Chủ tịch Quốc hội: Bỏ trần lãi suất tiền gửi khi đủ điều kiện

Rà soát, nghiên cứu áp dụng có chọn lọc việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng Việt Nam phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, khi thấy đủ điều kiện thì dỡ bỏ quy định này.Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 96 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo phù hợp thực tiễn...

Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc ba ngày chất vấn.

Đó là một trong những yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu trong phát biểu kết thúc ba ngày chất vấn tại Quốc hội, chiều 1/11.

Chủ tịch cho biết trong ba ngày đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, có 77 lượt đại biểu tranh luận.

Nêu một số nội dung cần tập trung cần thực hiện thời gian tới, đối với Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch nêu yêu cầu triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện việc thanh toán không sử dụng tiền mặt cả ở khu vực tư và khu vực công bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao.

Rà soát, nghiên cứu áp dụng có chọn lọc việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng Việt Nam phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn hệ thống tiền tệ, khi thấy đủ điều kiện thì dỡ bỏ quy định này, Chủ tịch nêu yêu cầu tiếp theo.

Nội dung thứ ba được nêu với Ngân hàng Nhà nước là sớm xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 96, năm 2014 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Với lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư,nội dung được Chủ tịch Quốc hội đề cập là rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thuế, bảo đảm đảm tính trung lập, ổn định nguồn thu từ các sắc thuế; Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế; xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng qua từng năm; sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý; tăng cường biện pháp quản lý hóa đơn và việc mua bán sử dụng hóa đơn.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại tỷ trọng nợ nước ngoài của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ hoạt vay nợ nước ngoài theo cơ chế tự vay tự trả của doanh nghiệp.

Thực hiện quản lý chặt chẽ cơ chế tài chính về đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp; có giải pháp phù hợp để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến thanh toán bằng đất đai trong các dự án BT, đảm bảo tiến tới thực hiện nguyên tắc đấu giá công khai đối với các dự án BT.

Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch, không để phát sinh nợ đọng mới. Rà soát, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư để bảo đảm khuyến khích hoạt động đầu tư, nhưng không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh. Thực hiện việc quản lý nguồn vốn ODA theo đúng quy định của Luật, bảo đảm chặt chẽ về mặt thủ tục nhưng cũng cần phải rà soát phân loại đối với từng lĩnh vực, khu vực để phát huy được hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này.

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý không gian mạng, chuẩn bị các công cụ kỹ thuật, nhân lực để giám sát an toàn thông tin, phòng chống việc sử dụng mạng để vi phạm pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng không gian mạng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với người đưa tin sai, lợi dung không gian mạng để đưa tin sai sự thật, vi phạm pháp luật.

Có các giải pháp hữu hiệu hơn cả về kỹ thuật và quy định trong quản lý sim điện thoại di động, chấn chỉnh các vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng sim trái pháp luật cũng là nội dung thuộc lĩnh vực này.

Hà Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-bo-tran-lai-suat-tien-gui-khi-du-dieu-kien-20181101171237321.htm