Chung tay phát triển thương hiệu OCOP
Để nâng tầm sản phẩm truyền thống, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có cách làm hay, qua đó đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và nâng cao đáng kể doanh thu. 'Các sản phẩm truyền thống là đặc sản của các vùng miền, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, nhược điểm là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính mùa vụ, vì vậy Nhà nước, doanh nghiệp cần tạo kênh liên kết nhằm tăng quy mô sản xuất, đồng thời hỗ trợ vay vốn cũng như kết nối để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm truyền thống'.
Đổi mới để tăng sức cạnh tranh
Trước đây, nhiều sản phẩm truyền thống của Quảng Ngãi như quế Trà Bồng, mạch nha, hành, tỏi... thường chỉ được bán trôi nổi trên thị trường. Hiện nay, nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, nhiều sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh đã đủ tiêu chuẩn vào các kênh phân phối lớn uy tín như siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở trong và ngoài tỉnh.
Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh... được bày bán tại số 157 Phan Bội Châu, TP.Quảng Ngãi. Ảnh nhỏ: Sản phẩm tỏi đen Volcano, giấm tỏi mật ong Volcano và mạch nha Kim Hồng đạt chứng nhận OCOP. ẢNH: N.VIÊN
Việc đủ tiêu chuẩn để vào những kênh phân phối lớn không đơn thuần là bán được nhiều hàng, mà ý nghĩa hơn là thể hiện tinh thần nỗ lực của những người làm ra sản phẩm, không chùn bước trước sức cạnh tranh hàng hóa ngày càng khốc liệt. Chủ cơ sở sản xuất mạch nha Kim Hồng, ở thôn Phước Luông, xã Đức Hòa (Mộ Đức), chia sẻ: Gia đình tôi có ba đời làm mạch nha truyền thống. Vào tháng 7.2020, mạch nha của gia đình đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Để đạt chứng nhận OCOP, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra từ nguồn nước, nguyên liệu đến quy trình sản xuất mạch nha... Gia đình cũng tiến hành cải tiến mẫu mã, quy trình chế biến... để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Được chứng nhận sản phẩm OCOP là bước ngoặt để sản phẩm truyền thống được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhờ vậy, mạch nha Kim Đồng hiện đã phân phối rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh, trung bình mỗi tháng bán trên 2.500 hủ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ OCOP Quảng Ngãi NGUYỄN CÔNG
Xây dựng “ngôi nhà” OCOP
Vốn làm việc ở lĩnh vực du lịch, nhưng tháng 10.2019, anh Nguyễn Công (hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ OCOP Quảng Ngãi) lại chuyển hướng sang làm kinh doanh các sản phẩm truyền thống trong và ngoài tỉnh. Cửa hàng của anh nằm ở số 157 đường Phan Bội Châu, TP.Quảng Ngãi. Tại đây bày bán 140 sản phẩm truyền thống của các địa phương trong và ngoài tỉnh, trong đó có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây được xem là “ngôi nhà” của những sản phẩm truyền thống ở các địa phương.
Anh Nguyễn Công cho biết: Trong thời gian làm bên lĩnh vực du lịch, tôi có cơ hội đi đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh và nhận thấy nhiều sản phẩm địa phương rất độc đáo, chất lượng. Thế mạnh lớn nhất là những người làm ra sản phẩm truyền thống là có kinh nghiệm, cách làm thủ công, tỉ mỉ, nhưng khâu quảng bá, tiêu thụ còn gặp nhiều hạn chế. Do vậy, tôi quyết định rẽ hướng sang kinh doanh những sản phẩm này bằng việc kết nối với các địa phương, cơ quan chức năng để mua và tiêu thụ sản phẩm địa phương cho nhiều cơ sở, hộ kinh doanh...
Việc kinh doanh các sản phẩm truyền thống của anh Nguyễn Công đã góp phần tạo đầu ra cho nhiều sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển kênh phân phối này là không đơn giản, do sản phẩm truyền thống phải cạnh tranh khốc liệt với những sản phẩm của các doanh nghiệp lớn. Để quảng bá thương hiệu, anh Công đã tạo nhiều kênh thông tin về sản phẩm của mình, đồng thời liên kết với các cơ sở sản xuất từ khắp vùng miền trong cả nước, với mong muốn các sản phẩm truyền thống sẽ ngày càng phát triển. "Các sản phẩm truyền thống là đặc sản của các vùng miền, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, nhược điểm là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính mùa vụ, vì vậy Nhà nước, doanh nghiệp cần tạo kênh liên kết nhằm tăng quy mô sản xuất, đồng thời hỗ trợ vay vốn cũng như kết nối để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm truyền thống", anh Nguyễn Công bày tỏ.