Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi nhiều vấn đề băn khoăn từ cơ sở

Đối thoại với hơn 1.000 Bí thư cấp ủy, Chủ tịch HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã trao đổi, làm rõ các vấn đề về phát triển nghề muối, hỗ trợ xi măng, xử lý dự án chậm tiến độ...

Sáng 4/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì chương trình đối thoại.

Cùng tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo 21 huyện, thành, thị và 1.022 Bí thư cấp ủy, Chủ tịch HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh chương trình gặp mặt, đối thoại. Ảnh: Thành Cường

TIẾP TỤC QUAN TÂM KẾT NỐI SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ MUỐI

Là đại biểu đặt câu hỏi đầu tiên tới các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu) Lê Khánh Toàn cho rằng, hiện nay nghề sản xuất muối của nhân dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá muối thấp, đầu ra tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ, giá trị sản xuất đạt thấp.

Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thuận đặt câu hỏi, thời gian tới, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách nào quan tâm đến nghề muối và diêm dân; đồng thời đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thu mua tiêu thụ; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề sản xuất muối trên địa bàn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu) Lê Khánh Toàn đặt câu hỏi về vấn đề phát triển nghề muối. Ảnh: Thành Cường

Trao đổi câu hỏi của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Thuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh cho rằng, vấn đề phản ánh của đại biểu là đúng.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2017 và Nghị quyết số 18/2021, trong đó hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng khi xây dựng bộ chạt lọc cải tiến và hỗ trợ bạt nhựa nilon. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng chạt lọc cải tiến đạt 9.508 bộ, và trải bạt ô kết tinh đạt 2.540 đơn vị.

Trong thời gian tới, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 từ nguồn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh trao đổi câu hỏi của đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 sản phẩm từ muối đạt OCOP 3 sao tham gia vào thị trường. Riêng tại Quỳnh Lưu có 5 cơ sở chế biến muối, mỗi năm thu mua, bao tiêu khoảng 40.000 tấn muối thô cho bà con diêm dân, giá muối tinh xuất khẩu là 200 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường để nâng cao giá trị nghề muối.

Trao đổi thêm ý kiến của đại biểu Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chia sẻ với những khó khăn của nghề muối, của diêm dân. Trong những năm qua, nghề muối gặp nhiều khó khăn, sản xuất thu hẹp, không phát huy hiệu quả, các làng nghề muối truyền thống có nguy cơ mai một. Nguyên nhân chính là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, diện tích sản xuất muối sạch, chất lượng cao phát triển chậm, năng suất hạn chế, giá thấp.

Để hỗ trợ nghề muối và người dân, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 2 Nghị quyết và UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 với 3 dự án. Trong đó, có dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối huyện Quỳnh Lưu với tổng vốn 100 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi thêm ý kiến của các đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Ngoài ra, trong đề án có thêm 2 dự án: Dự án Tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến muối và Dự án phát triển liên kết trong sản xuất, chế biến muối giữa HTX với doanh nghiệp, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch.

Đối với vấn đề hỗ trợ giá muối, bao tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, muối không thuộc nhóm sản phẩm được hỗ trợ về giá. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở chế biến muối, tiêu thụ khoảng 40.000 tấn muối thô, chiếm 70% sản lượng muối, trong số này đã chế biến được 20.000 tấn muối tinh để xuất khẩu. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm tổ chức kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ muối.

Đặt câu hỏi tới các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) Nguyễn Cảnh An cho biết, trên địa bàn phường có dự án quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi thể thao, giải trí Lan Châu - Song Ngư được triển khai từ năm 2014 nhưng đến nay gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, đề nghị tỉnh quan tâm đôn đốc nhà đầu tư triển khai tiến độ xây dựng hoặc thu hồi dự án để chuyển giao cho đơn vị khác, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường, mỹ quan đô thị.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) Nguyễn Cảnh An nêu câu hỏi tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghi Thủy cũng đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cho tàu thuyền tham gia Nghị định số 30 và Nghị định 130 về huy động tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo mua bảo hiểm thân vỏ tàu. Đồng thời, đề nghị tỉnh nghiên cứu chế độ cho lực lượng dân quân tham gia huấn luyện; quan tâm hỗ trợ nâng cấp cảng cá Nghi Thủy và nạo vét luồng lạch, tạo thuận lợi cho người dân.

Trao đổi câu hỏi này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang nhấn mạnh, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các sở, ban, ngành tập trung rà soát các dự án chậm tiến độ để có các giải pháp xử lý với quan điểm cương quyết.

Đối với dự án Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi thể thao, giải trí Lan Châu - Song Ngư được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2014 và gia hạn đến năm 2020. Hiện nay dự án hoàn thành các hạng mục: khách sạn, bờ kè, nhà hàng, văn phòng, bể bơi... và còn một số hạng mục chưa triển khai, so với yêu cầu là chậm tiến độ.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang trao đổi câu hỏi của đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Tháng 8/2021, UBND tỉnh có văn bản giao thị xã Cửa Lò tiếp tục theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Năm 2023, UBND thị xã Cửa Lò đã rà soát các dự án chậm tiến độ trên địa bàn và có văn bản đưa dự án trên vào kế hoạch kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp để trình UBND tỉnh triển khai kiểm tra dự án; sau đó đoàn sẽ tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với những dự án chậm tiến độ, không thực hiện theo nội dung đầu tư là xử lý kiên quyết, đảm bảo đúng quy định.

Tuy nhiên, việc xử lý các dự án này còn có những vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản nên tỉnh sẽ xem xét vấn đề một cách thận trọng trong quá trình xử lý. Hiện, UBND tỉnh đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành rà soát đối với các dự án chậm tiến độ, trong đó có dự án trên và đưa ra giải pháp xử lý.

Dự án Quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Lan Châu - Song Ngư nhìn từ trên cao. Ảnh: Thành Cường

Về kiến nghị mua bảo hiểm thân vỏ tàu tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và sẽ cho nghiên cứu để thực hiện chính sách này. Đối với chế độ cho lực lượng dân quân tham gia huấn luyện, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết, nhưng có thể mức hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp các địa phương nghiên cứu hướng giải quyết trong khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Về vấn đề cảng cá Nghi Thủy xuống cấp, giao ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành giải quyết kiến nghị của cơ sở.

NGHIÊN CỨU HỖ TRỢ TIỀN THAY HỖ TRỢ XI MĂNG CHO CÁC XÃ ĐĂNG KÝ VỀ ĐÍCH NÔNG THÔN MỚI

Về công tác xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng (huyện Thanh Chương) Phan Văn Dũng cho rằng, tỉnh có chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, chính sách này bộc lộ một số khó khăn như xi măng thường cung cấp chậm, nhiều nơi nhân dân lại dùng xi măng để hoán đổi sang bê tông tươi và nhiều nơi không nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao nhưng nhân dân vẫn rất mong muốn được hỗ trợ xi măng để làm giao thông, thủy lợi.

"Nên chăng, chính sách hỗ trợ xi măng nên áp dụng linh hoạt là có thể nhận bằng tiền và những xã không nằm trong lộ trình về đích vẫn được hỗ trợ để phát huy nội lực của nhân dân", đại biểu Dũng đặt vấn đề.

Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng (huyện Thanh Chương) Phan Văn Dũng nêu câu hỏi. Ảnh: Thành Cường

Trao đổi câu hỏi của đại biểu Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh cho rằng, tỉnh rất quan tâm và ban hành Nghị quyết số 24/2020, trong đó hỗ trợ các xã đăng ký về đích nông thôn mới. Đến ngày 30/6, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 11 đợt, với 200.306 tấn xi măng trên kế hoạch 343.500 tấn đã đấu thầu; qua đó xây dựng 1.144km đường giao thông, với tổng kinh phí 13.912 tỷ đồng.

Việc cung ứng xi măng từ năm 2021 trở đi được tổ chức đấu thầu tập trung, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc xác định cung đường vận chuyển để xác định đơn giá mời thầu mất khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc thực hiện đấu thầu theo quy định mất nhiều thời gian, địa bàn rộng nên việc cung ứng xi măng có chậm. Từ năm 2023 trở đi, tỉnh đã giao theo chỉ tiêu nên cải thiện được thời gian, vì vậy đề nghị các huyện, xã sớm nhận để triển khai.

Về kiến nghị “nên chăng chính sách hỗ trợ xi măng nên áp dụng linh hoạt là có thể nhận bằng tiền”, đồng chí Phùng Thành Vinh cho rằng, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các địa phương nghiên cứu để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách cho phù hợp với thực tế triển khai chương trình.

Làm đường giao thông nông thôn tại huyện Tân Kỳ. Ảnh tư liệu

Trao đổi thêm câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh là hết sức đúng đắn, đóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thời gian qua, do dịch Covid-19, quy định đấu thầu phức tạp nên tiến độ bàn giao xi măng có chậm nhưng bước sang năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo không để chậm công tác này.

Về kiến nghị hỗ trợ bằng tiền thay hỗ trợ xi măng, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc hỗ trợ xi măng ở một số địa bàn chưa phù hợp. UBND tỉnh giao cho các ngành Nông nghiệp và Tài chính nghiên cứu cho phù hợp với quy định và thực tiễn. Đối với các xã không đăng ký về đích nhưng trong quá trình thực hiện về đích được thì có thể xem xét hỗ trợ xi măng.

Tiếp tục đặt câu hỏi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mã Thành (huyện Yên Thành) Bùi Trọng Long cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần có kế hoạch sơ, tổng kết việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cho xây dựng quy hoạch bổ sung một cách đồng bộ, giao cho ngành chức năng tham mưu đơn vị tư vấn thiết kế phải có năng lực thực sự, có tầm nhìn, phải sâu sát thực tế.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mã Thành (huyện Yên Thành) Bùi Trọng Long nêu câu hỏi. Ảnh: Thành Cường

"Khi có bản thảo giao cho người đứng đầu từng địa phương phải tổ chức xin ý kiến góp ý của toàn dân ở từng địa phương cụ thể. Khi trình lên cấp trên phê duyệt phải được cán bộ chuyên môn thẩm định kiểm tra cụ thể rồi mới phê duyệt", đại biểu Long nhấn mạnh.

Đánh giá câu hỏi của đại biểu rất hay, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các xã đã thực hiện hơn 10 năm. Theo quy định, định kỳ phải xem xét nhưng đến nay công tác này chưa được rà soát để lập lại quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.

Nhấn mạnh đây là thẩm quyền của cấp huyện, song đồng chí Nguyễn Đức Trung cho rằng, tỉnh sẽ chỉ đạo để rà soát, sơ kết lại việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo, từ việc thuê đơn vị tư vấn, xác định các yếu tố phù hợp thực tế để có một bản quy hoạch đảm bảo yêu cầu, trong quá trình thực hiện phải lấy ý kiến người dân vì mục tiêu cuối cùng là người dân là đối tượng thụ hưởng.

Phạm Bằng

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/chu-tich-ubnd-tinh-nguyen-duc-trung-trao-doi-nhieu-van-de-ban-khoan-tu-co-so-post274211.html