Chú trọng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) được các cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. UBND tỉnh đã quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp cơ sở, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, BV&PTR bền vững.
Các cấp ủy Đảng đã rà soát, xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế làm việc bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, thống nhất, thường xuyên, có hiệu quả của các cấp chính quyền về công tác quản lý, BV&PTR.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân về công tác quản lý, BV&PTR được thực hiện bằng nhiều hình như: Lồng ghép tại các buổi sinh hoạt chi bộ, hội nghị chuyên đề, buổi sinh hoạt cộng đồng, họp thôn xóm; in tờ gấp, lắp đặt các bảng, biển, pano, hướng dẫn nội quy, quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); đăng tải trên trang thông tin điện tử, kênh truyền thanh, truyền hình của địa phương và hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn... Nội dung tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lâm. Một số địa phương, đơn vị có sáng kiến, cách làm hay, đổi mới phương pháp tuyên truyền như: Tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi ở huyện Mai Châu; tổ chức hình thức sinh hoạt ngoại khóa nâng cao nhận thức trong các trường học cho học sinh ở huyện Lạc Thủy...
Các cơ quan truyền thông (Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh, Trung tâm VH-TT&TT các huyện, thành phố) xây dựng chuyên trang, chuyên mục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào rộng rãi trong nhân dân; nêu gương những điển hình tiên tiến, mô hình tốt về BV&PTR, PCCCR; nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, BV&PTR.
Đến nay, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tại các địa phương có rừng được kiện toàn. Các xã, phường, thị trấn xây dựng, củng cố trên 1.800 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở các thôn, bản với hơn 11.200 người tham gia. Lực lượng kiểm lâm cùng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng thường xuyên tổ chức kiểm tra an ninh rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Duy trì, chỉnh sửa, bổ sung và thực hiện gần 1.900 quy ước bảo vệ rừng tại các thôn, bản. Nhờ việc giám sát và thực hiện tốt quy ước nên tình trạng săn bắn, buôn bán, khai thác trái phép lâm sản, cháy rừng... đã giảm hẳn; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác của mỗi thành viên trong cộng đồng, huy động được tối đa nguồn lực ở địa phương trong công tác BV&PTR.
Công tác phối hợp giữa lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR được tăng cường. Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở NN&PTNT đã xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Hàng năm, 3 ngành chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp để triển khai thực hiện. Tại cơ sở, kiểm lâm địa bàn, Công an xã, Ban CHQS xã xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra; duy trì chế độ tuần tra theo kế hoạch, đặc biệt chú trọng các ngày lễ, Tết; dịp diễn ra sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao; tập trung lực lượng trong mùa hanh khô, khi dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu, ngành NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các phương án PCCCR cấp xã và các chủ rừng lớn. Duy trì, củng cố đường băng cản lửa, chuẩn bị máy móc, phương tiện, dụng cụ chữa cháy đảm bảo trang thiết bị luôn trong tình trạng tốt nhất để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Trong 3 năm (2018-2020) đã mua sắm bổ sung thiết bị dụng cụ chữa cháy, gồm: 5 máy cưa xích; 15 máy thổi gió; 6 máy cắt thực bì; 18 máy định vị vệ tinh; 1.940 dao phát; 560 bàn dập lửa; 790 bàn cào; 830 biển tuyên truyền, biển báo, biển cấm.
Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp đã cụ thể hóa các nhiệm vụ về lâm nghiệp cho các sở, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã; lực lượng kiểm lâm, chủ rừng; trách nhiệm của trưởng xóm, bản, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sinh sống, hoạt động trong rừng, ven rừng. Với những biện pháp tích cực, công tác chăm sóc, khoanh nuôi và phát triển rừng được quan tâm. Các địa phương tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, tập trung trồng rừng vụ xuân hè và cả năm 2021 theo kế hoạch. 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã trồng trên 871 nghìn cây phân tán, cây ăn quả các loại nhân dịp Tết trồng cây và thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh”; 5.375 ha rừng tập trung, đạt 95,6% kế hoạch năm. Khai thác 4,26 nghìn ha rừng tập trung, khối lượng 343 nghìn m3 gỗ, 13,32 nghìn m3 cây phân tán. Kiểm tra, phát hiện, xử lý 25 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; xảy ra 1 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy khoảng 0,45 ha.