Chung tay bảo vệ môi trường biển
Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động du lịch, lượng lớn rác thải, nhất là rác thải nhựa xả thẳng ra biển đã ảnh hưởng đến môi trường biển. Do đó, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân để giữ màu xanh của biển.
Mối nguy hại từ rác thải
Mới đây, chúng tôi theo chân lực lượng Ban Quản lý vịnh Nha Trang cùng 20 thành viên các câu lạc bộ yêu biển ở TP. Nha Trang tham gia hoạt động lặn biển nhặt rác tại khu vực biển Hòn Chồng (Nha Trang). Chỉ sau vài giờ, các thành viên đã đưa lên bờ khoảng 100kg rác thải, chủ yếu là ngư cụ, lưới đánh cá mắc vào rạn san hô. Những mảng lưới, cùng các ngư cụ khác bị vứt bỏ trôi dạt vào bờ, bao phủ các hệ sinh thái san hô, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của san hô tại đây. Chị Nguyễn Thị Hiếu (xã Vĩnh Lương, Nha Trang) chia sẻ: "Tôi rất buồn khi thấy nhiều loại rác khó phân hủy như: Túi ni-lông, chai nhựa, lưới đánh cá… chìm dưới đáy biển. Là người yêu biển, tôi mong rằng người dân và du khách hãy nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường biển”.

Nhặt rác dưới đáy biển ở vịnh Nha Trang.
Tại đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang), rác thải sinh hoạt, rác thải từ các hoạt động buôn bán hải sản ngay sát bờ biển và từ tàu thuyền xả ra khiến môi trường biển bị ô nhiễm nặng. Ngoài ra, còn lượng rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản...

Nhặt rác ở vịnh Nha Trang.
Tương tự, tại đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) - nơi có 1.039 hộ dân chủ yếu làm nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản - mỗi ngày phát sinh khoảng 4 tấn rác sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 20%. Ngoài ra, từ hoạt động nuôi trồng thủy sản còn phát sinh khoảng 50kg rác thải nhựa mỗi ngày, chủ yếu là bao bì thức ăn, lưới, thùng nhựa, xốp… ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.
Ông Hoàng Anh Hào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo tỉnh cho biết, việc tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa còn hạn chế do thói quen của người dân, trong khi sản phẩm thân thiện với môi trường còn ít và giá cao. Công tác quản lý và kiểm soát rác thải nhựa trong ngành Thủy sản còn chưa thực sự hiệu quả. Việc thu gom rác tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ; trong hoạt động khai thác thủy sản vẫn còn tình trạng vứt ngư cụ xuống biển; các mô hình thu gom rác trên tàu cá xa bờ chưa được triển khai đồng bộ do thiếu kinh phí.
Cần chung tay hành động
Để công tác quản lý, bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang được thực hiện liên tục và hiệu quả lâu dài, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo các xã, phường ven biển và đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi, vứt bỏ ngư cụ sai quy định. Đồng thời, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, du khách, yêu cầu không mang theo sản phẩm nhựa dùng một lần khi đi tham quan vịnh Nha Trang. Thành phố cũng đang đề xuất tỉnh đầu tư các dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại nhằm ứng phó với tình trạng rác thải nhựa gia tăng.

Các bạn trẻ nhặt rác tại khu vực Hòn Mun (vịnh Nha Trang).
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kết quả khảo sát từ TripAdvisor - trang web về du lịch lớn nhất thế giới cho thấy, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để lưu trú tại các khách sạn thân thiện với môi trường; 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho các công ty du lịch có hoạt động bảo vệ môi trường, hỗ trợ cộng đồng địa phương. Điều này cho thấy, du lịch xanh không chỉ là điều kiện để phát triển bền vững mà còn góp phần thu hút lượng du khách có mức chi tiêu cao, hành xử văn minh.
Để giải quyết thực trạng rác thải nhựa trong ngành Du lịch, cần sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng “du lịch xanh”, triển khai dán nhãn xanh cho các cơ sở kinh doanh du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và du khách; từng bước thay thế nhựa bằng vật liệu thân thiện môi trường; đầu tư thiết bị, công nghệ tái chế hiện đại nhằm tái sử dụng rác thải nhựa; phát triển ứng dụng thông minh theo dõi lượng rác, tối ưu hóa quy trình xử lý ngay tại nguồn.

Nhặt rác bảo vệ môi trường ven vịnh Nha Trang.
UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (ban hành ngày 12-2-2020), với mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% lượng rác thải nhựa trên biển; 100% ngư cụ bị vứt bỏ được thu gom; chấm dứt việc xả ngư cụ xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch và cơ sở lưu trú ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; giảm 100% rác thải nhựa tại các khu bảo tồn biển. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra cần sự chung tay mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa từ cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả hợp tác quốc tế - vì một đại dương xanh bền vững cho thế hệ mai sau.
THÁI THỊNH
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202504/chung-tay-bao-vemoi-truongbien-1845acc/