Chủ tịch CMC chia sẻ lý do đầu tư vào giáo dục dù 'lợi nhuận không thể có ngay trong ngắn hạn'

Theo Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính, giáo dục không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận và có ngay trong ngắn hạn. CMC xác định đây là trách nhiệm xã hội, đồng thời cũng là chuẩn bị nhân sự cho tập đoàn.

Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính trong phần thảo luận với cổ đông.

Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính trong phần thảo luận với cổ đông.

Sáng 25/7, Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán CMG) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 8.824 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2023 tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ tăng nhẹ 1% lên mức 405 tỷ đồng.

Trả lời cổ đông về kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không đồng đều, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT CMC cho biết, lợi nhuận năm 2023 sau kiểm toán của CMC tăng thêm khoảng 3% khi một số chi phí giảm. Trong khi đó, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 đã được thực hiện từ trước khi có báo cáo kiểm toán. Quan trọng hơn, "công ty có nhiều hoạt động đầu tư trong năm nay" ví dụ như mở văn phòng ở Hàn Quốc cho CMC Global, cuối năm nay sẽ mở văn phòng ở Mỹ với dự kiến chi phí lớn.

Theo ông Chính, khu vực tăng trưởng quan trọng của CMC trong 5 năm tới chính là hạ tầng số, vì vậy công ty xác định phải đầu tư mạnh hơn nữa, để dẫn đầu lĩnh vực này không chỉ ở Việt Nam.

“Gần đây, Alibaba đang tìm kiếm đối tác triển khai hạ tầng số cỡ 1 tỷ USD. Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng hạ tầng số rất tốt, chúng ta lại có lợi thế rất gần Trung Quốc,” Chủ tịch CMC lạc quan về triển vọng mảng hạ tầng số.

Về khối nghiên cứu và giáo dục, CMC đặt mục tiêu năm 2024 đạt doanh thu 74 tỷ đồng, tăng 111% so với năm 2023; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại dự kiến lỗ 77 tỷ đồng (so với năm 2023 lỗ 46 tỷ đồng). Giải thích về điều này, ông Nguyễn Trung Chính cho rằng "giáo dục không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận và có ngay trong ngắn hạn".

“CMC xác định đây là trách nhiệm xã hội, đồng thời chuẩn bị nhân sự cho tập đoàn. Hiện CMC có 6.000 nhân sự và mục tiêu có 10.000-15.000 người vào 2028,” ông Chính nói.

CMC mua lại Trường Đại học Á Châu cách đây 2 năm, sau đó đổi tên thành Đại học CMC. Ông Nguyễn Trung Chính chia sẻ, năm nay trường tuyển sinh 1.000-1.500 sinh viên. Khi đạt quy mô từ 5.000-10.000 sinh viên thì biên lợi nhuận của mảng giáo dục sẽ tốt hơn. CMC cũng đã nhắm đến mục tiêu mở phân hiệu Đại học CMC tại TP HCM.

Liên quan đến định hướng kinh doanh, Chủ tịch CMC chia sẻ thêm, khối kinh doanh quốc tế năm 2023 có suy giảm vì trước đó có những khu vực tăng trưởng nóng từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các startup. Tuy nhiên đây cũng là những khách hàng dễ bị ảnh hưởng khi điều kiện kinh tế chung khó khăn. Vì vậy năm 2023, CMC chấp nhận bước lùi để gia tăng năng lực nội bộ, từ bỏ những thị trường không hấp dẫn, tập trung vào các khách hàng lớn.

“CMC đã có khách hàng số 1 của Nhật Bản, Hàn Quốc, như Samsung SDS đang sử dụng 1.000 nhân sự của CMC. Mỹ cũng sẽ là thị trường trọng tâm của CMC trong 1-2 năm tới, với dự kiến mở ba văn phòng ở ba tiểu bang quan trọng. CMC quyết tâm đầu tư nguồn lực, với mục tiêu 5 năm tới doanh thu tại Mỹ sẽ đạt khoảng 100 triệu USD,” ông Nguyễn Trung Chính nói.

Liên quan đến mảng thiết kế chip, ông Nguyễn Trung Chính cho biết, sắp tới CMC sẽ ra mắt AI chip camera dựa trên thiết kế của chính mình. Theo Chủ tịch CMC, một nhà máy sản xuất chip của Samsung đã có quy mô lên đến 3 tỷ USD, vì vậy Việt Nam khó đi theo con đường này. Thay vào đó nên tập trung vào phần thiết kế, tạo ra nguồn nhân lực làm về thiết kế và cung cấp cách dịch vụ liên quan đến chip. Cùng với đó là phát triển ứng dụng trên nền tảng chip, đây là nhu cầu mà nhiều công ty đang cần.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chu-tich-cmc-chia-se-ly-do-dau-tu-vao-giao-duc-du-loi-nhuan-khong-the-co-ngay-trong-ngan-han-31640.html