Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. Đây là cơ sở pháp lý để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em.

Xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình là cách làm gần gũi, thiết thực, dễ hiểu để đưa luật đi vào cuộc sống. Ảnh: L.Na

* Đưa kiến thức về phòng, chống BLGĐ vào đời sống

Ra mắt từ đầu tháng 6-2023, CLB Nghệ thuật chuyện làng, chuyện ấp xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch) đã tích cực xây dựng các tiểu phẩm, các tiết mục văn nghệ, lồng ghép đưa các nội dung phòng, chống BLGĐ; kiến thức pháp luật, các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự đến với người dân một cách gần gũi nhất. Từ đó, giúp người dân ở cơ sở có thêm kiến thức, kỹ năng nhận diện các vụ việc, phát hiện sớm và bảo vệ an toàn cho bản thân.

Ông Võ Tấn Tài, Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật chuyện làng, chuyện ấp xã Long Thọ cho biết, hiện CLB có 35 thành viên, không chỉ biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền thông qua các tiểu phẩm mà còn triển khai và nhân rộng các mô hình: Gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; Phòng, chống BLGĐ có sự tham gia tích cực của nam giới, trở thành địa chỉ tin cậy đối với phụ nữ và trẻ em gái. CLB thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện với nam giới, giúp họ phát huy tốt hơn vai trò người chồng, người cha trong gia đình.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở VH-TTDL đã trang bị 30 tủ sách, 30 bộ sách (mỗi bộ 18 đầu sách) cho 30 CLB gia đình, nhóm phòng, chống bạo lực tại các địa phương: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Khánh. Bên cạnh đó, Sở trang bị 300 bộ đồng phục (áo, mũ) cho 60 nhóm phòng, chống BLGĐ tại 10 huyện, thành phố (trừ TP.Biên Hòa).

Những ngày đầu tháng 7, Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh tích cực đưa các chương trình văn nghệ về cơ sở phục vụ. Trong đó, đội lồng ghép biểu diễn nhiều tiểu phẩm có nội dung Luật Phòng, chống BLGĐ đến với đối tượng học sinh; đồng thời, tổ chức giao lưu, trò chuyện giúp các em tìm hiểu, nhận biết các nguyên nhân, nguy cơ và hành vi để giảm thiểu BLGĐ từ trong gia đình và xã hội.

Chị Thanh Tuyền, thành viên Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh cho biết: “Việc lồng ghép kiến thức về phòng, chống BLGĐ, tuyên truyền vào trường học là một trong những hoạt động được trung tâm duy trì trong suốt nhiều năm qua vào mỗi dịp hè. Với cách dẫn dắt vấn đề đơn giản, câu chuyện trong tiểu phẩm xây dựng mái ấm không bạo lực, duy trì bình đẳng giới, quyền trẻ em. Chúng tôi kỳ vọng, sau mỗi đợt tuyên truyền sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đưa Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi đi vào cuộc sống”.

Hiện Sở VH-TTDL phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn triển khai Luật Phòng, chống bạo BLGĐ sửa đổi và nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Các hoạt động đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa gia đình gắn với mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

* Kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp

Mặc dù số vụ BLGĐ đã giảm nhiều so với trước đây, song thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực. Theo con số thống kê của Sở VH-TTDL, chỉ tính riêng năm 2022, Đồng Nai xảy ra 21 vụ BLGĐ, nạn nhân hầu hết là nữ trong độ tuổi từ 16-59 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của bạo lực là do bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong xã hội và trong mỗi gia đình; nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đội Tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh giao lưu với các em học sinh những kiến thức về phòng, chống bạo lực năm 2023

Gần đây nhất là vụ BLGĐ xảy ra tại gia đình chị Nguyễn Thị Y. và anh Lê Anh Đ. tại P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) được phản ánh trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội vào tháng 5-2023. Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa đã có văn bản yêu cầu UBND P.Long Bình Tân kiểm tra, xác minh và xử lý hành vi BLGĐ. Địa phương đã phối hợp với các đơn vi liên quan đã có can thiệp, hỗ trợ hợp lý, bảo đảm an toàn cho nạn nhân BLGĐ.

Theo nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, nguyên Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VH-TTDL, để phòng ngừa BLGĐ, nguyên tắc chung là tất cả các thành viên phải tôn trọng pháp luật, đối xử bình đẳng, dân chủ, yêu thương các thành viên khác. Mỗi người cần xây dựng kỹ năng giải quyết, hóa giải các mâu thuẫn phát sinh, chịu khó lắng nghe, chia sẻ, thông cảm với nhau. Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong phòng, chống BLGĐ.

“Phòng, chống BLGĐ phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp. Trong đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội. Xây dựng các thiết chế gia đình bền vững cũng được xem là giải pháp “nội lực” để phòng tránh BLGĐ, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực. Đặc biệt, cần tích cực triển khai, đưa Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023 đi vào cuộc sống” - nhà văn Hoàng Ngọc Điệp chia sẻ.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202307/chung-tay-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-3171662/