Chương trình ổn định dân cư, di dân: Cần chính sách cụ thể
(HNM) - Sau 3 năm triển khai Quyết định 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình ổn định dân cư, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế di cư tự do, vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế chính sách. Tuy nhiên, mục tiêu cần làm rõ là "ôn định dân cư nơi ở mới phải hơn hẳn nơi ở cũ", đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị ngày 18-9-2009.
Hiệu quả đã rõ Bản mới định cư phục vụ di dân công trình thủy điện Sơn La khu vực Chợ Mới, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, việc thực hiện Quyết định 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình bố trí dân cư, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do... giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020" đã góp phần quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, song chương trình đã bố trí thực hiện xen ghép giữa thôn, bản với các chương trình có sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể; nhờ vậy chương trình thực hiện vượt mức kế hoạch cả về thời gian và số lượng hộ cần được bố trí, sắp xếp. Trong tổng số 89.414 hộ dân cư được bố trí đến nơi ở mới, trong đó có 7.860 hộ dân cư thuộc vùng biên giới, hải đảo, 57.725 hộ vùng thường gặp thiên tai, 14.637 hộ vùng đặc biệt khó khăn... Từ nguồn vốn của chương trình, các cơ sở đã xây dựng được 1.365km đường giao thông nông thôn, 85 cầu, cống, 167 hệ thống thoát nước sinh hoạt và 1.529 giếng, bể nước, 157 công trình thủy lợi… Quá trình thực hiện, một số tỉnh đã huy động thêm nguồn vốn đầu tư, tiêu biểu là TP Hải Phòng, tỉnh Bình Thuận... đã sử dụng kinh phí đấu giá một số lô đất ở trong khu tái định cư cho dự án. Tỉnh Quảng Trị hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ vùng ngập lũ, lồng ghép nguồn vốn của chương trình dự án khác để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, trong 3 năm qua Bộ đã xây dựng 22 khu kinh tế quốc phòng, đầu tư hơn 442 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng và 60 tỷ đồng phục vụ di dân. Đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, 16 mô hình Làng thanh niên lập nghiệp đã thu hút 1.283 hộ gia đình trẻ, trong đó sắp xếp, bố trí tại chỗ cho 612 hộ và giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Nguồn vốn còn hạn chế Điều băn khoăn mà đại biểu các tỉnh, thành phố quan tâm đó là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho các dự án ổn định dân di cư tự do trong những năm qua còn hạn chế. Hiện mới có 45 dự án của các tỉnh được thẩm định phê duyệt với tổng số vốn hơn 902 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 716 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2008 mới bố trí hơn 67 tỷ đồng (bằng 9,4% nhu cầu). Việc bố trí nguồn vốn còn dàn trải, chưa hợp lý, như tỉnh Lào Cai có tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng hỗ trợ cho 15 điểm bố trí dân cư, tỉnh Hà Tĩnh đầu tư 9 tỷ đồng bố trí cho 9 dự án do vậy tiến độ thực hiện dự án kéo dài, chưa chuẩn bị kịp khu, điểm tái định cư để di chuyển dân đến, nhất là đối với các hộ có nguy cơ cao về thiên tai cần di dời cấp bách dân cư. Việc huy động, cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác ở một số tỉnh miền núi Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Lai Châu... còn hạn chế, chủ yếu vẫn trông chờ ngân sách trung ương. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách trung ương trong 3 năm mới bố trí được 2.011 tỷ đồng/tổng vốn 3.800 tỷ đồng (52,9% nhu cầu). Đáng bàn là quá trình triển khai chương trình còn bộc lộ hạn chế, việc xây dựng các chính sách còn chậm, chưa cụ thể, thiếu đồng bộ. Vấn đề di cư tự do khá phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề cần giải quyết như hộ tịch, việc làm, bảo vệ rừng... nên Nhà nước cần có chính sách cụ thể đối với địa phương có dân di cư đi, gắn trách nhiệm với địa phương nơi có dân đến. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kết luận: Để chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg đạt hiệu quả, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân ở các vùng di cư tự do hiểu rõ mục tiêu "ổn định dân cư nơi ở mới phải hơn hẳn nơi ở cũ". Đề nghị Nhà nước có chính sách ưu tiên hỗ trợ dân ra khỏi vùng sạt lở mưa lũ... đe dọa sinh mạng, vùng khó khăn, biên giới hải đảo... Mục tiêu của chương trình bố trí dân cư đến năm 2015 phải sắp xếp ổn định cho 279.906 hộ, trong đó có 115.725 hộ vùng thiên tai, 84.436 hộ vùng đặc biệt khó khăn, 36.933 hộ vùng biên giới, 9.097 hộ vùng rừng và ổn định cho 8.158 hộ di cư tự do... Những khó khăn về vốn, công tác quy hoạch, cơ chế chính sách đề nghị các ngành cần có giải pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt cần có cơ chế đặc thù từng vùng tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai hiệu quả. Hoài Thanh
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/42/220524/