Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục sau tin tốt CPI, giá dầu cũng đi lên

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (15/5), với cả ba chỉ số cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục, khi nhà đầu tư hào hứng với dữ liệu lạm phát yếu hơn dự báo...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thô cũng chốt phiên trong trạng thái tăng nhờ thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ bất ngờ giảm mạnh.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,17%, đạt 5.308,15 điểm. Đây là lần đầu tiên thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ chốt phiên trên mức 5.300 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng 1,4%, chốt ở 16.742,39 điểm, cũng là mức cao chưa từng thấy. Chỉ số Dow Jones tăng 349,89 điểm, tương đương tăng 0,88%, đạt kỷ lục mọi thời đại 39.908 điểm.

Phiên này là sự nối tiếp xu hướng tăng của giá cổ phiếu ở Phố Wall từ đầu năm đến nay. Tính từ đầu năm, đây là kỷ lục đóng cửa lần thứ 23 của S&P 500, lần thứ 18 của Dow Jones và lần thứ 8 của Nasdaq.

Nhà đầu tư tràn trề hy vọng sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% trong tháng 3 so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 3,4%, phù hợp với dự báo. Ngoài ra, CPI lõi - thước đo không bao gồm giá của hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng - phù hợp với dự báo cả trên cơ sở tháng và cơ sở năm.

Ngoài ra, báo cáo doanh thu bán lẻ do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy sự đi ngang trong tháng 4, thay vì tăng 0,4% như dự báo của các nhà kinh tế. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của tiêu dùng, có thể thúc đẩy tiến trình giảm lạm phát.

Cả hai báo cáo trên đều có tác dụng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong tương lai gần. Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 75,3% Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Khả năng này đã tăng từ mức 65,1% vào hôm thứ Ba.

“Thị trường thực sự muốn các báo cáo này cho thấy sự suy yếu, và họ đã có được thứ họ muốn. Những cổ phiếu như Nvidia và các cổ phiếu tăng trưởng cao khác sẽ hưởng lợi từ môi trường lãi suất giảm”, chiến lược gia Brian Nick của tổ chức nghiên cứu Macro Institute nhận định với hãng tin CNBC, khẳng định rằng các số liệu thống kê vừa được công bố củng cố khả năng Fed bắt dầu hạ lãi suất trong năm nay.

Những cổ phiếu dẫn đầu thị trường như Nvidia đồng loạt tăng mạnh sau khi báo cáo lạm phát được công bố. Hai hãng công nghệ khổng lồ Apple và Microsoft đều chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 1%.

Phản ánh kỳ vọng lãi suất sẽ sớm giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đồng loạt giảm. Trong đó, lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm 10 điểm cơ bản, còn 4,344%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm 9 điểm cơ bản, còn 4,726%.

Năm nay, chứng khoán Mỹ được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed giảm lãi suất và sự hưng phấn của giới đầu tư với các cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI). Gần đây, kỳ vọng Fed giảm lãi suất có phần suy giảm vì một vài số liệu kinh tế Mỹ nóng hơn dự báo. Dù vậy, xu hướng tăng của thị trường nhanh chóng được nối lại mỗi khi có những dấu hiệu cho thấy tiến trình giảm lạm phát vẫn tiếp tục.

Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 vẫn tăng 11%, dù vào tháng trước, chỉ số này đã giảm mạnh vì mối lo lạm phát sẽ dai dẳng và buộc Fed phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Thậm chí, đã có thời điểm thị trường lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất thêm lần nữa, tuy nhiên Chủ tịch Fed Jerome Powell đã lên tiếng bác bỏ khả năng này.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 6 tại New York tăng 0,61 USD/thùng, tương đương tăng 0,78%, chốt ở 78,63 USD/thùng.

Giá dầu Brent giao tháng 7 tại London tăng 0,37 USD/thùng, tương đương tăng 0,45%, chốt ở 82,75 USD/thùng.

Tính từ đầu năm, giá dầu WTI đã tăng 9,7% và dầu Brent tăng 7,4%. Tuy nhiên, trong tháng 5 này, giá dầu đã giảm do căng thẳng địa chính trị đã giảm bớt ở Trung Đông, với giá dầu WTI giảm 4% từ đầu tháng và giá dầu Brent giảm 5,82%.

Phiên này, giá dầu được hỗ trợ bởi triển vọng Fed cắt giảm lãi suất và cả số liệu cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Số liệu hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn trữ thương mại - không bao gồm dự trữ chiến lược - của nước này giảm 2,5 triệu thùng trong tuần trước, so với dự báo giảm 543.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, mức tăng của giá dầu bị hạ chế khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 với mức giảm 140.000 thùng/ngày, còn 1,1 triệu thùng/ngày do nhu cầu suy yếu tại các nền kinh tế phát triển trong quý 1.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vẫn lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay. Liên minh OPEC+ giữa OPEC và một số nước sản xuất dầu ngoài khối hiện đang duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyên 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày để hỗ trợ giá dầu. Nhóm này có thể đưa ra những số liệu và phân tích sâu hơn về tình hình cung cầu dầu của thế giới trong cuộc họp sản lượng vào đầu tháng 6.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-lap-ky-luc-sau-tin-tot-cpi-gia-dau-cung-di-len.htm