Chứng khoán tháng 5: nhiều câu chuyện chờ đợi
Thị trường chứng khoán đi qua cơn bão trong tháng 4 với những dòng chảy thông tin lớn từ thế giới cho đến sự kiện kỷ niệm lớn trong nước. Dù phục hồi đáng kể trong hai tuần qua, thị trường vẫn còn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh thương chiến thế giới và bức tranh vĩ mô vẫn chưa rõ ràng.

Thị trường giao dịch ảm đạm trong hai ngày trước kỳ nghĩ lễ kéo dài. Tuy nhiên tháng 5 sẽ có nhiều thông tin mới ảnh hưởng đến thị trường. Ảnh: LÊ VŨ
Thị trường đi ngang
Hôm 29-4, áp lực bán duy trì ở nhiều nhóm ngành vào cuối phiên khiến thị trường giảm điểm nhẹ, dù lực cầu vẫn nỗ lực kéo chỉ số hồi phục. Tuy nhiên, giống như phiên liền trước, diễn biến thị trường vẫn gần như đi ngang. Chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,5 điểm, dừng ở mức 1.226 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tổng khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 561 triệu cổ phiếu, đạt giá trị 12.281 tỉ đồng, ở mức thấp nhất trong 2 tuần.
Như vậy, thị trường chứng khoán chỉ có 2 phiên giao dịch trong tuần có kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, và đều giảm cả hai với mức giảm 0,24% so với tuần trước đó. Thị trường gần như đi ngang, trái ngược với diễn biến của tuần trước đó, với biên độ dao động của chỉ số chính lên đến 90 điểm, có những phiên giảm mạnh nhưng sau đó cũng phục hồi mạnh trở lại.
Còn tính theo tuần trước đó nữa, chỉ số Vn-Index kết thúc tuần ở mức 1.229 điểm, tăng hơn 10 điểm, tương đương tăng 0,83% với điểm chung là sự phục hồi diễn ra trên diện rộng. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ phục hồi tốt nhất (tăng 0,95%), còn nhóm cổ phiếu VN30 và vốn hóa trung bình lần lượt tăng 0,84% và 0,22%. Đáng lưu ý là dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu Vingroup, bán lẻ, nhóm Viettel, trong khi lại suy giảm ở nhóm tài chính, gồm ngân hàng, chứng khoán và nhóm bất động sản khu công nghiệp.
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), bình luận thị trường hiện có tâm lý thận trọng, trong đó các nhà đầu tư “cân bằng lại trạng thái tài khoản”. “Thông thường, ngay cả khi không có gì đặc biệt thì nhà đầu tư đã rất thận trọng trước kỳ nghỉ dài. Trong kỳ nghỉ dài này, với những thông tin về thuế quan thì sự thận trọng lại càng gia tăng”, ông Dương bình luận.
Chờ diễn biến mới
Chứng khoán tháng 4 biến động lớn với những phiên giảm sàn trong tình trạng “trắng bên mua”, kéo dài đến 4 phiên liên tục và diễn ra ở nhiều mã cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành nghề. Tâm lý thị trường bi quan theo dòng chảy thông tin thuế quan từ Mỹ, với con số thuế đối ứng lên đến 46%, nhưng sau đó phục hồi nhanh chóng khi thuế đối ứng hoãn thi hành trong 90 ngày tiếp theo.
Đang chú ý là trong nhịp hồi vừa qua, đóng góp chính đến từ 2 cổ phiếu từ họ Vingroup. Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận không có nhiều ngoài nhóm cổ phiếu hoạt động trong lĩnh vực đa ngành này. Dù vậy, các nhịp tăng giảm đan xen cũng tạo cơ hội cho các giao dịch ngắn hạn, giúp nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và chi phí vốn của mình.
Tháng 4 cũng nhanh chóng đi qua với dòng chảy thông tin lớn trong nước là lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Còn trên thế giới, giá vàng liên tục lập kỷ lục mới, lo ngại về tỷ giá và khả năng đàm phán thuế quan của các quốc gia lớn tiếp tục là những tác nhân, ẩn số ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường, trở nên thận trọng và nói nhiều về rủi ro.
Kịch bản tháng 5 cũng được nhiều bên đưa ra sau khi thị trường có nhịp hồi phục nhanh chóng, tăng lên gần 170 điểm kể từ vùng đáy trong tháng 4. Nhìn chung, các nhà phân tích kỳ vọng thị trường sẽ ổn định ở vùng 1.200-1.240 điểm. Tín hiệu khác là thanh khoản trong hai tuần qua đã có sự suy giảm, phù hợp với kịch bản thị trường đi ngang và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Diễn biến mới về các thông tin vĩ mô thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong tháng 5 này. Kịch bản cơ bản sẽ là thị trường tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong bối cảnh chờ kết quả đàm phán và biến số vĩ mô trở nên rõ ràng hơn. Mới đây là thông tin tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc trong quí 1 đều chậm lại đáng kể. Thỏa thuận thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung vẫn còn là dấu hỏi.
Một yếu tố cần quan sát tiếp theo nằm ở kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. Theo ông Dương, các cuộc họp đại hội cổ đông mới đây đưa đến hai yếu tố tích cực. Một là thông tin kết quả kinh doanh trong quí nhìn chung khá tích cực, hai là ảnh hưởng thuế quan đa phần là không bị tác động trực tiếp. Theo đó, những yếu tố ảnh hưởng từ thuế quan đã phần nào được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian qua.
Một câu chuyện lớn khác của nội tại nền kinh tế Việt Nam là tăng tốc thực hiện kế hoạch sắp xếp bộ máy. Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường, VinaCapital, cho rằng việc tái cấu trúc bộ máy hành chính và hướng tới một hệ thống quản lý tinh gọn sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư.
Trong bối cảnh Việt Nam tập trung vào các động lực tăng trưởng nội địa giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi lớn sẽ là hạ tầng, bất động sản, vật liệu xây dựng, logistics, năng lượng và ngân hàng.
“Đầu tư hạ tầng tăng mạnh cũng sẽ giúp củng cố niềm tin tiêu dùng và kích thích người dân mua sắm, từ đó hỗ trợ tăng trưởng GDP trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ dự kiện sẽ giảm tốc trong năm nay”, ông Michael Kokalari đánh giá.
Cuối cùng không thể không nhắc đến bước ngoặt mới của thị trường chứng khoán Việt Nam, với một sự kiện đặc biệt là hệ thống giao dịch mới KRX đi vào hoạt động từ đầu tháng 5. Đã có nhiều bài phân tích về tác động tích cực trong ngắn hạn và dài hạn của KRX với thị trường vốn. Nền tảng giao dịch hoạt động thông suốt sẽ là điểm khởi đầu thuận lợi cho diễn biến đi lên của thị trường trong thời gian tới.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-thang-5-nhieu-cau-chuyen-cho-doi/