Chuyện của người thầy tạo mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh

40 năm qua, ông Trần Duyên Hải gắn bó hàng ngày với những mảnh đời bất hạnh, trẻ em sống lang thang, bụi đời đường phố. Nhờ sự giúp đỡ của ông, biết bao mảnh đời bất hạnh đã được 'xây' lại, tìm cách hoàn lương, tránh xa được những cạm bẫy, tệ nạn xã hội và sống có ích hơn.

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Chúng tôi gặp ông Trần Duyên Hải tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật Việt Nam trong con ngõ nhỏ ở phường Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội) khi ông đang tận tình chỉ dạy những đường kim mũi chỉ cho các em học viên. Mặc dù, đã gần 80 tuổi nhưng nhiệt huyết muốn đóng góp công sức, giúp đỡ các em nhỏ, những phận đời khó khăn trong ông vẫn vẹn nguyên như thời còn trai trẻ.

Ông vốn sinh ra trong một gia đình giàu có ở xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Bố mẹ ông nổi tiếng buôn bán giỏi và giàu có, nhưng không vì thế mà ông xa lánh, khinh miệt người nghèo. Ông không bao giờ quên hình ảnh những người đói ăn vật vờ khắp các ngả đường, xó chợ.

Học trò của ông Hải đa phần là trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật nhưng các em đều có nghị lực vươn lên (Ảnh: Nguyễn Hoa)

“Năm ấy, tôi mới được chừng 8,9 tuổi ở Thái Bình rất nhiều người chết đói, họ kéo nhau sang ăn xin rất đông, bởi quê tôi có chợ Gò, người dân buôn bán rất tấp nập. Dân làng thấy vậy, nhà nào cũng đóng cổng, đóng cửa thật chặt. Họ đói quá, gõ cửa xin ăn, nhưng ít nhà cho. Hồi đó, bố mẹ đi vắng, tôi ở trong nhà thò tay qua cái lỗ nhỏ ở cổng cho họ nắm cơm, bát gạo. Có lần, tôi lấy tiền của bố mẹ chia cho họ.

Nhưng không ngờ, khoảng hai chục năm sau, có một gia đình ở Thái Bình, tìm đến đúng địa chỉ nhà tôi để cảm ơn mấy đồng bạc tôi cho đã cứu sống gia đình họ. Lúc đấy, bố mẹ tôi mới ngớ người ra vì con mình đã từng lấy tiền của nhà đem cho người khác. Trong cả cuộc đời tôi, từ khi nhỏ cho tới bây giờ, đã hai lần tôi đi “ăn trộm”, một lần trộm tiền của bố mẹ khi còn nhỏ, lần hai là trộm tiền của vợ để chia cho người nghèo khổ sở”, ông Hải hồi tưởng lại.

Trước kia ông dạy học ở trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội, mỗi khi rảnh rỗi ông đạp xe lên khu Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân. Nhìn thấy cảnh nhiều trẻ em lang thang bán bánh mì, đồ ăn, thậm chí trộm cắp vặt... ông không cầm được nước mắt. Mặc dù tiền lương ít ỏi nhưng lần nào gặp các em là ông đều cho tiền hoặc mua đồ ăn.

Ông Hải luôn yêu quý, xem học trò như các con của mình (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Hình ảnh trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, đói rách, gầy gò, tím tái lúc nào cũng ẩn hiện trong đầu khiến ông trăn trở làm sao cho các em có việc làm, chỗ ăn, chỗ ngủ,...

Tới năm 1978 ông Hải quyết định đi “nhặt”, gom các em lại thành lớp để đào tạo nghề. Nhiều người khi thấy ông cưu mang và tạo công ăn việc làm cho trẻ em lang thang bụi đời, ăn xin, ăn cắp đã khuyên ông nên tránh xa công việc đó.

Không ít người cho rằng ông bao đồng, việc nhà không lo, lo việc thiên hạ, ngay chính vợ ông cũng nhiều lần can ngăn ông làm việc đó. Đã không ít lần, ông bị công an quận gọi lên chất vấn về việc tụ tập trẻ em vô gia cư. Hơn ai hết, ông Hải hiểu rõ bản chất của các em không xấu mà do hoàn cảnh xô đẩy nên vẫn cưu mang các em.

Nguyện gắn bó với trẻ cơ nhỡ đến khi “xuôi tay”

Hiểu và cảm thương trước những mảnh đời bất hạnh, năm 1983, ông Hải xin nghỉ việc ở trường, quyết định mở xưởng may từ thiện để dạy nghề cho đám trẻ khuyết tật. Ông mua vài cái máy khâu, thuê một căn phòng nhỏ làm chỗ dạy nghề và ăn ở cho các em.

Ông vốn biết nghề may nên đứng ra trực tiếp dạy nghề may cho lũ trẻ. Dần dần, số học viên tìm đến lớp học may của ông tăng lên 10 đến 20 em. Em nào học nghề xong ông lại xin việc làm tại một số xưởng may nhỏ trên thành phố.

Bằng sự quyết tâm, cố gắng của mình, đến năm 2000 ông Hải đã thành lập được Trung tâm Dạy nghề nhân đạo đào tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật. Ở Trung tâm nhân đạo này, tất cả các em đều gọi ông Hải là “thầy” bởi ông không chỉ là người thầy dạy nghề mà còn dìu dắt, dạy bảo đám trẻ những bài học làm người.

Có những em gắn bó 3 năm tại Trung tâm, nơi đây trở thành ngôi nhà của các em (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Với ông Hải, ở các em luôn có một khát khao, một nghị lực vượt lên số phận, chỉ cần có cơ hội họ sẽ đủ khả năng để phát triển. Theo ông, dạy trẻ em bình thường đã khó, đối với trẻ khuyết tật càng khó gấp nhiều lần. Các em rất dễ bị tổn thương, hay bị kích động và có nội tâm không ổn định. Ông bảo: “Cáu gắt với các cháu không mang lại hiệu quả, vì thế tôi thường xuyên động viên khuyên các cháu gắng chăm chỉ học hỏi có cái nghề để kiếm sống”.

Khó khăn là vậy, thế nhưng 40 năm nay ông Hải vẫn cần mẫn, kiên trì, nhẫn nại và không bao giờ cho phép mình nản chí. Rất nhiều thế hệ học trò được ông dạy nghề đã trở về địa phương lập nghiệp mở tiệm áo cưới, xưởng may thậm chí có những thế hệ học trò làm giám đốc công ty may mặc có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.

Giờ đây, dù đã tạo được cần câu cơm cho các em nhưng ông Hải vẫn ấp ủ dự định xây một khu nhà ở rộng chừng 5000m2, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng khuyết tật có chỗ ở để sinh sống tại Thủ đô vì ông hiểu rằng nếu về quê, họ sẽ thất nghiệp. “Bây giờ, nhìn thấy các cháu làm việc thành thạo thu nhập ổn định hàng tháng, có chồng con, cuộc sống ổn định hạnh phúc tôi cũng thấy ấm lòng, mát dạ. Tôi sẽ cố gắng để giúp đỡ được nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn hơn”, ông Hải chia sẻ.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-cua-nguoi-thay-tao-mai-am-cho-nhung-manh-doi-bat-hanh-81592.html