Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ Philippines
Chiều 14/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ Philippines Meynardo Los Banos Montealegre đến chào xã giao.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đại sứ Philippines trong nhiệm kỳ của mình, phối hợp thúc đẩy triển khai các trọng tâm hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Philippines; thu xếp trao đổi đoàn cấp cao và cấp Ủy ban chuyên môn; giao lưu giữa các Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật và giám sát triển khai thực hiện pháp luật tại mỗi nước; hướng tới xem xét ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác, để tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và quan hệ tốt đẹp giữa hai Quốc hội.
Để tăng cường thực hiện các mục tiêu, nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã ký và gia hạn kế hoạch, chiến lược hành động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trước hết hai bên thực hiện tốt Kế hoạch hành động trong giai đoạn 2019 - 2024.
Đại sứ Philippines trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp; bày tỏ ấn tượng với nhiều kết quả mà Việt Nam đạt được trong thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì phát triển kinh tế. Đại sứ chúc mừng Việt Nam đã đảm nhận rất thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA trong năm 2020, Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam có khả năng dẫn dắt khu vực và chia sẻ tầm nhìn, quan điểm của quốc gia và khu vực trong việc giải quyết các vấn đề chung.
Đại sứ Philippines cho rằng, hợp tác giữa Quốc hội và đại biểu Quốc hội hai nước có vai trò hết sức quan trọng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, Đại sứ đã làm việc với Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Philippines để bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa đại biểu Quốc hội hai nước, tăng cường các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm, nhất là tại các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới.
Theo Đại sứ Philippines, hai nước cần có giải pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, sớm ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại. Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác thương mại lớn của Philippines, Đại sứ cũng cảm ơn Việt Nam đã cam kết cung cấp gạo thường xuyên, ổn định, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực của Philippines.
Về an ninh trên biển Đông và an toàn hàng hải, Đại sứ Philippines hoan nghênh Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và các tiến trình mà ASEAN đang thúc đẩy trong lĩnh vực này như DOC, COC.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến của Đại sứ cần tăng cường đối thoại, tham vấn, ủng hộ quan điểm của nhau về Biển Đông theo các nguyên tắc đã thống nhất của ASEAN, thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán COC trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Tròn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1976 - 12/7/2021) và đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2015 đến nay, quan hệ Việt Nam và Philippines không ngừng củng cố và phát triển bền chặt. Quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng khởi sắc, trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương tăng hơn gấp đôi, từ 2,4 tỷ USD vào năm 2010 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2020; Philippines là đối tác thương mại lớn thứ 5, đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại gạo tăng đều hàng năm và lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD năm 2020.
Bên cạnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, Philippines đã cùng với Việt Nam với các nước thành viên ASEAN đã ngày càng coi trọng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, củng cố tình đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của ASEAN trong các vấn đề khu vực cũng như của quốc tế, lập trường của ASEAN trong các lĩnh vực quan trọng. Hai nước cũng đã phối hợp với nhau tại các diễn đàn đa phương, khu vực tại Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA)./.