Chứng thư chữ ký số cá nhân đã gấp hơn 4 lần chứng thư của tổ chức
Nhận định xu hướng dịch chuyển là chứng thư chữ ký số cá nhân sẽ chiếm tỷ trọng lớn, đại diện Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – NEAC cho biết, hiện số lượng chứng thư cá nhân đã gấp hơn 4 lần số chứng thư của tổ chức.
Chữ ký số là một thành phần của hạ tầng số Việt Nam, là một công cụ không thể thiếu trên môi trường điện tử. Không chỉ đáp ứng về hiệu năng xử lý, bảo mật cao, chứng thư chữ ký số còn mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, khi phương thức xác thực này ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.
Một mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội số đã được đặt ra trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50% vào năm 2025 và hơn 70% vào năm 2030.
Mục tiêu thách thức kể trên đã và đang được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia – NEAC đồng hành cùng các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng từng bước hiện thực hóa.

Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC trao đổi với các CA công cộng tại hội nghị giao ban quý II/2025.
Trao đổi tại hội nghị giao ban quý II/2025 với các CA công cộng diễn ra ngày 2/7, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC thông tin: Tính đến cuối tháng 6, tổng số chứng thư chữ ký số được cấp ra đã đạt gần 18 triệu. Số lượng chứng thư chữ ký số đang hoạt động (active) đến nay đã gấp 4 lần so với số active tại thời điểm này năm ngoái.
Đáng chú ý, số lượng chứng thư số cá nhân hiện nay đã gấp hơn 4 lần số chứng thư số tổ chức. “Có thể thấy rằng sự dịch chuyển không thể cưỡng nổi là chữ ký số cá nhân sẽ chiếm tỷ trọng lớn. Theo tính toán của chúng tôi, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số đã đạt hơn 28%”, bà Tô Thị Thu Hương cho biết.
Những chia sẻ của đại diện NEAC tại hội nghị cũng đã phần nào lý giải được nguyên nhân chứng thư chữ ký số cá nhân có sự phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây và được dự báo sẽ “bùng nổ” tương tự như dịch vụ điện thoại di động trước đây.
Nếu như thị trường điện thoại Việt Nam từng bùng nổ, đạt độ phủ lớn sau khoảng 10 – 15 năm kể từ khi có dịch vụ điện thoại di động, với tốc độ chuyển đổi số cùng sự nhận thức về vai trò của chữ ký số ngày càng tăng, dự báo rằng sẽ mất khoảng 5 – 7 năm tính từ khi dịch vụ chứng thực chữ ký số từ xa – Remote Signing được cấp phép (năm 2021) để chữ ký số bùng nổ về độ phủ.
“Các CA công cộng cần nhận thức được cơ hội để tích cực phổ cập chữ ký số, nhất là chữ ký số cá nhân. Để đạt được mục tiêu đầy thách thức - 50% người dân trưởng thành có chữ ký số trong năm nay, ước tính từ nay đến cuối năm, mỗi tháng phải cấp mới khoảng 2 triệu chứng thư số cá nhân”, đại diện NEAC chia sẻ.

Để đạt được tỷ lệ 50% người dân trưởng thành có chữ ký số trong năm nay, từ nay đến cuối năm, ước tính mỗi tháng các CA công cộng cần cấp ra khoảng 2 triệu chứng thư chữ ký số.
Khẳng định Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia luôn đồng hành cùng các CA công cộng trong hành trình phổ cập chữ ký số cá nhân, đại diện NEAC cũng chỉ ra những cơ hội cụ thể để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng tập khách hàng như triển khai cung cấp các dịch vụ tin cậy, trong đó có dịch vụ chứng thực chữ ký số trong lĩnh vực công chứng điện tử; cấp chứng thư số cho các hộ kinh doanh...
Ở góc độ của Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Khơ Din, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: Trải qua 10 năm các CA công cộng chủ yếu “loay hoay” tập trung vào thị trường chữ ký số doanh nghiệp, với khoảng 1 triệu chứng thư số; hiện nay thị trường mới đã được mở ra và dần dần định hướng đưa dịch vụ chứng thực chữ ký số trở thành dịch vụ thiết yếu, hướng tới mỗi người dân có 1 chữ ký số.
Ông Nguyễn Khơ Din cũng cho rằng, định hướng xóa bỏ hình thức thuế khoán chậm nhất vào năm 2026 được nêu rõ tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, cùng quy định các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, đang mở ra thị trường rộng lớn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và giao dịch điện tử.
Trong khuôn khổ hội nghị, bên cạnh việc phổ biến các yêu cầu về an toàn bảo mật hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, cán bộ kỹ thuật của NEAC cũng đã cập nhật với các doanh nghiệp nội dung công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng cuối năm 2024, nửa đầu năm 2025 và một số nhiệm vụ triển khai năm nay.
Kết quả kiểm tra, giám sát của NEAC trong 6 tháng đầu năm 2025 đã cho thấy những chuyển biến tích cực của các CA công cộng, hoạt động dần đi vào nề nếp và bám sát quy định pháp luật. Công tác kiểm tra đã giúp các CA công cộng chuẩn hóa quy trình, chú trọng hơn đến bảo mật thông tin người dùng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, vẫn còn tình trạng hồ sơ thuê bao chưa hợp lệ. Đáng chú ý, có CA cấp chứng thư số cho mục đích thử nghiệm nhưng không thông báo cho NEAC. Những vi phạm này đã khiến các doanh nghiệp bị xử phạt. Theo kế hoạch, thời gian tới, NEAC sẽ tiếp tục tăng cường công kiểm tra, bao gồm cả kiểm tra đột xuất để kịp thời chấn chỉnh.