Chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ hè thu

Thu hoạch xong lúa vụ đông xuân 2020 - 2021, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã làm đất để gieo trồng vụ hè thu 2021. Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, dự báo đầu vụ hè thu có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn toàn tỉnh, cuối vụ xảy ra mưa lũ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần chủ động có các giải pháp ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, tổ chức sản xuất thắng lợi.

Chủ động các phương án điều tiết nguồn nước để đảm bảo tưới cho sản xuất nông nghiệp- Ảnh: T.T

Quản chặt khung thời vụ và cơ cấu giống

Vụ hè thu 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 22.300 ha lúa nước. Ngoài những thuận lợi như vụ đông xuân 2020 - 2021 lúa được mùa, được giá, thu hoạch nhanh gọn, nhiều chính sách đặc thù của tỉnh tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp liên kết với nông dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... thì vẫn có không ít thách thức với người sản xuất lúa. Đó là thời điểm này, mực nước các công trình thủy lợi đạt thấp so với dung tích thiết kế, dự báo nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong vụ hè thu 2021. Trong điều kiện nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn và thiếu nước, đối tượng rầy lưng trắng phát triển thuận lợi và nguy cơ bệnh lùn sọc đen gây hại trên cây trồng.

Triển khai sản xuất vụ hè thu với quyết tâm gieo cấy càng sớm càng tốt, đảm bảo thu hoạch nhanh gọn trước mùa mưa lũ, theo đó, những vùng chủ động nước tưới, nhất là các xã vùng trũng huyện Hải Lăng, Triệu Phong bố trí thời vụ gieo cấy sớm từ đầu tháng 5/2021, kết thúc gieo sạ chậm nhất đến 20/5/2021 để đảm bảo thu hoạch trước ngày 20/8/2021. Những vùng ruộng cao, ít bị ngập lũ, không chủ động nước tưới, lịch gieo sạ có thể bố trí muộn hơn nhưng phải đảm bảo thu hoạch trước 30/8/2021, chậm nhất đến ngày 5/9/2021 để tránh ngập lụt khi mưa lũ xảy ra. Đồng thời các địa phương chú trọng chuyển đổi hơn 378 ha đất lúa thiếu nước sang các hình thức sản xuất và cây trồng khác như ngô, đậu xanh, vừng, dưa hấu, rau các loại…

Ngành nông nghiệp khuyến cáo vụ hè thu này, nông dân cần sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày, giống có năng suất và chất lượng cao, tuyệt đối không cơ cấu giống lúa dài ngày, giống nhiễm nhiều đối tượng sâu bệnh. Các giống lúa cơ cấu vào sản xuất gồm HN6, HT1, HC95, Bắc Thơm 7, Đài Thơm 8, Khang Dân…Bổ sung thêm các giống lúa RVT, Thiên Ưu 8, NA2, An Sinh 1399, Bắc Thịnh… Đặc biệt, các giống lúa triển vọng gồm TBT cực ngắn, VNR20, Dự Hương 8, DCG66, QS447, DQ11, TBR97… được khuyến khích đưa vào sản xuất vụ hè thu. Kết quả khảo nghiệm các giống lúa mới như DQ 11, DDV108, ĐD2, QR1 trên diện tích 100 ha do Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh liên kết với các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng sản xuất vụ đông xuân vừa qua là cơ sở quan trọng để tiếp tục đưa vào sản xuất. Các giống này năng suất bình quân 60 - 65 tạ/ha (nơi cao 80 tạ/ha) với giá thu mua 8.400 đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân có lãi bình quân gần 30 triệu đồng/ha. Giám đốc HTX Nông nghiệp Câu Nhi, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng Bùi Văn Bình, đơn vị liên kết với trung tâm sản xuất 10 ha giống lúa chất lượng cao ĐD2 cho biết: “Tính vượt trội của giống lúa này là khả năng chống chịu sâu bệnh, chống gãy đổ tốt, phù hợp với địa hình vùng trũng Hải Lăng. HTX sẽ tiếp tục đưa giống lúa chất lượng cao ĐD2 vào sản xuất vụ hè thu 2021. Người dân phấn khởi là đã có đơn vị cung ứng giống bao tiêu sản phẩm với giá thu mua hợp lý, bớt nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Bình nói.

Chủ động chống hạn từ đầu vụ

Huyện Gio Linh là một trong những địa phương thường chịu ảnh hưởng bởi hạn hán trong triển khai sản xuất vụ hè thu. Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện tại dung tích ở các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn huyện đang ở mức 73- 93% dung tích thiết kế. Lượng nước ở các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý đạt trên 50% so với dung tích thiết kế. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, lượng nước ở các hồ chứa thiếu hụt, huyện chỉ đạo các địa phương cần có các giải pháp tiết kiệm nguồn nước tưới và kế hoạch phân bổ nguồn nước hợp lý từ đầu vụ. Trước khi xuống vụ, các địa phương cần vận động người dân ra quân diệt chuột, vệ sinh đồng ruộng, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương, be bờ giữ nước hồi quy, đắp đập để tiết kiệm nguồn nước. Để chủ động phương án chống hạn, huyện chủ trương áp dụng biện pháp tưới luân phiên ngay từ đầu vụ, tận dụng các nguồn nước hồi quy ở các trục tiêu, ao hồ, sông suối để bơm tát phục vụ làm đất, gieo sạ. Vận động người dân chủ động làm đất, be bờ giữ nước trong ruộng trước lúc vào vụ sản xuất, tích nước ở các bàu, ao, đầm, chủ động khoanh vùng đặt máy bơm dã chiến hỗ trợ khi cần thiết.

Vụ hè thu 2021, huyện Hải Lăng gieo cấy trên 6.700 ha, trong đó giống lúa chất lượng cao 4.000 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp gia cố, bảo vệ đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi. Chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác sửa chữa kênh mương, tu bổ nâng cấp bờ vùng, bờ thửa, bảo dưỡng máy bơm để chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất. Đồng thời yêu cầu các đơn vị có phương án ứng phó, tích trữ nước khi có lũ tiểu mãn, các đơn vị sử dụng nguồn nước Nam Thạch Hãn chủ động phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Nam Thạch Hãn để điều tiết nước hợp lý, tổ chức tưới tiết kiệm để ứng phó với tình hình khô hạn.

Xác định nguồn nước tưới đảm bảo sản xuất vụ hè thu có ý nghĩa quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng vụ mùa, ngành nông nghiệp đã đề xuất các địa phương áp dụng đồng bộ các giải pháp để tưới nước tiết kiệm, khoa học đối với các diện tích lúa chủ động nước. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, thích ứng với điều kiện khô hạn từng vùng. Yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh căn cứ thông báo lịch thời vụ và cơ cấu giống của Sở Nông nghiệp và PTNT, xây dựng kế hoạch mở nước sớm theo kế hoạch làm đất của các địa phương, giúp cơ sở chủ động làm đất, gieo cấy đảm bảo thời vụ. Đồng thời căn cứ tình hình sản xuất và diễn biến của thời tiết để có phương án điều tiết nước tiết kiệm, phối hợp với các địa phương để đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ hè thu 2021, nhất là từ giai đoạn lúa làm đòng đến trổ bông.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tăng cường công tác hướng dẫn khoa học - kỹ thuật giúp nông dân áp dụng các biện pháp phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, các giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để có vụ sản xuất hè thu thắng lợi.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=157975&title=chuan-bi-cac-dieu-kien-de-san-xuat-vu-he-thu