Chủ nhân Nobel Văn chương 2022: Dữ dội từ cuộc đời đến trang viết

Nobel Văn chương 2022 dành cho tất cả tác phẩm của Annie Ernaux, với khoảng 20 tựa sách, gồm tiểu thuyết và tự truyện. Ông Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Văn học Nobel, nhận xét bà là một nhà văn cực kỳ trung thực, người không ngại đối mặt với sự thật gai góc.

Lúc 18 giờ ngày 6-10 (giờ Hà Nội, Việt Nam), trang Twitter của Viện Hàn lâm Thụy Điển "bắn" dòng Tweet nóng hổi: Giải Nobel Văn chương 2022 được trao cho tác gia Pháp Annie Ernaux "vì sự can trường và sắc sảo lạnh lùng mà nữ văn sĩ đã dùng để phơi bày căn nguyên, sự bất hòa và những hạn chế chung của ký ức cá nhân".

Annie Ernaux qua nét vẽ của Niklas Elmehed - Ảnh: NOBEL.ORG

TRANG VĂN VÀ KẺ THÙ

Sau khi thắng giải, chủ nhân Nobel Văn chương 2022 trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Thụy Điển SVT: "Tôi xem phần thưởng này là niềm vinh hạnh lớn lao cho bản thân, đồng thời trách nhiệm cũng nặng nề…". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter, ngợi khen bà Annie Ernaux là "tiếng nói cho quyền tự do của phụ nữ và của những người bị lãng quên trong thế kỷ".

Sự nghiệp văn học của bà Annie Ernaux tính đến nay gần tròn nửa thế kỷ. Thời kỳ đầu, Ernaux viết tiểu thuyết là chủ yếu, tác phẩm thiên về hư cấu. Về sau, bà tập trung vào thể loại tự truyện (và tiểu luận), xoay quanh cuộc hôn nhân buồn bã của mình, về người mẹ mắc bệnh Alzheimer gây mất trí, về những trải nghiệm của bản thân với bệnh ung thư và cả những cuộc tình dữ dội thuở xuân xanh. Những tác phẩm của bà khám phá những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân sâu sắc - tình yêu, tình dục, phá thai, sự xấu hổ - trong một xã hội bị chia cắt bởi sự phân hóa giới tính và giai cấp.

Trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của bà, có thể kể đến "A Man’s Place" ("Chỗ ở của một người đàn ông"), về mối quan hệ của Ernaux với người cha. Ernaux tự trào về phong cách văn chương của mình: "Không có hồi tưởng trữ tình… Phong cách viết trung tính đến với tôi một cách tự nhiên".

"Getting Lost" ("Lạc lối") gồm các mục nhật ký từ năm 1988 đến năm 1990, ghi chép mối quan hệ ngoài luồng của Ernaux ở Paris với một người đàn ông trẻ hơn là một nhà ngoại giao Xô - Viết đã yên bề gia thất. "Shame" ("Xấu hổ"), xuất bản năm 1997, lột tả những tổn thương thời thơ ấu. "Happening" ("Xảy ra") kể về một ca phá thai nơi hẻm phố mà Ernaux đã thực hiện và phong kín trong khổ đau vào năm 1963. "A Girl’s Story" ("Chuyện đời một thiếu nữ", xuất bản 2016) miêu tả thời kỳ hoa mộng của bà hồi chạm ngõ tuổi 18 (năm 1958) với kỷ niệm khó quên, đó là lần quan hệ xác thịt đầu tiên trong một trại hè. Đây là một sự kiện đau đớn chưa từng được tác giả nhắc đến trong các cuốn sách trước đó, mà điều này đã khiến bà bị trầm cảm và mắc chứng rối loạn ăn uống.

"A Simple Passion" ("Niềm đam mê giản đơn", viết năm 1992) về mối quan hệ ngoài luồng của Ernaux với một nhà ngoại giao (như trong nhật ký "Getting Lost" có chép lại). Đây là cuốn sách từng bán chạy nhất ở Pháp.

Ernaux một lần chia sẻ với báo Libération: “Cuốn "Niềm đam mê giản đơn" đã mang đến cho tôi rất nhiều kẻ thù và khiến cho giai cấp tư sản nổi giận”. Nữ văn sĩ cho biết thêm bà đã phải đối mặt với sự khinh miệt từ một số hội/ viện văn học của Pháp vì "tôi là một phụ nữ không có xuất thân giống như họ".

Cuốn sách được giới phê bình văn học đánh giá cao nhất, được đề cử và trao nhiều giải thưởng danh giá của Annie Ernaux là "The Years" ("Những năm tháng"), xuất bản năm 2008, nói về bản thân và miêu tả toàn diện hơn về xã hội Pháp từ cuối Thế chiến II cho đến ngày nay. Không giống như những tác phẩm trước, trong "The Years", tác giả đặt bản thân mình ở ngôi thứ ba, gọi nhân vật của mình là "cô ấy" chứ không phải "tôi". Cuốn sách đã đoạt nhiều giải thưởng và danh hiệu, mà theo Chủ tịch Ủy ban Văn học Nobel Anders Olsson, nó được xem là "cuốn tự truyện tập thể đầu tiên".

Một nhận xét về bà

LẤY VĂN CHƯƠNG LÀM LẼ SỐNG

Ernaux nói tác phẩm của chính mình như một thứ gì đó "nằm giữa văn học, xã hội học và lịch sử". Người phụ nữ hoạt động chính trị cực tả này đã góp phần đáng kể vào việc đưa văn học Pháp phát triển. Annie Ernaux đã cật lực viết lách nhằm góp tay “dọn lại” cục diện văn học cũng như muốn làm đổi thay trật tự xã hội, bằng cách chọn những chủ đề bị cho là "không xứng đáng với văn học" như phá thai, đi lại, chợ búa cũng như những chủ đề "sang" hơn như thời gian, ký ức và sự quên lãng. Tại Pháp, bà được tôn vinh là biểu tượng nữ quyền của nhiều thế hệ, nhưng Ernaux chỉ khiêm tốn tự nhận: "Tôi chỉ là người đàn bà viết" - bà nói với hãng thông tấn AFP.

Nhà nghiên cứu - phê bình Dominique Viart viết trong bài "Annie Ernaux: Le temps et la mémoire" ("Annie Ernaux: Thời gian và ký ức"): "Bà ấy là tâm điểm trong những thập kỷ qua. Annie Ernaux rất chú ý đến các vấn đề xã hội lớn như khác biệt giai cấp, phân biệt văn hóa xã hội, nhu cầu của phụ nữ - đồng thời quan tâm đến các thể loại mà nghệ thuật hoặc tư tưởng gần đây đã tôn lên hàng đầu… Bà ấy còn tham gia vào các cuộc tranh luận trong văn học ngày nay cũng như các lĩnh vực khác thuộc khoa học xã hội".

Nữ văn sĩ Annie Ernaux tại Liên hoan Phim Cannes, tháng 5-2018 - Ảnh: NPR

Annie Ernaux sinh năm 1940, người gốc Lillebonne, Sein-Maritime, vùng Normandie - bắc nước Pháp, lớn lên trong cửa hàng tạp hóa của cha mẹ cô ở Yvetot - nơi cho phép Ernaux nghe được "tất cả các cuộc trò chuyện và tiếng nói" từ khi còn rất nhỏ, và nhận thức được thứ bậc xã hội, kể cả những thủ đoạn tinh vi nhất của tầng lớp thống trị. Cuộc đời gắn liền với nghiệp cầm bút và văn chương đã giúp "người đàn bà viết" này thăng hoa. Những năm từ 1972 đến 1981 là giai đoạn giằng xé trên con đường sự nghiệp của Ernaux: Chọn cuộc sống yên ấm bên chồng trong một gia đình tư sản hay theo đuổi nghiệp cầm bút nhọc nhằn? Và khi quyết định lấy văn chương làm nghiệp dĩ, Ernaux từng bị mai mỉa là "kẻ đào ngũ giai cấp"!

"10 năm ấy rất quan trọng trong cuộc đời tôi vì khoảng thời gian đó khẳng định khát vọng viết văn của tôi… Và tôi đã giành được tự do cho mình. Tôi đã phải chịu đựng thế nào khi không có sự tự do đó, ngay cả khi tôi đang có một cuộc hôn nhân nồng ấm. Ấy chính là câu chuyện đời tôi, nhưng cũng là câu chuyện của hàng ngàn phụ nữ đang tìm kiếm tự do và giải phóng" - Ernaux nói với AFP.

TÁC PHẨM ĐẦU TAY - CHUYỆN NAY MỚI KỂ

Những tác phẩm của Annie Ernaux được Viện Hàn lâm Thụy Điển giới thiệu, trong đó có "Cleaned Out" - Ảnh: NOBEL.ORG

Bây giờ, chúng ta mới nhắc tới tác phẩm đầu tay của chủ nhân Nobel Văn chương 2022, là tiểu thuyết "Cleaned Out" (năm 1974, tựa tiếng Việt: "Những chiếc tủ rỗng"), vì nó có vài chuyện đáng nhớ.

Thực ra, Annie Ernaux bắt đầu tập tành viết văn từ khi còn trên ghế trường đại học, nhưng các nhà xuất bản đã từ chối in sách của Ernaux vì "quá tham vọng" (lời Ernaux kể với The Times vào năm 2020). Tạm ngưng viết mãi đến năm 30 tuổi, khi đang là bà mẹ một nách hai con, làm nghề giảng dạy, Ernaux cầm bút trở lại nhưng bị người chồng chế nhạo vì không tin vào năng lực sáng tác của vợ mình.

Thế là Ernaux lén chồng viết "Cleaned Out". Tác giả kể: "Tôi giả vờ làm luận án tiến sĩ (thực ra là viết tiểu thuyết)".

Sau khi "Cleaned Out" được ấn hành, tưởng được cổ vũ, nào ngờ Annie Ernaux bị chồng nói lời cay đắng. Ernaux tiếp tục nhớ lại: "Anh ấy bảo với tôi ‘nếu cô có thể viết được một cuốn sách trong bí mật, thì cô cũng có khả năng lừa dối tôi mà đi ngoại tình chứ gì?!’…". Năm 1984, Ernaux ly hôn, một mình nuôi các con và tiếp tục "trải" cuộc hôn nhân tê tái buồn của mình lên những trang viết.

Các tác phẩm của Ernaux ra đời từ những giằng xé, xung đột, căng thẳng nội tâm, trong đời tư "người đàn bà viết" cũng như trong xã hội đương thời, do vậy luôn phảng phất cảm giác tội lỗi, xấu hổ, hối hận, mà cũng thật dịu dàng, đầy lòng trắc ẩn và giàu sức tranh đấu. Ủy ban Văn học Nobel 2022 và Viện Hàn lâm Thụy Điển chắc chắn đã có đánh giá đa chiều trước khi đưa ra quyết định "trao vòng nguyệt quế" trị giá 10 triệu crown (915.000 USD) cho nữ văn sĩ Pháp 82 tuổi này.

"Anh ấy không biết cởi dây nịt (…) Tôi nhận ra mình đã đánh mất một chiếc kính áp tròng. Và tôi tìm thấy nó trên "của quý" của anh ấy".

Đấy là một trong những dòng nhật ký "dữ dội" mà Annie Ernaux viết trong tự truyện đã được xuất bản "Getting Lost" ("Lạc lối"), kể về những cuộc hoan lạc ngoài luồng giữa người đàn bà đã ngũ tuần với nhà ngoại giao nước ngoài 30 tuổi tại Paris hoa lệ. Tự truyện của Ernaux được đánh giá là chân thực, chân thực đến mức trần trụi, nhờ vậy mà lột tả được sự dữ dội của nữ văn sĩ trong cuộc đời cũng như trên trang viết.

DƯƠNG QUANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/chu-nhan-nobel-van-chuong-2022-du-doi-tu-cuoc-doi-den-trang-viet-20221007024734484.htm