Chung lòng hướng về người anh hùng

Tại Kiên Giang, hàng năm Lễ hội Nguyễn Trung Trực không chỉ diễn ra tại TP. Rạch Giá, mà lễ hội còn được tổ chức tại một số đia phương, nơi có cơ sở thờ tự cụ Nguyễn như tại huyện Châu Thành và TP. Phú Quốc.

Đình thần Vĩnh Hòa Hiệp còn gọi là đình thờ Nguyễn Trung Trực hoặc đình Tà Niên, nằm trên địa bàn ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành. Đình được UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ tháng 8-2003.

Theo ông Nguyễn Văn Chính - Phó trưởng Ban bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa đình Vĩnh Hòa Hiệp, lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày hy sinh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hàng năm tổ chức tại đình Vĩnh Hòa Hiệp gồm hai phần lễ và hội, diễn ra trong 2 ngày 29 và 30-9 (nhằm ngày 27 và 28-8 âm lịch).

Phần lễ được tổ chức ngày 30-9 với các nghi thức như lễ cúng tế chiến sĩ trận vong, áp hầu, nhạc sanh khởi nhạc, hương chức và học trò lễ thực hiện nghi thức cúng tế theo truyền thống. Phần hội được tổ chức từ ngày 29 đến 30-9, gồm các hoạt động như trò chơi dân gian, văn nghệ, trưng bày các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu của huyện Châu Thành.

Bà Phạm Thị Ba (ngồi), ngụ ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành) nấu các món ăn phục vụ người dân tham gia lễ hội kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2024) tại đình Vĩnh Hòa Hiệp. Ảnh: AN LÂM

15 năm lo việc bếp núc tại đình Vĩnh Hòa Hiệp, bà Phạm Thị Ba (70 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp xem việc này là niềm vui của mình vì được góp chút công sức cho lễ hội Nguyễn Trung Trực. “Năm nay đình nấu 120 mâm mặn, 120 mâm chay phục vụ các đại biểu và khách thập phương về dâng hương tưởng nhớ Cụ Nguyễn. Người góp công, người góp lương thực, thực phẩm, dù có khác nhau nhưng cùng chung một lòng hướng về vị anh hùng đã hy sinh vì dân, vì nước”, bà Ba nói.

Tại TP. Phú Quốc, lễ hội diễn ra từ ngày 28 đến 30-9 (nhằm ngày 26 đến 28-8 âm lịch), tại hai xã Cửa Cạn và Gành Dầu. Ông Nguyễn Văn Bé - Phó trưởng Ban thường trực Ban bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa đình Nguyễn Trung trực xã Gành Dầu cho biết nhiều ngày qua người dân đến đây rất đông làm công quả để trong và ngoài khuôn viên di tích được tươm tất, gọn gàng. Các nhà hảo tâm gần xa có người góp công, người góp của, chuẩn bị trại cơm chay, cơm mặn, gói bánh, chỗ nghỉ ngơi phục vụ khách thập phương khi đến dâng hương ngày lễ giỗ Cụ Nguyễn.

Người dân TP. Phú Quốc sắp xếp lương thực, thực phẩm chuẩn bị tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2024) tại xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc. Ảnh: BÍCH LIÊN

Bà Lê Thị Luyến, ngụ xã Gành Dầu cho biết, với mong muốn góp sức vào thành công của lễ hội và thể hiện lòng biết ơn đối với vị anh hùng dân tộc có công với dân, với nước, cứ đến lễ hội Nguyễn Trung Trực thì người dân, ngư phủ đều nghỉ làm 1-2 ngày để đến Di tích lịch sử văn hóa đình Nguyễn Trung Trực xã Gành Dầu trước là làm thiện nguyện, sau là thắp hương tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của người anh hùng đã xả thân vì nước, vì dân.

Tại khu căn cứ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, xã Cửa Cạn, TP. Phú Quốc, trước ngày diễn ra lễ hội người dân khắp nơi tề tựu về vệ sinh sân bãi, khuôn viên, dựng trại, chuẩn bị nguyên vật liệu để nấu các món chay, món mặn và gói các loại bánh.

Ông Phạm Văn Hòa - Trưởng Ban bảo vệ khu căn cứ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực cho biết đến ngày 26-9, các nhà hảo tâm đóng góp hơn 20 tấn gạo và rau, củ, quả các loại để phục vụ người dân và khách thập phương dự lễ hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Phạm Văn Nghiệp, công tác chuẩn bị lễ hội trên địa bàn TP. Phú Quốc đã hoàn tất để các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội diễn ra theo đúng thời gian, chất lượng, thực sự là ngày hội mang đậm chất văn hóa của người dân Phú Quốc và du khách thập phương.

ĐẶNG LINH - BÍCH LIÊN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/le-hoi/chung-long-huong-ve-nguoi-anh-hung-22456.html