Chúng tôi sẽ là những người truyền lửa và khích lệ sáng tạo

Có ý kiến cho rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) như là một cuộc chuyển giao thế hệ với một Ban Chấp hành (BCH) mới trẻ trung, năng động và đầy hứa hẹn. Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về những bước đi sắp tới của Hội.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cảm giác của ông có gì đặc biệt khi được bầu vào ngôi vị cao nhất của một hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp nhận được sự quan tâm rộng lớn của nhiều cấp quản lý và của đông đảo độc giả quan tâm tới văn học Việt Nam?

- Theo như nhiều người nhận xét, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam khóa X là một đại hội gọn ghẽ, trôi chảy và không có vấn đề phức tạp đặt ra, dù văn chương có nhiều điều cần phải bàn luận. Điều quan trọng là Đại hội đã chuyển giao được một thế hệ cũ sang thế hệ mới. Có nhiều người hỏi tôi rằng Đại hội năm nay đã bầu ra được những người trẻ phải không? Tôi trả lời, chúng tôi không trẻ nữa vì trong số đó có 1/3 là người già. Trên 60 tuổi được coi là già thì trong đó có 3 người: Tôi 63 tuổi, nhà thơ Trần Đăng Khoa 62 tuổi và nhà văn Khuất Quang Thụy 70 tuổi. Số còn lại năng động, trẻ trung và họ có uy tín văn chương nhất định trên văn đàn. Và tôi cho rằng, cho dù đổi mới như thế nào, thật tuyệt vời hay chưa tuyệt vời thì điều quan trọng nhất là phải mang lại một năng lượng mới, cảm hứng mới vào trong từng công việc của Hội, lắng nghe, tôn trọng, lý giải, thấu hiểu và công bằng đối với tất cả các hội viên và với văn chương.

- Câu chuyện thường kỳ được quan tâm của Hội Nhà văn Việt Nam là các giải thưởng. Lâu nay có những tập sách được trao giải thưởng nhưng hiệu ứng từ những đầu sách ấy truyền tới đông đảo độc giả chưa sâu rộng. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

- Dù BCH Hội Nhà văn có nhiều người tài giỏi đến đâu thì về mặt tác phẩm và văn chương cũng chỉ có thể khích lệ tác giả chứ không thể làm thay các nhà văn, không thể quyết định được tài năng hay việc một cuốn sách hay hoặc dở. BCH là nơi tạo ra cảm hứng để các nhà văn được kêu gọi, được khích lệ và gợi cảm hứng sáng tạo cùng tiềm năng ẩn giấu trong mỗi nhà văn để họ có thể xuất hiện với những điều mới mẻ.

Từng có nhiều người vẫn hỏi tôi, tại sao cuốn này hay mà không được giải thưởng, không được giới thiệu đến hội đồng? Cho nên, tôi cho rằng nhiệm vụ của BCH là phải phát hiện và săn lùng tác phẩm, định giá tác phẩm, sau đó bảo vệ và giới thiệu nó đến với độc giả. Nhưng phải thừa nhận là nhiều người Việt đang thờ ơ với sách. Có thể ngày xưa ít sách, quý giá nên sách được săn lùng, còn bây giờ sách tràn ngập, in đẹp và giảm giá, được ship tới tận nhà. Chẳng hạn như Nhà xuất bản Hội Nhà văn mỗi năm cấp giấy phép cho 2.000 đầu sách, nhưng để có những cuốn sách “ở lại” được với độc giả thì chắc chắn không nhiều. Điều này cho thấy, muốn thành công thì phải nhờ cả vào tiềm lực và tài năng sáng tạo của mỗi nhà văn. Đó phải là điều tiên quyết.

- Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa mới, ông có kế hoạch gì để các đầu sách có tầm đến được tay độc giả, chứ không phải in xong thì cho, tặng hoặc lưu kho, đặc biệt là sách của các nhà văn trẻ?

- Cá nhân tôi đã nghĩ trong 5 năm tới sẽ phải dấn thân. Không chỉ tôi mà cả BCH. Chúng tôi sẽ bàn, sẽ lập ra quỹ Văn học trẻ, săn lùng, kiếm tìm, trợ giúp các tác giả xuất sắc. Mọi giá trị sẽ đọng lại, những người thuộc thế hệ trước sẽ tiếp tục được tạo điều kiện phát huy khả năng và sẽ là chỗ dựa để lớp trẻ tìm về quá khứ, mở ra một hướng mới cho tương lai. 10 năm nữa tôi sẽ 73 tuổi, chắc chắn ở tuổi ấy tôi không sáng tạo được nữa, nhưng lớp trẻ 20 tuổi, 30 tuổi ngày nay thì 10 năm nữa họ mới chỉ 30 - 40 tuổi. Và không ai khác, chính họ sẽ là chủ nhân mới của văn chương nước nhà.

Một trong những điều chúng tôi sẽ làm là gắn kết giữa BCH và hội viên để cùng động viên, khích lệ nhau sáng tạo. Chúng tôi cũng có thể đi đến các vùng miền xa xôi, về nông thôn, lên miền núi để tiếp cận, trao đổi và cùng khích lệ sáng tạo. Chỉ cần “nghe nói” ở đó có tác giả có tiềm năng là lên đường. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các cuộc thi để tìm kiếm tác phẩm tốt. Cho dù ở vị trí nào thì các thành viên BCH cũng phải trở thành những người truyền lửa và khích lệ, khơi mở mạch nguồn để các nhà văn sáng tạo, đặc biệt là các nhà văn trẻ. Các tác phẩm lớn phụ thuộc vào tài năng, và tài năng sẽ được chúng tôi chắp cánh. BCH sẽ không làm gì được nếu nhà văn không có tài năng, không nỗ lực để làm nên tên tuổi của mình.

Trong thời gian tới đây, BCH sẽ họp và phân công từng công việc cụ thể. Chúng tôi tin rằng mình sẽ không phụ lòng mong đợi của các hội viên. Trong số hơn 700 lá đơn xin vào Hội, có những người đã làm đơn lâu đến nỗi họ cũng không nhớ là mình đã từng làm đơn. Mỗi một lá đơn xin vào Hội đều sẽ được xem xét kỹ lưỡng và đánh giá đúng đắn để họ được đứng trong đội ngũ các nhà văn, được nhận sự khích lệ xứng đáng trên con đường văn chương. Tôi cho rằng, mỗi nhà văn trẻ nếu có tài năng thì họ sẽ đứng vững trước ngưỡng cửa đổi mới, và góp phần làm mới nền văn chương nước nhà. Văn học phải mang được thông điệp của đời sống, gắn với đời sống và đi vào đời sống, đồng thời truyền ngọn lửa cảm hứng sống cho độc giả của mình.

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X ra mắt đại hội.

- Văn học từng có những tác phẩm hay, đọng lại trong lòng độc giả nhỏ tuổi. Trong nhiệm kỳ mới, BCH cũng như cá nhân ông có sự chú ý nào đối với mảng đề tài dành cho thiếu nhi?

- Văn học thiếu nhi là một mảng đề tài quan trọng. Từ những gì được các cơ quan truyền thông phản ánh, chúng ta đang có sự lo lắng nhất định về sự hủy hoại nhân tính liên quan tới vị thành niên. Điều này cần phải được cảnh báo và phải biến mất. Thay vào đó là những điều tốt đẹp, một cuộc sống êm đềm mà những đứa trẻ đáng được hưởng, cần được tiếp nhận thông qua những cuốn sách hay, giàu tính nhân văn.

Ở nhiều quốc gia, mảng văn học thiếu nhi được đặt lên hàng đầu. Với chúng ta, có vẻ như văn học thiếu nhi bị lãng quên đã nhiều năm. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ tập trung cho mảng văn học thiếu nhi, đề cao những tác phẩm dành cho thiếu nhi, trao giải thưởng thường niên cho văn học thiếu nhi, tìm kiếm những tài năng nhí. Một điều quan trọng nữa, theo tôi, là khi viết cho trẻ em, chúng ta sẽ đưa ra thông điệp và cách tiếp cận dễ cảm, dễ hiểu, dễ nhớ chứ không phải là những bài học đạo đức khô cứng. Chúng tôi mong muốn văn học thiếu nhi luôn được xã hội tiếp nhận nhiệt tình, luôn như lời thì thầm bên tai các bậc phụ huynh và các em nhỏ về những gì đẹp đẽ nhất ở thế giới này.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ!

Thiên Kim

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/985145/chung-toi-se-la-nhung-nguoi-truyen-lua-va-khich-le-sang-tao