Chương trình giáo dục phổ thông mới: Vẫn lo chất lượng giáo viên

Nhiều địa phương vẫn còn lo ngại chất lượng giáo viên để đáp ứng yêu cầu của Chương trình, giáo dục phổ thông mới.

Đội ngũ giáo viên còn yếu và thiếu

Định hướng chung của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Theo đó, học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Học sinh được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh được chú trọng. Cùng đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết học không quá 35 phút…

Giáo viên đóng vai trò then chốt trong sự "thành, bại" của CTGDPTM. Ảnh: Trude.

Giáo viên đóng vai trò then chốt trong sự "thành, bại" của CTGDPTM. Ảnh: Trude.

Toàn quốc dự kiến năm học 2020 - 2021 sẽ có khoảng 63.500 lớp 1. Như vậy, bên cạnh sự tích cực của ngành GD-ĐT, các địa phương cũng cần chủ động thực hiện bồi dưỡng giáo viên bằng ngân sách địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này phần lớn giáo viên vẫn đang lúng túng vì thời gian triển khai đã cận kề nhưng chưa biết sẽ dạy bộ sách giáo khoa (SGK) mới nào?!.

Thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu (Lào Cai) cho biết: Để thực hiện CTGDPTM, việc tập huấn cho đội ngũ từ quản lý đến giáo viên là tất yếu và không thể xem nhẹ. Hơn thế, trình độ năng lực của giáo viên vùng sâu đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều giáo viên đã vào nghề 15 - 20 năm, sự tiếp nhận có hạn, đã quen với kiểu giảng dạy cũ. Nếu việc tập huấn không cụ thể sẽ khó để thay đổi được tư duy và phương pháp dạy học truyền thống.

Để triển khai CTGDPTM nhiều địa phương đã lên kế hoạch tuyển nhiều giáo viên dạy CTGDPTM. Lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị đội ngũ để thực hiện theo lộ trình đặt ra. Tháng 11/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành quyết định tuyển nhiều giáo viên dạy CTGDPTM. Theo đó, ở thời điểm này, phải tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên của từng môn học, lớp học, cấp học theo các giai đoạn: Giai đoạn 1 từ nay đến tháng 11/2019: Tuyển dụng bổ sung giáo viên chuẩn bị phục vụ giảng dạy CTGDPTM ở cấp tiểu học, trung học cơ sở; Giai đoạn 2 từ tháng 12/2019 - tháng 6/2020: Hoàn thành việc tuyển dụng bổ sung giáo viên phục vụ giảng dạy CTGDPT năm 2018 ở cấp tiểu học, trung học cơ sở; Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1; Giai đoạn 3 từ tháng 7/2020 - tháng 6/2021: Triển khai áp dụng đại trà toàn thành phố chương trình mới, sách giáo khoa mới cho lớp 1…

Theo Bộ GD-ĐT, từ tháng 3 - 5/2020, các sở GD-ĐT phối hợp NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai CTGDPTM đối với lớp 1. Từ tháng 3 - 8/2020, các nhà trường tập huấn, nhà xuất bản triển khai chương trình in ấn và xuất bản. Các bộ sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020 - 2021.

Nếu giáo viên không đổi mới thì không thể thành công

Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng CTGDPTM là vấn đề cần triển khai ngay trong thời điểm hiện nay. Cuối tháng 10 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức đợt 1 khóa bồi dưỡng CTGDPTM cho 1.870 giáo viên cốt cán của 10 tỉnh thành phía Bắc. Đây là một trong nhiều lớp đã được 8 trường đại học sư phạm trọng điểm triển khai trên cả nước, với mục tiêu tập huấn cho 28.000 giáo viên cốt cán các trường phổ thông.

Nội dung của khóa bồi dưỡng, ngoài giới thiệu chương trình tổng thể, chương trình các môn học của CTGDPTM, giáo viên cốt cán sẽ được tập trung tìm hiểu, hướng dẫn những phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Tham dự khóa bồi dưỡng này, các giáo viên cốt cán ngoài tích lũy các bài học và kinh nghiệm cho bản thân còn có nhiệm vụ trở về địa phương để hướng dẫn giáo viên đại trà cùng triển khai tốt CTGDPTM.

Trao đổi với 1.024 giáo viên phổ thông cốt cán tham gia lớp bồi dưỡng tại cơ sở chính của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ này trong sự thành bại của sự nghiệp đổi mới GD-ĐT.

“Giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục nên nếu tinh thần đổi mới chỉ đi từ Bộ GD-ĐT đến các Sở/Phòng GD-ĐT, các hiệu trưởng trường phổ thông mà không tới được các giáo viên thì sự đổi mới sẽ không thể thành công. Nếu giáo viên không triển khai đổi mới thì tất cả ý tưởng và giải pháp mà Bộ, Sở/Phòng đề ra cho một nền giáo dục mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học sẽ không hiệu quả..” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và các trường Sư phạm trọng điểm được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cho CTGDPTM cần bố trí giảng viên có chất lượng tốt để “đứng lớp” các khóa bồi dưỡng này...

Tuy nhiên, theo thầy Phùng Thế Tùng, việc tập huấn giáo viên càng cụ thể trên SGK thì giáo viên càng dễ tiếp nhận và truyền tải tốt nhất trong quá trình triển khai CTGDPTM. Vì thế, thầy mong muốn dạy bộ SGK nào thì tập huấn theo bộ sách đó. Nếu tập huấn chỉ chú trọng vào kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích hợp, phát triển năng lực người học… nhưng không dựa trên SGK cụ thể thì giáo viên vẫn khó tiếp nhận.../.

Thu Hằng/Báo TNVN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-van-lo-chat-luong-giao-vien-989381.vov