Chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công

Quý I/2024, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt 13,9% kế hoạch vốn năm 2024, tăng 3,7% so với quý I/2023. Con số này đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ tháng đầu năm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 1/1/2024 và Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình hạ tầng giao thông, tập trung đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Đầu tư công có vai trò quan trọng, là động lực then chốt để kích thích tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: CTV

Ngay từ những tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã xác định nhiệm vụ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần nỗ lực tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu đảm bảo thực hiện và giải ngân đạt trên 95% kế hoạch được giao. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung chỉ đạo, phân giao sớm kế hoạch vốn đầu tư công 2024 được phê duyệt đến từng dự án, công trình nhằm đảm bảo các dự án đủ điều kiện sẽ thực hiện ngay trong những tháng đầu năm 2024.

Cùng với đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án kịp thời tập trung triển khai thực hiện các dự án/công trình được giao kế hoạch vốn năm 2024; đặc biệt là các dự án chuyển tiếp, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, các tháng đầu năm còn tập trung vào việc phân giao kế hoạch vốn, cũng như có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời còn một số vướng mắc khó khăn, đặc biệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Các yếu tố này đã tác động nhất định, làm chậm tiến độ thực hiện nguồn vốn đầu tư công trong các tháng đầu năm của quý I hàng năm.

Quý I/2024, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt 13,9% số kế hoạch vốn 2024, tăng 3,7% so với quý I/2023 (trong khi kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 bằng 96,3% kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023), đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm 2024 (quý 1/2023 đạt 12,9% kế hoạch).

Quý I/2024, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt 13,9% số kế hoạch vốn 2024, tăng 3,7% so với quý I/2023.

Theo Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 2/2024 trên 53.064 tỷ đồng, đạt 7,65% tổng kế hoạch vốn. Ước thanh toán đến hết tháng 3/2024 trên 89.874 tỷ đồng, đạt 12,96% tổng kế hoạch; đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ đạt 9,69% tổng kế hoạch và 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Có 4 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.

Về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của các dự án trọng điểm quốc gia, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 2/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải là trên 7.332 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,3% kế hoạch năm 2024 được giao (trên 88.032 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 6.459 tỷ đồng, đạt 10,4%; vốn ngân sách địa phương gần 880 tỷ đồng, đạt 8,4%.

Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đầu tư công là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năm nay, cả nước dành 657 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công; nếu giải ngân hết nguồn vốn này, GDP sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công…

PGS-TS Phan Thế Công, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại cũng cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, đầu tư công có vai trò quan trọng, là động lực then chốt để kích thích tăng trưởng kinh tế, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, vừa tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, bổ sung thêm một nguồn vốn lớn cho nền kinh tế, đảm bảo vốn đầu tư công tiếp tục là vốn mồi để thu hút các nguồn lực đầu tư, đồng thời gia tăng nội lực của nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức. Trong ngắn và trung hạn (dựa vào tốc độ giải ngân vốn), khi vốn đầu tư công đi vào thực hiện sẽ tác động trực tiếp đến các ngành xây dựng, vận tải, sản xuất xi măng, sắt, thép, gạch ngói... Theo tính toán từ bảng IO của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công tăng 1% sẽ làm GDP tăng khoảng 0,08%.

Trân Trân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/chuyen-bien-tich-cuc-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i727037/