Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng

Trước thực trạng Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp gây nên hạn mặn tại vựa lúa lớn nhất nước, các nhà khoa học cho rằng đã đến lúc thay đổi tư duy sản xuất; khai thác lợi thế nước mặn để phát triển chứ không thể mãi chạy theo năng suất, mở rộng diện tích trồng lúa và xem nước mặn là kẻ thù.

Mô hình lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt của anh Nguyễn Văn Minh ở Vĩnh Long.

NDĐT - Trước thực trạng Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp gây nên hạn mặn tại vựa lúa lớn nhất nước, các nhà khoa học cho rằng đã đến lúc thay đổi tư duy sản xuất; khai thác lợi thế nước mặn để phát triển chứ không thể mãi chạy theo năng suất, mở rộng diện tích trồng lúa và xem nước mặn là kẻ thù.

Bình tĩnh ứng phó

Trong những ngày qua, mặc dù nước mặn bủa quây cù lao Dài thuộc hai xã Thanh Bình và Quới Thiện của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nhưng người dân nơi đây vẫn bình tĩnh ứng phó với hạn mặn. Ông Bùi Văn Xuân, ấp Thanh Phong, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm hớp ngụm trà vừa kể: Năm nay tuy có mặn hơn năm 2016 rất nhiều, nhưng người dân ở đây rất bình tĩnh. Nhớ năm đó, ngay dịp Tết Nguyên đán, nước mặn tràn lên bất ngờ, không ai biết nên đã dùng nước tưới cây khiến hàng loạt cây đặc sản nơi đây, nhất là sầu riêng và bưởi da xanh bị cháy lá, sau đó chết hàng loạt. Gia đình tôi trồng 10 công bưởi thì đã có đến 70% bị thiệt hại, từ thu hoạch hàng chục triệu/tháng xuống còn vài triệu đồng/tháng nên gặp rất nhiều khó khăn. “Năm nay khác hẳn, nhờ tất cả đã có chủ động, hằng ngày nhờ có hệ thống nhắn tin SMS hoặc mạng xã hội, nông dân được cập nhật thường xuyên nên chủ động được việc vận hành cống bộng của gia đình để trữ nước tưới cây. Ngoài hệ thống đê bao trong vườn ổn định, chúng tôi còn sắm thêm hệ thống chứa nước bằng tấm bạt dày và có thể tích hàng chục mét khối để trữ nước nên rất yên tâm.

Còn anh Nguyễn Văn Minh, ngụ ấp Cái Dứa, xã Thanh Bình cho biết, từ mùa khô năm 2015, anh đã chủ động đào một ao rất to cạnh nhà để dự trữ nước ngọt lên đến gần 300 khối nước để phục vụ tưới tiêu cho 10 công vườn sầu riêng của gia đình. Năm 2016, nhiều người bị thiệt hại nặng do mặn, riêng gia đình tôi không hề bị gì. Sau năm 2016, nhận thấy tình hình xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt hơn, anh Minh đã mạnh dạn mua hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt với giá 800 triệu đồng để chủ động hơn trong việc tưới tiêu. “Với hệ thống này, máy lọc được những loại nước rất ô nhiễm cũng trở nên tinh khiết uống được nên việc tưới cây hay sinh hoạt gia đình là khỏi phải lo. Từ đó, gia đình chúng tôi vẫn bình tĩnh, tự tin khi hạn mặn đến mức độ nào. Với hệ thống này, gia đình chúng tôi sẽ thích ứng với hạn mặn mà không cần phải lo lắng gì”, anh Minh chia sẻ.

Và vẫn có nước ngọt tưới tiêu, sinh hoạt trong thời gian bị nước mặn xâm nhập.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Hồ Văn Trọn cho biết, nhờ chủ động được hệ thông tin và đê bao tương đối khép kín nên việc sống chung với nước mặn đã được người dân thực hiện tốt. Tổng diện tích cây ăn trái của xã Thanh Bình hơn 1.187 ha. Trong đó có hơn 400 ha trồng sầu riêng và hơn 658 ha trồng bưởi. Mấy tháng nay, xã Thanh Bình là xã cù lao đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long bị nước mặn bủa vây. Người dân chúng tôi vẫn chủ động được trong sinh hoạt cũng như trong việc tưới tiêu cây ăn trái của gia đình mình.

Để bảo vệ hơn 35 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ triều cường biển Tây, các địa phương trong tỉnh Hậu Giang theo dõi độ mặn thường xuyên và vận hành các công trình cống, đắp đập thời vụ kịp thời để ngăn mặn. Tại Vị Thanh đã tiến hành đóng 20 cống ngầm và sáu cống hở dọc theo tuyến sông Nước Đục và sông Cái Lớn, nơi có nồng độ mặn tăng nhanh trong những ngày qua. Bên cạnh đó, cũng tổ chức rà soát và sửa chữa nhiều đập thời vụ để sẵn sàng đắp lại khi có mặn vượt mức 1,5 phần nghìn. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết, đã đóng 10/21 cống bằng sắt ở các đầu kênh khi có độ mặn vượt mức 1,5 phần nghìn, đồng thời đắp 74 đập thời vụ và vận hành đóng tất cả các cống trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh. “Việc đóng các cống và đắp đập thời vụ được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của UBND tỉnh là mặn đến đâu thì thực hiện đến đó. Mặt khác, hằng ngày đều có cử cán bộ chuyên môn thực hiện việc đo mặn tại các điểm chính và nhiều điểm phụ khác, sau đó tiến hành thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh kịp thời. Tránh tình trạng người dân không biết và sử dụng nguồn nước có nồng độ mặn cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt”, ông Việt nói.

Hầu hết các cống đều được đóng kín để ngăn xâm nhập mặn.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang: Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có ba hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng là đê bao Ô Môn - Xà No; hệ thống cống Nam Xà No; đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh với tổng số 100 cống hở, 11 cống tròn. Trong đó, tuyến đê bao Ô Môn - Xà No gồm 55 cống hở và một cống tròn, hệ thống cống Nam Xà No 16 cống hở, đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh 29 cống hở, 10 cống tròn. Tỉnh đã thành lập được năm tổ công nhân quản lý cống với 39 công nhân trực tiếp quản lý vận hành. Hiện nay, tỉnh đang tiếp nhận thêm 20 công nhân nữa để tiếp tục quản lý, vận hành những cống mới thuộc Nam Xà No và đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh.

Chuyển đổi mô hình thuận thiên

Nhiều tỉnh rà soát, gia cố các đê, đập để ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Một trong những mô hình ứng phó với hạn, mặn được triển khai và đem lại hiệu quả cao trong thời gian qua tại Bạc Liêu là mô hình tưới ướt khô xen kẽ. Đây là mô hình được ngành chức năng và Dự án GIZ triển khai nhiều năm trên địa bàn tỉnh. Điển hình như mô hình đã được áp dụng tại HTX Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu trên diện tích gần 55 ha. Giám đốc HTX Nam Nguyễn Hoàng Hương phấn khởi cho biết, áp dụng mô hình này, một vụ lúa được ngắt nước từ ba đến bốn lần và khi bơm nước vào ruộng nước chỉ cần ngập 5 cm, thay vì phải từ 10 đến 20 cm như trước đây. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Minh Thắng, xã viên HTX Nam Hưng. “Trước đây, gia đình tôi đầu tư chi phí từ 22 đến 23 triệu đồng/ha, nhưng từ khi áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”, chi phí giảm xuống còn khoảng 17 triệu đồng/ha. Năng suất từ 6 đến 7 tấn/ha tăng lên 10 tấn/ha, lợi nhuận áp dụng mô hình tăng lên hơn 5 triệu đồng/ha. Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều hộ cũng áp dụng mô hình này đem lại hiệu quả cao”, ông Thắng quả quyết.

Theo kỹ sư Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu, mô hình tưới ướt khô xen kẽ giảm từ 20 đến 30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng tới năng suất. Ngoài ra, khi áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”, giai đoạn khô (cây lúa ở thời điểm 30 đến 40 ngày sau gieo sạ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa ăn sâu vào đất và hút dinh dưỡng. Cây lúa có bộ rễ khỏe, thân cứng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và giảm tỷ lệ đổ ngã. Việc áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ” kết hợp với chương trình “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”…, lợi nhuận không chỉ tăng thêm từ 5 đến 7 triệu đồng/ha, đây còn là mô hình thích ứng trong điều kiện thiếu nước ngọt khi đối đầu với hạn, mặn…

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, đề cao việc thích nghi với biến đổi khí hậu gắn với cây trồng, vật nuôi và cơ cấu mùa vụ hợp lý. Và mô hình trồng lúa xen canh với nuôi tôm đã được nghiên cứu từ lâu và Cà Mau là địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình này. Vì thế, mô hình tôm-lúa phù hợp cho phát triển lâu dài ở vùng bán đảo Cà Mau.

Cà Mau có khoảng 40 nghìn ha canh tác mô hình lúa-tôm, trong đó có khoảng 50% diện tích tập trung ở Thới Bình – địa phương sắp về đích huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Nhuận, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình cho biết, thực hiện khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, vụ lúa trên đất nuôi tôm vừa qua, gia đình ông trồng giống ST 21, thu hoạch năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, được bao tiêu đầu ra với giá hơn 7.000 đồng/kg. “Loại giống ST thời gian sinh trưởng ngắn, nên khi nước mặn về gia đình tôi đã thu hoạch xong vụ lúa, không bị ảnh hưởng”, ông Nhuận chia sẻ.

Ông Hà Minh Sữa, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực cho biết, nhờ liên kết “bốn nhà” mà đến cuối năm 2018, nông dân toàn xã hoàn thành xong việc chuyển đổi các giống lúa mùa địa phương, giống dài ngày sang các giống có gốc “ST” và lúa hữu cơ, thời gian sinh trưởng ngắn. “Nông dân 5/5 ấp của xã cũng tham gia vào các hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp ký bao tiêu toàn bộ đầu ra. Nhờ đó mà hạn-mặn dù có đến sớm cũng không phương hại đến sản xuất của người dân”, ông Sữa khẳng định.

Nhóm PVTT ĐBSCL

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43713502-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-de-thich-ung.html