đe, điều có thể dẫn đến nhiều cuộc tấn công hơn tại khu vực Jammu & Kashmir trong thời gian tới.

Còn theo bà Arsla Jawaid, chuyên gia an ninh khu vực tại hãng tư vấn Control Risks, việc hạ nhiệt căng thẳng sẽ không dễ dàng, đặc biệt vì mức độ leo thang lần này vượt xa các cuộc giao tranh biên giới thông thường trước đây. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng cả hai nước đều sở hữu nhiều phương án leo thang dưới ngưỡng hạt nhân.

“Kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên, dù là nguồn gây lo ngại, vẫn đang đóng vai trò như một lực cản cuối cùng, kiềm giữ xung đột không trượt dài vào thảm họa", bà Jawaid nhận định.

Trước bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Ấn Độ triển khai Chiến dịch Sindoor nhằm vào Pakistan, cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ từng diễn biến tiếp theo với sự lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng đối đầu hạt nhân. Ông Sharad Pawar, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho rằng: “Thật khó để đưa ra dự đoán chính xác về phản ứng của Pakistan trong thời điểm hiện tại. Nhưng họ biết rõ khả năng của mình đến đâu và đồng thời, họ cũng hiểu rất rõ sức mạnh quân sự và lập trường của Ấn Độ".

Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Time of India, Hindustantimes

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chuyen-gi-se-xay-ra-sau-chien-dich-sindoor-cua-an-do-nham-vao-pakistan-post1197908.vov