'Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm'

Là chủ đề của chương trình giao lưu trực tuyến do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng nay 20/4, tại Hà Nội.

Ba khách mời của buổi giao lưu trực tuyến là các đồng chí: PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và đại diện các vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các vụ/cục của: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông,…

Đến dự và đưa tin về Giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm” còn có đại diện các cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn tại buổi giao lưu, TS Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “An toàn thực phẩm (ATTP) có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển đất nước ta; trở thành thách thức an ninh phi truyền thống.

Chính vì vậy, trong những năm qua, vấn đề ATTP luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ban hành Luật, Chỉ thị và các văn bản pháp quy như: nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề ATTP”.

Quang cảnh buổi giao lưu.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về ATTP còn có phần hạn chế. Trong đó, phải kể đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID- 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu, phương thức mua sắm của người dân thay đổi, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe “online” vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Điều đáng báo động là mặc dù dư luận xã hội và báo chí đã lên tiếng cảnh báo, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn gia tăng, gây nhức nhối trong xã hội. Trong khi đó, phần lớn vụ việc vi phạm ATTP chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, nên chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta…

Trên cơ sở đó, đồng chí Trần Doãn Tiến đề nghị các quý vị khách mời trao đổi trên tinh thần khoa học, cởi mở tập trung vào số nội dung sau:

Một là, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm.

Hai là, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.

Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Nghiên cứu bổ sung các chế tài cần thiết, bảo đảm xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm và đưa tin sai sự thật, không chính xác về an toàn thực phẩm.

Bốn là, các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nhân dân về ATTP, về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về ATTP; Bảo vệ quyền cơ bản của con người là được tiếp cận thực phẩm an toàn; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.

Trọng thời lượng 2 tiếng của chương trình, các đại biểu, khách mời của chương trình lần lượt giải đáp hơn 30 câu hỏi của bạn đọc trong cả nước liên quan đến chủ đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các vấn đề như: quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; các biện pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn lưu thông thương mai, sản xuất và tiêu dùng cũng như các chế tài xử phạt, xử lý những hành vi vi phạm.... Đối với một số câu hỏi về chủ trương, chính sách quản lý trong thời gian tới, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các câu hỏi gửi từng Bộ, ngành phụ trách từng lĩnh vực cụ thể để có trả lời bằng văn bản và sớm thông tin tới bạn đọc./.

Trọng Đạt

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/chung-tay-hanh-dong-vi-an-toan-thuc-pham-133001