Chuyện điều trị và dùng VĐV sau chấn thương của Thái Lan, Việt Nam

Thể thao Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn trên hành trình tìm kiếm vé tham dự Olympic. Lúc này, thể thao Việt Nam càng nhận ra tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học vào hỗ trợ, điều trị cho VĐV. Đây là điều Việt Nam còn thua kém rất nhiều quốc gia trong khu vực.

VĐV cần những quãng nghỉ

Tại vòng loại 1 Olympic Paris môn Boxing, Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trên hành trình bước ra thế giới. Ở chiều ngược lại, Thái Lan đã có thành công nhất định. Họ có 4 vé trực tiếp tham dự Thế vận hội từ ASIAD, đồng thời sớm có chiến thắng đầu tay ở vòng loại 1 Olympic lần này.

Vận động viên Jakkapong được nghỉ ngơi 8 tháng để điều trị dứt điểm chấn thương trước khi dự vòng loại Olympic.

Một trong những võ sĩ mang về chiến thắng ấn tượng nhất cho Boxing Thái Lan ở vòng loại Olympic là Jakkapong Yomkhot. Trước một đối thủ kỳ cựu người Kyrgyzstan, Jakkapong đã thắng một cách đầy thuyết phục. Kết quả này càng có nhiều ý nghĩa hơn với Jakkapong vì anh mới trở lại sau chấn thương.

Ở tuổi 28, Jakkapong được xem là một trong những võ sĩ xuất sắc nhất của Boxing Thái Lan thời điểm hiện tại. Anh đã vô địch 2 kỳ SEA Games liên tiếp, đồng thời vô địch giải Boxing châu Á 2022. Anh chỉ lỡ kỳ ASIAD 19 vì gặp chấn thương rất nặng trong quá trình tập luyện hồi tháng 7 năm ngoái.

Thể thao Thái Lan nói chung, và đội tuyển Boxing của quốc gia này đã làm gì khi biết tin Jakkapong gặp chấn thương? Việc đầu tiên họ làm là chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của chấn thương anh gặp. Jakkapong bị đau vai ở mức độ rất nặng, không thể thi đấu ở phong độ cao nhất.

Với nhiều đội tuyển thể thao, để nuôi hy vọng đảm bảo thành tích, họ có thể "chữa gấp" cho Jakkapong và để anh thi đấu. Cách làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến chấn thương nghiêm trọng hơn trong tương lai. Vì thế, Jakkapong được phép nghỉ ngơi, điều trị dài ngày để hướng đến Olympic.

Sau ASIAD 19, các đội tuyển thể thao Thái Lan từng phải nhận chỉ trích vì số HCV giành được thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Nhưng ngay trong bối cảnh khó khăn đó, họ vẫn nhận thức rất rõ về việc sử dụng VĐV sao cho hợp lý. Mọi quyết định cần dựa trên lợi ích của VĐV và cả nền thể thao.

Chiến thắng của Jakkapong tại vòng loại Olympic, vì thế, cho thấy Thái Lan đã đúng khi cho anh thêm thời gian điều trị. Anh được chăm sóc bởi các bác sĩ tốt nhất, đồng thời đảm bảo về mặt đãi ngộ để có thể yên tâm hồi phục. Những VĐV như Jakkapong cần có thời gian nghỉ ngơi để hướng đến kết quả tốt hơn, thay vì liên tục căng mình tranh đấu.

Đáng chú ý hơn, những gì Jakkapong nhận được không phải là biệt đãi. Những VĐV khác cũng được chăm sóc theo cách tương tự. Khi đến Thái Lan tập huấn, VĐV Việt Nam đều cảm thấy ghen tị khi đồng nghiệp bản xứ có nhiều HLV, trợ lý hỗ trợ. Đó là điều phần lớn các đội thể thao Việt Nam chưa làm được.

Chuyện của Huy Hoàng

Cuối năm 2023, VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng không tham dự giải bơi vô địch quốc gia để điều trị dứt điểm chấn thương. Đây là một phần trong kế hoạch của đội tuyển bơi Việt Nam, nhằm giúp Huy Hoàng có thể trạng tốt nhất hướng đến giải bơi vô địch thế giới 2024. Nếu đạt phong độ cao nhất, Huy Hoàng có thể lấy thêm một suất chuẩn A Olympic.

Những gì Huy Hoàng và các thành viên đội tuyển bơi Việt Nam làm được tại giải vô địch thế giới vừa qua đã đạt dưới mức kỳ vọng. Việt Nam không có VĐV nào vượt qua vòng đấu loại của giải. Với cá nhân Huy Hoàng, thành tích cá nhân của anh cũng kém hơn nhiều trước đây. Huy Hoàng bơi chậm hơn 10-15 giây ở mỗi nội dung so với ASIAD 19.

Từ những gì Huy Hoàng thể hiện, có thể thấy anh chưa đạt mức phong độ vốn có. VĐV này cũng không có điểm rơi phong độ tốt ở một giải đấu anh kỳ vọng có thể giành suất tham dự Olympic thứ hai. Xét về mặt lý thuyết, Huy Hoàng cần được nghỉ ngơi, dành sức hướng đến những đấu trường quan trọng trong năm 2024. Nhưng anh lại không được phép làm như vậy.

Không lâu sau khi giải vô địch thế giới khép lại, Huy Hoàng và nhiều tuyển thủ khác bước vào một giải đấu có mức độ quan trọng và chất lượng chuyên môn thấp hơn nhiều: Giải bơi vô địch các nhóm tuổi châu Á. Với những đối thủ thua kém mình rất nhiều về đẳng cấp, tuyển bơi Việt Nam đã gặt hái một cơn "mưa vàng". Huy Hoàng thậm chí còn phá sâu kỷ lục giải.

Giữa 1 tấm vé Olympic và 10 kỷ lục giải bơi các nhóm tuổi châu Á, mục tiêu nào quan trọng hơn? Hẳn mỗi người đều có chung đáp án. Huy Hoàng cũng biết anh thực sự cần điều gì vào lúc này, nhưng anh không có lựa chọn khác. Bù lại, những kết quả rất bình thường của Huy Hoàng được gắn mác phá kỷ lục giải đấu, thậm chí bị hiểu nhầm là phá kỷ lục châu Á.

Sau thế hệ Quý Phước, Ánh Viên, Huy Hoàng được đánh giá là VĐV hiếm hoi của bơi Việt Nam đủ sức vươn ra thế giới. Nhưng kể từ tấm HCB ASIAD 2018, thông số và thành tích của Huy Hoàng tại những sân chơi lớn ngày càng thiếu ấn tượng. Từ một VĐV đặt mục tiêu lọt vào vòng chung kết Olympic, Huy Hoàng hiện có những thông số cách rất xa đích ngắm đó.

"Thể thao Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào VĐV". Đó là nhận xét chua chát của ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT sau khi chứng kiến thành tích tại ASIAD 19. Nhưng sau khi người đứng đầu ngành thể thao lên tiếng, mọi thứ dường như không khác. VĐV vẫn thi đấu quá tải, vẫn thi đấu với những chấn thương, và chịu chỉ trích khi thành tích không như ý.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/chuyen-dieu-tri-va-dung-vdv-sau-chan-thuong-cua-thai-lan-viet-nam-i724839/